Theo dự báo vừa được Bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA) công bố, xuất khẩu gạo năm nay của nước ta sẽ đạt 6,3 triệu tấn, nhỉnh hơn chút ít so với năm 2020. Tuy nhiên, do đã tụt dốc mạnh cho tới thời điểm này và có nhiều khả năng trong những tháng cuối năm sẽ còn tụt dốc mạnh hơn, cho nên gần như chắc chắn đó sẽ là con số không tưởng.
Việt Nam, Thái Lan “dắt tay nhau” cùng tụt dốc bởi gạo trắng giá rẻ Ấn Độ
Theo dự báo của USDA, xuất khẩu gạo năm nay của Ấn Độ sẽ đạt kỷ lục 19 triệu tấn, tăng đột biến so với 14,3 triệu tấn năm 2020, còn của nước ta sẽ là 6,3 triệu tấn và của Thái Lan là 5,6 triệu tấn, giảm khá mạnh so với gần 6 triệu tấn. Như vậy, tổng khối lượng của bộ ba cường quốc xuất khẩu gạo lớn nhất thế giới sẽ đạt 30,9 triệu tấn, chiếm 63,7% “rổ gạo xuất khẩu” của thế giới.
Thu hoạch lúa tại Long An. Ảnh: N.K
Thế nhưng, các số liệu thống kê bảy tháng đầu năm nay cho thấy, xuất khẩu gạo của bộ ba này đã rơi vào tình trạng đối lập nhau. Đó là, trong khi Ấn Độ đã đạt 12,73 triệu tấn, tăng “khủng” xấp xỉ 5 triệu tấn và 64,4% so với cùng kỳ, thì Việt Nam mới chỉ đạt 3,92 triệu tấn, giảm hơn nửa triệu tấn và 12,7%, đặc biệt Thái Lan “rơi tự do” 0,74 triệu tấn và 22,3%.
Trong điều kiện nhu cầu nhập khẩu gạo của thế giới năm nay tăng mạnh, sự thăng trầm của từng quốc gia xuất khẩu là bắt nguồn từ những yếu tố chủ quan.
Trước hết, nếu nhìn vào thành quả xuất khẩu của Ấn Độ, có thể thấy yếu tố quyết định mang lại kết quả đó nằm ở nhóm gạo trắng (Non Basmati), với 10,16 triệu tấn, tăng đột biến 2,26 lần so với cùng kỳ, trong khi gạo Pausa Basmati giảm 653.000 tấn và 19,8%.
Trong khi đó, ngược lại, theo số liệu thống kê của Tổng cục Hải quan Việt Nam và USDA, trong tổng khối lượng xuất khẩu giảm hơn một nửa triệu tấn, gạo trắng giảm tới 482.000 tấn, trong khi gạo thơm và gạo nếp chỉ tăng 70.000 tấn, còn lại là nhóm gạo khác giảm không lớn.
Đặc biệt, xuất khẩu gạo của Thái Lan “thê thảm” hơn nhiều, do xuất khẩu gạo trắng giảm hơn nửa triệu tấn và 21,4%, còn gạo nếp và gạo thơm cũng giảm gần 240.000 tấn và 24,5%.
Nguyên nhân quan trọng bậc nhất khiến xuất khẩu gạo trắng của Ấn Độ chiếm thế “thượng phong”, đẩy Việt Nam và Thái Lan vào cực đối lập như vậy chính là yếu tố giá cả.
Các kết quả tính toán từ các số liệu thống kê của Ấn Độ cho thấy, bình quân giá gạo trắng xuất khẩu của nước này trong bảy tháng đầu năm nay chỉ ở mức 354 đô la Mỹ/tấn, giảm 5,2% so với cùng kỳ, trong khi của Thái Lan cao ngất ngưởng ở mức 515 đô la/tấn, tăng 0,3%, còn giá chào bình quân hai loại gạo trắng xuất khẩu chủ yếu của Việt Nam là gạo 5% tấm và gạo 25% tấm trong cùng kỳ cũng cao ngất ngưởng ở mức 478 đô la/tấn và 456 đô la/tấn, lần lượt tăng 16,3% và 17,7%.
Những tháng cuối năm sẽ còn tụt dốc mạnh hơn?
Rõ ràng, trong điều kiện tổng khối lượng gạo xuất khẩu trong tám tháng đầu năm mới ước đạt gần 4 triệu tấn, giảm 14,7% so với cùng kỳ, việc chúng ta đạt được 6,3 triệu tấn trong năm nay là điều không thể xảy ra. Không những vậy, có nhiều khả năng xuất khẩu trong bốn tháng cuối năm sẽ còn giảm hơn nữa. Sở dĩ như vậy là bởi những lẽ chủ yếu sau đây:
Thứ nhất, cho dù giá chào gạo trắng các loại của Việt Nam gần đây đã được kéo xuống rất mạnh, nhưng do những nguyên nhân khác nhau, chắc chắn không thể ngay lập tức đẩy khối lượng gạo xuất khẩu tăng.
Có nhiều khả năng bức tranh xuất khẩu gạo những tháng cuối năm nay sẽ không sáng sủa, cho nên bức tranh cả năm sẽ không phải là bức tranh đẹp: đầu năm không chỉ xuất khẩu được nhiều gạo mà giá cũng cao, còn càng về cuối không chỉ lượng bị giảm, mà giá cũng thấp, cho nên kim ngạch xuất khẩu càng giảm mạnh hơn.
Trước hết, theo những thông tin của Tổ chức Lương nông Thế giới (FAO), từ mức đỉnh 509 đô la/tấn đối với gạo 5% tấm và 488 đô la/tấn đối với gạo 25% tấm hồi tháng 2, cao “một trời một vực” so với 408 đô la/tấn và 379 đô la/tấn của Ấn Độ, giá chào xuất khẩu hai loại gạo này của Việt Nam trong tháng 8 vừa qua chỉ còn ở mức 385 đô la/tấn và 364 đô la/tấn, gần như ngang bằng với của Ấn Độ, nhưng chúng ta vẫn khó cạnh tranh với Ấn Độ ở thị trường có sức mua rất lớn là châu Phi, bởi đó là “sân nhà” của họ, cho nên chi phí vận tải thấp hơn hẳn là lợi thế cạnh tranh rất lớn.
Mặt khác, như thực tế cho thấy, từ thời điểm kéo giá chào xuống và hợp đồng xuất khẩu được ký kết cho đến khi thực hiện xong, khoảng thời gian này cũng kéo dài chừng ba tháng.
Thứ hai, cho dù hiện tại chúng ta đã có thể nhìn thấy “tia sáng cuối đường hầm” trong cuộc chiến khốc liệt chưa từng có chống đại dịch Covid-19, nhưng những hậu quả mà nó để lại cho tới thời điểm này sẽ bộc lộ rõ trong tháng 9 cũng như trong những tháng tới.
Đó trước hết là việc ách tắc hàng loạt trong các khâu chế biến, vận chuyển, bốc dỡ chắc chắn sẽ khiến xuất khẩu gạo trong tháng 9 này “rơi tự do” và nhiều khả năng sẽ còn rơi rớt ảnh hưởng cả trong tháng 10, thậm chí có thể là cả trong tháng 11 sắp tới.
Tiếp theo, trong điều kiện dịch bùng phát dữ dội và kéo quá dài, cho dù có nhu cầu của khách hàng, nhưng chắc chắn một số doanh nghiệp không dám mạo hiểm ký kết hợp đồng, vì tương lai rất bất định. Đây là loại ảnh hưởng chắc chắn sẽ còn kéo dài đến cuối năm.
Cuối cùng, thu hoạch lúa hè – thu là thời đoạn thời tiết không thuận lợi, lại chính là khoảng thời gian đại dịch bùng phát, có nhiều khả năng chất lượng gạo sẽ bị ảnh hưởng, cho nên cũng có thể là yếu tố khiến giá trị gạo xuất khẩu bị giảm.
Thứ ba, trong quá trình chuyển sang đẩy mạnh sản xuất và xuất khẩu gạo thơm và gạo nếp cho giá trị cao hơn, dường như chúng ta đã bị quá đà cho nên hiệu quả thấp.
Đó là, nguồn cung gạo trắng quá hạn hẹp khiến khối lượng xuất khẩu giảm trong bảy tháng đầu năm, giá cả bị đẩy lên cao, còn hiện tại thì xuất khẩu gạo thơm lại đang có dấu hiệu khó khăn: giá chào xuất khẩu giảm mạnh, giá bán lúa của nông dân cũng “rơi tự do”, chỉ ngang bằng hoặc cao hơn không đáng kể so với lúa thường.
Nói tóm lại, có nhiều khả năng bức tranh xuất khẩu gạo những tháng cuối năm nay sẽ không sáng sủa, cho nên bức tranh cả năm sẽ không phải là đẹp: đầu năm không chỉ xuất khẩu được nhiều gạo mà giá cũng cao, còn càng về cuối không chỉ lượng bị giảm, mà giá cũng thấp, cho nên kim ngạch xuất khẩu càng giảm mạnh hơn.
Nguyễn Đình Bích (thesaigontimes)
Link bài viết gốc: https://thesaigontimes.vn/xuat-khau-gao-nhung-thang-cuoi-nam-da-tut-doc-se-con-manh-them/
Không có nhận xét nào: