» » Hạt điều từ Campuchia ồ ạt vào: Là tốt, không có gì phải lo

Việc nông sản của Campuchia ồ ạt vào Việt Nam trên tổng thể là không thuận, gây áp lực đối với đầu ra của nông sản nước ta. Riêng với hạt điều thì câu chuyện có khác.

Phân loại hạt điều tại nhà máy của Xí nghiệp chế biến điều và nông sản thực phẩm Bình Phước. Ảnh: Bộ NN&PTNT

Hiện Campuchia có hơn 500.000 héc ta trồng điều tại 10 tỉnh, với vườn tược tốt tươi, sản lượng dồi dào. Tám tháng đầu năm 2021 Campuchia xuất khẩu sang Việt Nam 869.540 tấn hạt điều thô, chiếm 99,2% tổng kim ngạch xuất khẩu hạt điều của quốc gia này.

Số lượng nói trên đã bằng 58,3% tổng lượng hạt điều Việt Nam nhập khẩu năm 2020 khiến lượng nhập khẩu mặt hàng này trong tám tháng đầu năm 2021 lên cao bất thường. Mức nhập cao bất thường khiến Việt Nam từ chỗ xuất siêu về hạt điều trong 31 năm qua, nay thành nhập siêu, đồng thời còn dấy lên nghi vấn doanh nghiệp né thuế… Dù như thế, hiện tượng “ồ ạt” nhập hạt điều là không đáng ngại nếu nhìn theo góc độ đây là nguyên liệu chế biến của ngành điều Việt Nam.

Hạt điều là một trong những mặt hàng xuất khẩu chủ lực trong nhóm có kim ngạch từ 1 tỉ đô la Mỹ/năm trở lên, đứng thứ 3 trong chín mặt hàng của nhóm nông thủy sản. Việt Nam đang vững vàng trong nhóm ba nước đứng đầu thế giới về xuất khẩu hạt điều.

Song do những lấn bấn từ gieo trồng, chăm sóc, chế biến, tới xuất khẩu của ngành điều, khiến hiệu quả chưa được như mong muốn. Năm 2020, xuất khẩu hạt điều được 3,21 tỉ đô la Mỹ, so với năm 2019, giảm 2,3% về kim ngạch, trong khi số lượng tăng 13% bởi giá xuất bình quân giảm 13,6%. Trong chuỗi lo canh cánh, thì nguyên liệu luôn ám ảnh trước tiên.

Nghe nói, trong số hạt điều từ đất nước chùa tháp nhập vào Việt Nam, có một phần là của các doanh nghiệp Việt Nam sang hợp tác đầu tư mang về. Song, kể cả không có chuyện đó thì nguồn hạt điều nguyên liệu lớn từ nước láng giềng, qua đường biên tới liền “thủ phủ” chế biến hạt điều tại các tỉnh phía Nam nước ta, là thuận lợi thấy trước, bớt ngóng chờ từ châu Phi biển trời cách trở.

Do khí hậu cực đoan, thời tiết biến đổi thất thường, sâu bệnh sinh sôi, giống thoái hóa, kỹ thuật gieo trồng, chăm sóc, thu hoạch không được đầu tư tương ứng, cùng nông dân chạy theo tâm lý đám đông, ganh đua trồng, hùa nhau chặt hạ…, nên diện tích trồng điều những năm qua giảm liên tục từ gần 450.000 héc ta xuống chỉ còn trên 300.000 héc ta, dẫn tới sản lượng hạt điều thô sa sút, chất lượng cũng suy suyển, chỉ đáp ứng 20% năng lực chế biến.

Điều này khiến cho các doanh nghiệp chế biến hạt điều xuất khẩu phải xoay xở để tận dụng công suất, đáp ứng đơn hàng. Từ năm 2005, Việt Nam đã là một trong các thị trường nhập khẩu điều nguyên liệu lớn nhất thế giới, từ 25 quốc gia, trong đó Bờ Biển Ngà chiếm 36%.

Song do đa nguồn nhập khẩu, lại mạnh ai nấy nhập, dẫn tới phẩm cấp điều nguyên liệu không đồng đều. Nguy hại hơn, đã phát hiện nhiều lô hàng hạt điều thô từ châu Phi có mọt cánh cứng. Đây là loại côn trùng nguy hiểm nhất trong số các đồng bọn và bị các nước đưa vào danh sách kiểm dịch nghiêm ngặt, trong khi mạng lưới ngăn chặn của ta lại thưa mỏng, do đó, mọt cánh cứng dễ xâm nhiễm và phát tán ở Việt Nam.

Châu Phi hiện là khu vực sản xuất điều thô lớn nhất thế giới, chiếm 60% sản lượng toàn cầu, trong khi năng lực chế biến điều của toàn châu lục này chưa “ngốn” đến 10% sản lượng. Hiện có nước đang bán hạt điều nguyên liệu cho ta đã tỉnh ra, xoay sang chế biến thay cho xuất khẩu hạt thô, nên sớm muộn thì nguồn cung này sẽ ít dần.

Trong khi đó, năng lực chế biến hạt điều của Việt Nam được canh tân, kỹ thuật tiến bộ nhanh. Từ năm 2006, nhiều đoàn từ Ấn Độ, Bờ Biển Ngà, Nigeria, Mozambique, Tanzania… đã đến Việt Nam để tìm hiểu về công nghệ mới này, có khách đã ngỏ ý mua. Tuy thế, việc chế biến hạt điều của ta vẫn bất cập, sản phẩm đơn điệu, ăn trực tiếp dưới dạng hạt, thiếu nhiều sản phẩm từ nguyên liệu nhân điều chế thành các món đặc sản, cao cấp, thỏa dụng đa khẩu vị.

Ngay những sản phẩm đơn điệu nói trên, do nhiều công xưởng làm ra từ nguồn hạt nguyên liệu không đồng đều, nên khó kiểm soát chất lượng thậm chí ngay trong một lô hàng, và chỉ có thương hiệu… tự phong. Vì thế không có khối lượng lớn, ổn định, đáp ứng đơn hàng dài hạn, cho khách hàng “sộp”.

Hạt điều Việt Nam xuất khẩu sang nhiều thị trường, đáng kể như Mỹ, Úc, Liên minh châu Âu (EU), Trung Quốc… Các thị trường Âu - Mỹ - Úc đã xa, rào cản kỹ thuật lại chặt chẽ. Đường sang nước láng giềng Trung Quốc ngắn song lại rắc rối như thường thấy đối với các loại nông sản xuất khẩu khác, mỗi đợt hoạnh họe một kiểu, mỗi lô săm soi một cách. Khó khăn là vậy nhưng nhu cầu thị trường vẫn lớn, nên dư địa thị trường còn xông xênh. Mọi cố gắng đều cần kíp, trong đó then chốt với hạt điều là gỡ nút thắt từ đầu vào nguyên liệu.

Dù hạt điều nguyên liệu từ Campuchia bị xem là ồ ạt sang nhưng lại thay thế cho nguồn từ châu Phi, vì thế không đáng lo mà có thể hy vọng nguồn cung này sẽ góp phần cải thiện đầu vào cho chế biến hạt điều, xuất khẩu ắt sẽ thuận thông. Đó là, đường gần và số lượng lớn, tương đối ổn định và giá, phí dễ chịu… Dĩ nhiên, còn phải đổi mới quy trình, quy chế, quy phạm, điều hành, hỗ trợ để ngành điều vươn tới đỉnh cao mới.

Nguyễn Duy Nghĩa (thesaigontimes)

Link bài viết gốc: https://thesaigontimes.vn/hat-dieu-tu-campuchia-o-at-vao-la-tot-khong-co-gi-phai-lo/

Về Tin tức nông nghiệp

Chuyên tin tức nông nghiệp, chỉ tin tức nông nghiệp. tintucnongnghiep.com là một blog chia sẻ tin tức nông nghiệp Việt Nam và thế giới theo tiêu chí kết nối, chia sẻ và phi lợi nhuận.
«
Trước
Bài đăng Mới hơn
»
Sau
Bài đăng Cũ hơn

Không có nhận xét nào:

Chia sẻ của bạn về bài viết này: