Dịch COVID-19 vẫn đang tác động nặng nề đến ngành thủy sản ĐBSCL. Lượng tôm giống sụt giảm, người nuôi cá treo ao, doanh nghiệp ngán ngại đầu tư… đã tạo nên những khó khăn cần có giải pháp tháo gỡ.
Ghi nhận tại quận Thốt Nốt, TP.Cần Thơ, tổng diện tích nuôi thủy sản ở quận này từ đầu năm đến nay là 400,48ha, trong đó, diện tích nuôi cá tra thịt 353,70ha. Đến nay, sản lượng cá tra thu hoạch 48.360 tấn, tăng 8.996 tấn so với cùng kỳ, đạt 56,89% kế hoạch năm.
Hiện giá cá tra nguyên liệu tại quận Thốt Nốt dao động từ 21.500 - 22.000 đồng/kg, cao hơn cùng kỳ năm 2020 từ 3.000 - 4.000 đồng/kg. Tuy nhiên, với mức giá này người nuôi vẫn bị thua lỗ từ 1.000 - 2.000 đồng/kg, do giá thành nuôi cá tra cao từ 22.000 - 23.000 đồng/kg; đồng thời, do ảnh hưởng dịch COVID-19 nên thị trường xuất khẩu gặp nhiều khó khăn, doanh nghiệp chế biến hạn chế thu mua cá…
Chung tình cảnh đó là con tôm. Những ngày qua, do nhiều địa phương thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16, việc lưu thông hàng hóa, mua bán con giống, thu hoạch tôm gặp khó khăn.
Theo Tổng cục Thủy sản (Bộ NNPTNT), hiện diện tích thả nuôi tôm thương phẩm của nước ta từ đầu năm đến nay đạt 711.766ha, tăng 1,16% so với cùng kỳ năm 2020. Sản lượng đạt 585.000 tấn, trong đó sản lượng tôm sú 187.300 tấn, tôm thẻ chân trắng 397.300 tấn.
Như vậy, 8 tháng của năm 2021, sản lượng tôm tăng 1% so với cùng kỳ năm 2020, nhưng giá bán tôm thương phẩm hiện nay giảm từ 10.000 - 20.000 đồng/kg so với cùng kỳ năm 2020, thậm chí có những vùng giá tôm giảm hơn 20.000 đồng/kg.
Trước tình hình này, Tổng cục Thủy sản dự báo các tháng cuối năm nhiều khả năng sẽ xảy ra tình trạng khan hiếm tôm nguyên liệu.
Ngành thủy sản ĐBSCL đang đối mặt với nhiều khó khăn. Ảnh: TR.L.
Ông Ngô Thanh Toàn, Giám đốc Công ty TNHH Sản xuất và Thương Mại Anh Tuấn, TP.Cần Thơ, chia sẻ: Xe chở hàng của công ty chúng tôi đã đăng ký “luồng xanh” nhưng khi qua mỗi địa phương lại có quy định khác nhau. Đơn cử, xe của công ty trên tuyến đường chở tôm từ huyện Tân Phú Đông, tỉnh Tiền Giang về Cần Thơ thì lại gặp khó không qua được phà ở huyện Tân Phú Đông. Xe của công ty cũng gặp khó khăn tương tự khi vận chuyển tôm trên tuyến đường từ tỉnh Sóc Trăng về. Điều đó cho thấy, quy định chung là một chuyện nhưng về đến địa phương lại là câu chuyện khác.
Ông Lê Văn Quang, Chủ tịch Hội đồng quản trị Tập đoàn Thủy sản Minh Phú, cho biết: Thực hiện phương án “3 tại chỗ”, nhà máy ở Cà Mau có 7.000 công nhân, giờ chỉ còn hoạt động với 1.600 công nhân; nhà máy ở Hậu Giang 6.000 công nhân giờ duy trì được 1.300 công nhân.
Trong tháng 8 sản lượng tôm chế biến của Minh Phú giảm 30,8% và giá trị xuất khẩu giảm 17,74% so với cùng kỳ. Tuy nhiên, nếu tính chung cả 8 tháng của năm 2021, sản lượng lại tăng 9,87% và giá trị xuất khẩu tăng 19,56% so với cùng kỳ năm ngoái.
Theo ông Quang, doanh nghiệp hiện nay không phải không bán được hàng mà do không chế biến được vì thiếu công nhân, chi phí sản xuất tăng cao, hàng hóa lại vận chuyển khó khăn.
“Khó khăn lớn nhất của các nhà máy chế biến các tra là thực hiện “3 tại chỗ” vì phát sinh quá nhiều chi phí, công và lương người lao động tăng, vận chuyển nguyên liệu, hàng hóa gặp nhiều khó khăn; người lao động không muốn làm “3 tại chỗ” vì xa nhà”, lãnh đạo một doanh nghiệp xuất khẩu cá tra nói.
Các chuyên gia cho rằng, các địa phương cần kêu gọi thương lái, nhà máy chế biến thủy sản chung tay ủng hộ, tiếp tục thu mua lượng tôm đã đến giai đoạn thu hoạch, không ép giá gây thiệt hại cho người nuôi. Ngành nông nghiệp cũng cần tuyên truyền để các hộ nuôi duy trì sản xuất nuôi tôm nước lợ, tránh xảy ra tình trạng thiếu tôm nguyên liệu phục vụ chế biến, xuất khẩu vào các tháng cuối năm 2021 và năm 2022. Song song đó, giải pháp cấp bách hiện nay là tăng cường tiêm vaccine phòng COVID-19 cho lực lượng lao động tham gia vào chuỗi sản xuất, cung ứng tôm.
Trần Lưu (Báo Lao Động)
Link bài viết gốc: https://laodong.vn/kinh-te/ca-tom-gap-kho-vi-covid-19-nguy-co-thieu-nguyen-lieu-tu-cuoi-nam-951175.ldo
Không có nhận xét nào: