Giá tiêu đang có xu hướng tăng trở lại và dự báo sẽ tiếp tục tăng từ nay đến cuối năm và cả trong năm tới khi sản lượng đã giảm mạnh.
Sản lượng hồ tiêu năm nay xuống dưới 200 ngàn tấn. Ảnh: Trần Trung.
Trong những tháng gần đây, giá tiêu lúc tăng, lúc giảm, thậm chí có lúc giảm mạnh. Riêng trong tháng 6, sau khi giảm xuống hồi đầu tháng, giá tiêu đã quay đầu tăng trở lại. Đến ngày 30/6, giá tiêu tại các vùng trồng trọng điểm ở mức từ 74.000 - 76.500 đồng/kg.
Ông Hoàng Phước Bính, Phó Chủ tịch Hiệp hội Hồ tiêu Chư Sê (Gia Lai), cho biết, do dịch Covid -19, nền kinh tế thế giới gặp nhiều khó khăn, qua đó ít nhiều làm ảnh hưởng và giảm tiêu thụ hồ tiêu. Mặt khác, dịch bệnh làm đứt gãy lưu thông hàng hoá giữa Việt Nam và các nước, khiến cho giá cước tàu vận chuyển đi các nước Trung Đông, Châu Âu, Mỹ… tăng lên quá cao, gấp 6-10 lần so với trước đây.
Nhiều doanh nghiệp ký bán trước với giá thấp từ 40 đến 55 ngàn/kg, nay phải mua với giá trên 70 ngàn/kg để giao hàng theo hợp đồng nên bị lỗ nặng. Các doanh nghiệp không bị lỗ thì đã tranh thủ mua hàng đầy kho khi giá còn thấp. Chính vì vậy, hiện nay dòng tiền đang bị ngưng trệ nghiêm trọng. Điều đó dẫn đến việc thời gian vừa qua giá tiêu có lúc bị giảm nhiều. Một số đại lý chốt lời hoặc vay tiền nóng, nên phải bán gấp; nhiều nông dân kết thúc vụ cũng cần bán một số để chi tiêu cần thiết … Bởi thế, giá tiêu sẽ còn chưa cao trong một thời gian ngắn nữa.
Dầu vậy, dù có lúc tăng, lúc giảm, nhưng nhìn chung hồ tiêu vẫn đang trong xu hướng tăng giá. Nguyên nhân chính vẫn là cán cân cung cầu.
Các thông tin cho thấy, sản lượng hồ tiêu Việt Nam liên tục giảm mạnh trong những năm qua và trong năm 2021. Trong một bản tin gần đây, Tổ chức Hồ tiêu Quốc tế đã hạ dự báo sản lượng hồ tiêu của Việt Nam trong vụ thu hoạch 2021 xuống còn 180.000 tấn, giảm tới 40.000 tấn so với dự báo trước đó, và giảm 60.000 tấn so với sản lượng năm 2020.
Nhưng theo ước tính của ông Hoàng Phước Bính - người đã đi khảo sát hầu khắp các vùng trồng tiêu trọng điểm, sản lượng thực tế năm 2021 chỉ khoảng trên dưới 150 ngàn tấn. Bởi mấy năm vừa qua giá hồ tiêu rất thấp, càng đầu tư vào vườn tiêu thì càng bị lỗ, nên các chủ vườn tiêu đã bỏ bê không chăm sóc, không đầu tư, rất nhiều vườn tiêu bỏ hẳn. Vì vậy, diện tích hồ tiêu giảm rất nhiều. Đến năm 2021, ước tính diện tích có thu hoạch chỉ còn chưa tới 1/2 so với diện tích năm 2017 (153 ngàn ha). Bên cạnh đó, thời tiết bất lợi khiến cho tiêu ra gié và kết trái được rất ít nên năng suất giảm mạnh. Với 2 yếu tố trên, ước tính sản lượng hồ tiêu năm 2021 giảm tới trên 30% so với năm 2020.
Do nguồn cung giảm mạnh, lượng hồ tiêu xuất khẩu trong năm nay cũng sẽ giảm đi đáng kể. Theo Tổng cục Hải quan, trong 5 tháng đầu năm nay, xuất khẩu hồ tiêu đạt hơn 121 ngàn tấn, giảm 17,1% về lượng so với cùng kỳ năm 2020. Một số chuyên gia ngành hàng hồ tiêu cho rằng lượng hồ tiêu xuất khẩu cả năm nay nhiều khả năng chỉ khoảng trên dưới 200 ngàn tấn, thấp hơn nhiều so với 285 ngàn tấn xuất trong năm ngoái.
Trên cơ sở nguồn cung giảm mạnh, ông Bính cho rằng, trong vài ba tháng tới cho đến cuối năm nay, giá cả sẽ tốt dần lên và khả năng đến cuối năm giá sẽ đạt từ 90 ngàn đến 100 ngàn đồng/kg.
Dịch tích hồ tiêu đã giảm nhiều sau mấy năm giá thấp. Ảnh: TL.
Cũng theo ông Bính, hiện đang có những thông tin rằng tại các tỉnh trồng tiêu trọng điểm, người ta đang tìm mua trụ gỗ, trụ bê tông, cây trụ sống và giống để bắt đầu trồng mới diện tích hồ tiêu (đồng nghĩa với việc sản lượng hồ tiêu trong mấy năm tới có thể lại tăng lên). Tuy nhiên, khác với thời kỳ bùng nổ diện tích mấy năm trước, người trồng tiêu hiện đang đối mặt với một số vấn đề nan giải.
Trước hết, nhiều diện tích tiêu già cỗi, bị bệnh… đã bị chặt bỏ để chuyển sang các cây trồng khác như cà phê, cây ăn trái … Đây đều là những cây lâu năm, vốn đầu tư bỏ ra không nhỏ, nên gần như không có chuyện nông dân lại chặt bỏ những cây này để quay lại hồ tiêu, khi mà cây tiêu vẫn còn quá nhiều rủi ro. Kiếm đất mới để trồng tiêu là rất khó vì đất đai ở Đông Nam Bộ, Tây Nguyên đã tăng giá quá nhiều.
Trong thời gian qua, một lượng không nhỏ lao động trong ngành nông nghiệp ở Tây Nguyên và Đông Nam Bộ đã bị hút vào các nhà máy, khu công nghiệp, nên tình trạng thiếu lao động nông nghiệp đang ngày càng trầm trọng. Bên cạnh đó, sau mấy năm giá tiêu quá thấp, đa số các nhà vườn đã kiệt quệ, không còn vốn để đầu tư cho cây tiêu, vay vốn ngân hàng lại càng không thể.
Chính vì vậy, theo ông Bính, sản lượng hồ tiêu những năm tới, nếu có tăng thì cũng không nhiều, và khó vượt qua mức 180 ngàn tấn. Do đó, giá tiêu những năm tới vẫn tốt.
Thanh Sơn (Báo Nông nghiệp Việt Nam)
Link bài viết gốc: https://nongnghiep.vn/gia-tieu-co-the-dat-90-ngan-dong-kg-vao-cuoi-nam-d295448.html
Không có nhận xét nào: