Ấp ủ giấc mơ làm ra hạt gạo sạch, chất lượng, bảo đảm sức khỏe cho người tiêu dùng, tăng giá trị thương phẩm, vợ chồng người nông dân ở Đồng Tháp này đã hiện thực hóa một phần giấc mơ ấy bằng việc trồng thành công giống lúa đen
Nhiều năm qua, vợ chồng ông Nguyễn Văn Tùng - bà Tăng Thị Kim Xuyến (ngụ xã Nhị Mỹ, huyện Cao Lãnh, tỉnh Đồng Tháp) được biết đến là những người thành công với việc phát triển giống lúa Akita Komachi của Nhật Bản tại Việt Nam. Với niềm đam mê làm nông nghiệp sạch, mong muốn mang đến cho người tiêu dùng nhiều sản phẩm an toàn, vợ chồng ông Tùng lại tiếp tục chinh phục giống lúa đen mang về từ các tỉnh phía Bắc để canh tác trên đất Cao Lãnh, tỉnh Đồng Tháp.
Người nông dân "không bình thường"
Từ lâu, cuộc sống của vợ chồng ông Tùng gắn bó nhiều hơn với cây lúa. Thay vì "bán mặt cho đất, bán lưng cho trời" như những nông dân bao đời ở đây, ông Tùng lại làm nông nghiệp theo hướng ngược lại. Ông đi nghiên cứu thị trường, nhu cầu người tiêu dùng trước khi làm ra sản phẩm, luôn tìm những giống lúa chất lượng cao, hạn chế sử dụng phân hóa học. Để nâng cao hiệu quả sản xuất, cùng với vốn kiến thức sẵn có, ông Tùng rất chịu khó tìm tòi, nghiên cứu, học hỏi trên sách báo và kinh nghiệm của những nông dân trong vùng.
Ông Tùng nhớ lại: "Sau thời gian dài canh tác giống lúa truyền thống, tôi và vợ quyết tìm kiếm thêm giống lúa mới nhằm đa dạng hóa các sản phẩm an toàn sức khỏe để giới thiệu đến người tiêu dùng. Vì vậy, khi nghe người quen giới thiệu về giống lúa đen của bà Nguyễn Thị Thành Thực - chuyên gia kinh tế, Ủy viên Ban Chấp hành Hiệp hội Nông nghiệp số Việt Nam - phân bổ cho nông dân tỉnh Bắc Giang canh tác, tôi liền lặn lội ra tận miền Bắc để gặp bà và tìm hiểu sâu về đặc tính của giống lúa này".
Sau thời gian dài tìm hiểu, đến vụ hè thu 2020, ông Tùng quyết định mang về khoảng 10 kg giống lúa đen để canh tác thử. Ban đầu, do thời tiết miền Tây Nam Bộ có sự khác biệt so với miền Bắc nên lúa trổ bông ít, năng suất thấp. Không nản chí, ông Tùng tiếp tục tìm tòi, học hỏi và tự rút kinh nghiệm để làm tốt các vụ sau.
Qua mỗi lần thất bại, ông Tùng đã nghĩ ra được nguyên lý phù hợp để canh tác giống lúa khó tính này. Đến vụ đông xuân 2020-2021, cây lúa đen hoàn toàn thích ứng với vùng đất và điều kiện thời tiết của Đồng Tháp.
Ông Tùng đúc rút kinh nghiệm: "Quy trình chăm sóc giống lúa đen theo hướng hữu cơ có sự khác biệt so với lúa thường. Cụ thể, đầu vụ, tôi phải áp dụng phương pháp bón vùi phân hữu cơ trước khi cấy. Vì là giống lúa đặc biệt nên trên 1.000 m2 chỉ sạ khoảng 4 kg giống. Trong suốt quá trình canh tác, người trồng phải chú trọng điều chỉnh mực nước để hạn chế cỏ dại và bảo tồn lượng thiên địch (côn trùng có lợi). Cùng với đó, chúng tôi sử dụng hoàn toàn 100% phân hữu cơ và chế phẩm sinh học nhằm đáp ứng tốt cho quá trình sinh trưởng và phát triển của lúa".
Nhiều người dân trồng lúa lân cận cảm phục tính chịu thương chịu khó của vợ chồng ông Tùng. Hằng ngày, mặc cho cái nắng rát da, vợ chồng ông vẫn cần mẫn trên những cánh đồng, nghiên cứu trồng lúa, với vật dụng là chiếc giỏ đựng cỏ dại và quyển sổ tay ghi chép nhật ký sinh trưởng của cây lúa.
"Ban đầu, những người hàng xóm đều nghĩ tôi không bình thường vì cách làm lạ đời. Nhưng thực chất, trong tôi đang ấp ủ một giấc mơ lớn hơn. Đó là giấc mơ làm ra hạt gạo sạch, chất lượng, bảo đảm sức khỏe cho người tiêu dùng; tăng giá trị thương phẩm" - ông Tùng bộc bạch.
Ông Nguyễn Văn Tùng chăm sóc ruộng lúa đen và giới thiệu các sản phẩm làm ra từ lúa đen của mình
Không đủ đáp ứng nhu cầu thị trường
Nhờ áp dụng đồng bộ các biện pháp hữu cơ, ông Nguyễn Văn Tùng đã giảm giá thành, tăng lợi nhuận. Vụ lúa nào vợ chồng ông cũng sản xuất không đủ cung ứng cho thị trường, dù giá bán cao hơn so với lúa trồng đại trà.
Ông Tùng cho biết lúa đen rất dễ mẫn cảm với thuốc hóa học, vì vậy việc áp dụng phòng trừ dịch hại hoàn toàn bằng hữu cơ. Khâu diệt cỏ phải nhổ bằng tay; áp dụng phương pháp giăng lưới để ngăn ngừa côn trùng có hại và chim chóc phá hoại... Cùng với đó, phải có nhật ký ghi chép rõ ràng để theo dõi chặt chẽ suốt quá trình sinh trưởng của cây lúa.
Vụ đông xuân vừa qua, với diện tích trồng trên 1,5 ha, gia đình ông Tùng thu hoạch được khoảng 3,5 tấn lúa đen. Năng suất chưa cao nhưng chất lượng hạt gạo thơm ngon và độ dẻo vượt trội so với giống lúa thường. Hơn thế, trong thành phần gạo của giống lúa đen còn chứa nhiều chất dinh dưỡng rất tốt cho cơ thể người dùng, như: protein, chất béo không no, canxi, selen, xơ, sắt, omega 3,6; các loại vitamin... nên giá bán cao hơn nhiều so với các sản phẩm gạo khác.
Nhằm gia tăng giá trị cho hạt gạo, sau khi thu hoạch vụ đầu tiên, ông Nguyễn Văn Tùng không bán lúa tươi mà chế biến thành các thực phẩm dinh dưỡng như trà gạo mầm, trà gạo lứt, bột gạo mầm, cốm gạo mầm... Những sản phẩm này được nhiều người tiêu dùng trên địa bàn Bình Dương, TP HCM... ưa chuộng.
Ông Tùng tự tin: "Thời gian tới, tôi sẽ mở rộng diện tích sản xuất lúa đen để đáp ứng nhu cầu sử dụng thực phẩm an toàn của người tiêu dùng; tiếp tục nghiên cứu để nâng cao giá trị sản phẩm gạo đen đặc trưng".
Ông cho biết sẽ hoàn tất các thủ tục về đăng ký nhãn hiệu hàng hóa, mã vạch và chất lượng an toàn thực phẩm. "Về hướng đi lâu dài, tôi sẽ xây dựng sản phẩm gạo đen theo chương trình OCOP của tỉnh Đồng Tháp" - ông Nguyễn Văn Tùng thông tin thêm.
Mở rộng sản xuất, hỗ trợ kết nối
Ông Huỳnh Thanh Sơn, Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Cao Lãnh, đánh giá: "Qua tìm hiểu thực tế, ngành nông nghiệp huyện đánh giá cao mô hình canh tác giống lúa đen của vợ chồng ông Nguyễn Văn Tùng và bà Tăng Thị Kim Xuyến. Điểm nhấn của giống lúa này là vừa bảo đảm an toàn sức khỏe cho người tiêu dùng vừa mang lại hiệu quả kinh tế cao cho nông dân canh tác. Từ mô hình này, ngành nông nghiệp huyện cũng mong muốn tạo sự lan tỏa đến nhiều nông dân ở địa phương trong việc canh tác nông nghiệp theo hướng hữu cơ. Thời gian tới, huyện sẽ hỗ trợ mô hình này trong việc mở rộng vùng sản xuất, hỗ trợ kết nối, tiêu thụ, quảng bá sản phẩm...".
Bài và ảnh: Tâm Minh (Báo NLĐ)
Link bài viết gốc: https://nld.com.vn/kinh-te/ong-tung-va-giong-lua-den-tren-dat-dong-thap-20210627202555886.htm
Không có nhận xét nào: