» » » Nông dân trồng khoai lang tím Nhật gần như lỗ trắng

Hiện nay, nhiều tổ chức, cá nhân có nhiều giải pháp hỗ trợ tiêu thụ khoai lang tím Nhật, giúp nông dân trồng khoai vượt qua thời điểm khó khăn này.

30.000 tấn khoai xô ngoài đồng

Hiện nay, dịch bệnh Covid-19 đã ảnh hưởng đến việc lưu thông và tiêu thụ hàng hóa nông sản. Không những khoai lang mà còn nhiều nông sản khác cũng đang cùng chịu chung cảnh ngộ, tắc đầu ra, rớt giá. Trong đó, giá khoai lang tím Nhật đang ở mức thấp nhất trong những năm gần đây.

Hiện trên địa bàn huyện Bình Tân, tỉnh Vĩnh Long có khoảng 850 ha khoai lang tím Nhật đang đến vụ thu hoạch, ước sản lượng khoảng 30.000 tấn khoai xô. Trong khi đó, khoai lang tím Nhật có thị trường chính là Trung Quốc.

30.000 tấn khoai đang tồn đọng ngoài đồng. Ảnh: Minh Đảm.

Hiện nay, Trung Quốc cũng đang vào vụ thu hoạch khoai lang cộng với tình hình dịch bệnh Covid -19 khiến cho giao thương nông sản giữa Việt Nam và Trung Quốc gặp nhiều khó khăn. 

Do đó, giá khoai lang tím Nhật loại đẹp được doanh nghiệp thu mua chỉ 60.000 đồng/tạ, tại đồng giá còn rẻ hơn nhưng rất ít người mua.

Ông Trịnh Ngọc Thanh, kho khoai Huỳnh Mai (thị xã Bình Minh) chuyên thu mua khoai lang tím Nhật cho biết: Hiện nay, chúng tôi phải ngưng hoặc hoạt động cầm chừng ở thị trường nội địa do các kho của Trung Quốc không thu mua nữa. Hiện các thương lái Trung Quốc vẫn chưa xác nhận bao giờ thu mua khoai trở lại. Tới thời điểm đó chắc khoai không đạt chất lượng nhiều rồi. Khoai trên đồng đang tới lứa rất nhiều.

Giọt nước mắt người trồng khoai. Ảnh: Minh Đảm.

Ông Lưu Tú Dương, chủ một doanh nghiệp chuyên thu mua khoai lang tím Nhật xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc tại địa bàn thị xã Bình Minh cho biết: Hiện nay, do khoai lang vẫn chưa xuất khẩu chính ngạch sang Trung Quốc cộng với tình hình dịch bệnh Covid-19 ảnh hưởng đến hoạt động xuất khẩu nên doanh nghiệp gặp rất nhiều khó khăn.

Trước đây xuất khẩu thuận lợi, mỗi ngày doanh nghiệp thu mua và xuất khẩu 3 container khoai lang tím Nhật sang thị trường Trung Quốc. Còn hiện tại, doanh nghiệp phải xuất khẩu tiểu ngạch bằng đường biển 2 ngày mới đi được 1 container. Xuất khẩu bằng đường biển gặp rất nhiều rủi ro và chi phí phát sinh nên hầu hết các doanh nghiệp xuất khẩu đều hạn chế, thậm chí không hoạt động.

Với giá khoai rẻ như thế này, nông dân gần như lỗ trắng. Ước chi phí sản xuất mỗi công khoai lang tím Nhật khoảng 15 - 20 triệu đồng. Tuỳ vào kỹ thuật canh tác và nông dân có sản xuất trên đất nhà hay thuê đất. Giá đất thuê trồng khoai dao động từ 3 - 5 triệu đồng/công.

Thu mua khoai lang xuất khẩu sang Trung Quốc gặp nhiều khó khăn. Ảnh: Minh Đảm.

Trông chờ thị trường nội địa 

Để tháo gỡ khó khăn cho nông dân, ông Nguyễn Văn Liêm, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Vĩnh Long, cho biết: Giải pháp trước mắt là tạo điều kiện thuận lợi cho việc mua bán khoai lang tím Nhật tiêu thụ trong nước.

Tuyên truyền thông tin tình hình khó khăn để các cấp, các ngành, đoàn thể, người tiêu dùng, các công ty doanh nghiệp có đông lực lượng lao động chung tay chia sẻ và hỗ trợ cho người dân trồng khoai lang ở huyện Bình Tân vượt qua khó khăn.

Thời gian tới ngành nông nghiệp Vĩnh Long vận động, hỗ trợ người dân chuyển sang cây trồng khác luân canh trên khoai lang trong vụ thu đông này, có thể là lúa hoặc cây màu ở nơi có điều kiện.

Một mặt giảm nguồn cung khoai tím, tránh trùng vụ với Trung Quốc. Mặt khác, cải tạo đất các ruộng khoai, giảm áp lực dịch bệnh trên khoai cho các vụ tới khi thị trường có chuyển biến tốt hơn.

Sở NN-PTNT thực hiện các chương trình, dự án nhằm phổ biến các kỹ thuật nâng cao chất lượng sản phẩm, giảm giá thành sản xuất khoai. Thực hiện các giải pháp nâng cao chất lượng giống khoai lang tím Nhật, thực hiện các mô hình giảm lượng giống khoai. Áp dụng các quy trình an toàn thực phẩm, GAP, xây dựng mã số vùng trồng nhằm đáp ứng được yêu cầu của thị trường.

Tiếp tục thu hút doanh nghiệp chế biến, doanh nghiệp tiêu thụ khoai lang. Hiện trên địa bàn có một số sơ sở, doanh nghiệp chế biến khoai lang. Trong đó có Công ty Đông Phát Foods có sản lượng tiêu thụ khoai từ 3.000 - 6.000 tấn khoai/năm.

Hướng tới sẽ tiếp tục thu hút các doanh nghiệp chế biến để đa dạng các sản phẩm đầu ra của khoai lang nói chung, khoai lang tím Nhật nói riêng. Bên cạnh đó, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp liên kết và tiêu thụ khoai lang tại địa phương.

Hiện Sở NN-PTNT đã trình UBND tỉnh xem xét phê duyệt hỗ trợ liên kết cho sản phẩm khoai lang để tạo cơ sở tiêu thụ ổn định hơn.

Giải pháp căn cơ và lâu dài là tiếp tục đa dạng hóa các sản phẩm đầu ra (củ tươi, khoai lang sấy, tinh bột khoai, các loại bánh, sữa làm từ khoai lang...) và mở rộng thêm thị trường tiêu thụ khoai lang (Trung Quốc và các thị trường khác).

Khuyến khích các doanh nghiệp chế biến và tiêu thụ liên kết với hợp tác xã, nông dân trong sản xuất, chế biến, tiêu thụ khoai thông qua các hợp đồng liên kết để ổn định sản xuất, giá cả.

Ngành nông nghiệp sẽ phối hợp cùng với chính quyền địa phương thường xuyên theo dõi tiến độ sản xuất, đặc biệt chú ý đối với những sản phẩm nông sản chủ lực có quy mô sản xuất lớn như lúa, khoai lang, mít...

Đồng thời cập nhật thông tin giá cả thị trường để có khuyến cáo người dân điều chỉnh kế hoạch sản xuất phù hợp, tránh để hàng hóa nông sản bị tồn đọng nhiều gây ra tình trạng rớt giá như hiện nay.

Giải pháp căn cơ và lâu dài là tiếp tục đa dạng hóa các sản phẩm đầu ra như củ tươi, khoai lang sấy, tinh bột khoai, các loại bánh, sữa làm từ khoai lang... Ảnh: Minh Đảm.

Kiến nghị đưa khoai lang xuất khẩu chính ngạch

Để tháo gỡ khó khăn cho mặt hàng nông sản nói chung cũng như cây khoai nói riêng, Sở NN-PTNT Vĩnh Long kiến nghị các Bộ, ngành Trung ương tiếp tục quan tâm và thực hiện các chương trình xúc tiến thương mại nông sản.

Hiện nay, tình hình dịch bệnh xảy ra trên toàn thế giới, cần có biện pháp mới và hiệu quả hơn trong phát triển các thị trường nông sản, không chỉ khoai lang, mà còn một số loại nông sản khác cũng đang bị rớt giá như mít, cá tra các loại rau màu, trái cây.

Đề nghị Bộ NN-PTNT, Bộ Công thương tiếp tục đàm phán với Trung Quốc để tiếp tục mở rộng các sản phẩm nông sản xuất khẩu chính ngạch đi Trung Quốc, trong đó có sản phẩm khoai lang của Vĩnh Long.  

Phối hợp với phía Trung Quốc thực hiện tốt các hoạt động giao thương vùng biên trong điều kiện dịch bệnh Covid-19 đang xảy ra ở cả hai quốc gia, đảm bảo mục tiêu chống dịch và mục tiêu giao thương hàng hóa nông sản.

Hiện nay, nhiều đơn vị, tổ chức, cá nhân đã chung tay hỗ trợ tiêu thụ khoai lang cho nông dân Bình Tân. Mới đây, nhằm thể hiện tinh thần xung kích, trách nhiệm của thanh niên, Tỉnh đoàn Vĩnh Long đã chủ động phối hợp với các đơn vị đến mua trực tiếp người dân hơn 8 tấn khoai.

Trong đó, Hội Doanh nhân trẻ tỉnh ủng hộ 6 tấn với giá 3.000 đồng/kg. Tỉnh đoàn và Trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật Vĩnh Long hỗ trợ xe vận chuyển khoai từ Bình Tân lên Vĩnh Long và các chi phí phát sinh khác.

Từ ngày 27/5, khoai lang đã được tập kết và bán tại Trung tâm hoạt động thanh thiếu niên tỉnh Vĩnh Long với giá 3.000 đồng/kg, bán không lợi nhuận. Tỉnh đoàn Vĩnh Long kêu gọi bà con nhân dân, đoàn viên thanh niên trong và ngoài tỉnh ủng hộ chương trình "Cùng Thanh niên Vĩnh Long đồng hành, hỗ trợ nông dân Bình Tân tiêu thụ khoai lang".

Minh Đảm - Hữu Đức (Báo Nông nghiệp Việt Nam)

Link bài viết gốc: https://nongnghiep.vn/nong-dan-trong-khoai-lang-tim-nhat-gan-nhu-lo-trang-d293489.html

Về Tin tức nông nghiệp

Chuyên tin tức nông nghiệp, chỉ tin tức nông nghiệp. tintucnongnghiep.com là một blog chia sẻ tin tức nông nghiệp Việt Nam và thế giới theo tiêu chí kết nối, chia sẻ và phi lợi nhuận.
«
Trước
Bài đăng Mới hơn
»
Sau
Bài đăng Cũ hơn

Không có nhận xét nào:

Chia sẻ của bạn về bài viết này: