Vụ thu hoạch trái cây hè năm nay, các nhà vườn trên địa bàn tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu gặp nhiều khó khăn vì vừa mất mùa vừa rớt giá, không những vậy thương lái còn không đến các vườn thu mua, khiến nhiều nhà vườn lo lắng.
Ông Lê Thanh Đán, ở ấp Bình Thắng, xã Bình Châu, huyện Xuyên Mộc, để xoài tự rụng đầy gốc do giá bán quá rẻ.
Châu Đức là địa phương có diện tích trồng trái cây lớn của tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu với hơn 3.800ha chủ yếu là các loại chôm chôm, măng cụt, sầu riêng, bơ. Tuy nhiên, do ảnh hưởng của thời tiết nên các loại trái cây chôm chôm, măng cụt đều trễ vụ so với mọi năm và đến thời điểm này vẫn thu hoạch. Còn giá sầu riêng thường bán tại vườn chỉ còn từ 27.000 - 29.000 đồng/kg; sầu riêng hạt lép Ri6 còn 50.000 đồng/kg, bơ 15.000 đồng/kg. Mặc dù giá thấp nhưng không có thương lái thu mua.
Theo các nhà vườn, sức tiêu thụ các mặt hàng trái cây tươi gặp khó ở cả thị trường nội địa lẫn xuất khẩu do ảnh hưởng bởi dịch COVID-19 nên giá nhiều mặt hàng trái cây giảm mạnh so với mọi năm.
Ngoài ra, do ảnh hưởng của thời tiết nắng nóng kéo dài nên tỷ lệ trái loại 1 rất thấp, đa số là hàng loại 2, loại 3 thường có giá thấp hơn so với hàng tuyển.
Ông Hoàng Long Vỹ, ấp 3, xã Kim Long, huyện Châu Đức, đang lo lắng không yên khi giá bơ đang từ 25.000 đồng rớt xuống chỉ còn 10.000 - 15.000 đồng/kg, thương lái lại không dến thu mua.
Gia đình ông Hoàng Long Vỹ, trú tại ấp 3, xã Kim Long, huyện Châu Đức có 1,1 ha trồng bơ. Ông Vỹ cho biết, nếu như cuối năm 2020 bơ có giá từ 50.000 - 60.000 đồng/kg (bơ sớm), đến tháng 2 giá bơ còn 25.000 đồng/kg, thì nay bơ chỉ còn giá từ 10.000 - 15.000 đồng/kg, trong khi đó cùng kỳ năm ngoái giá là 22.000 đồng. Nhưng, nhiều lần ông gọi thương lái mà họ không tới mua vì lý do không tiêu thụ được do ảnh hưởng của dịch COVID-19. Với tình trạng bơ trong vườn đã quá kỳ thu hoạch, lại không tiêu thụ được khiến ông Vỹ lo lắng không yên.
Gần 1 tháng nay, vườn xoài 2ha của gia đình ông Lê Thanh Đán, ở ấp Bình Thắng, xã Bình Châu, huyện Xuyên Mộc chín đỏ vườn và tự rụng vì giá bán quá thấp, thu hoạch không đủ bù chi phí đầu tư, công thu hái. Hiện, giá xoài cát Hòa Lộc tại vườn đang có giá chỉ 12.000 đồng/kg, giảm gần 10.000 đồng/kg so với năm ngoái; xoài Đài Loan, xoài ghép chỉ 1.500 đồng/kg thay vì 10.000 đồng/kg như mọi năm. Giá thấp thu không đủ chi, thương lái không thu mua khiến hiện nay xoài chín rụng đầy gốc, khiến ông Đán không khỏi xót xa.
Ông Đán nhẩm tính, với 1 tấn xoài Đài Loan, xoài ghép hiện nay bán được khoảng 1.500.000 đồng, trong khi đó ông phải thuê 5 nhân công/ngày mới hái đủ 1 tấn, với giá nhân công là 250.000 đồng/ngày/người. Cộng thêm với chi phí phân, thuốc, công chăm sóc bỏ ra cho 1 vụ xoài thì ông thu không đủ chi nên ông đành bỏ xoài tự chín và rụng đầy gốc, bỏ cho bò ăn.
Bà Rịa-Vũng Tàu hiện nay có trên 12.000 ha cây ăn trái với nhiều loại trái cây; trong đó, có trái cây vụ hè cho sản lượng trung bình 80.000 tấn mỗi năm.
Theo nhận định của ngành nông nghiệp tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu, dịch COVID-19 khiến trái cây khó xuất khẩu nên chủ yếu phải tiêu thụ trong nước. Bên cạnh đó, diện tích trồng trái cây trên địa bàn tỉnh 3 năm trở lại đây liên tục tăng mà chưa tính đến bài toán liên kết với đầu ra.
Cụ thể, diện tích trồng cây ăn trái của tỉnh năm 2018 là hơn 9.000ha, năm 2019 là hơn 10.300 ha thì đến nay diện tích trái cây trên địa bàn tỉnh đã trên 12.000ha.
Về giải pháp hỗ trợ cho người nông dân trong tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp, ông Trần Văn Cường, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu cho biết, Sở cũng đã kiến nghị Ngân hàng Nhà nước tỉnh cơ cấu lại thời gian giãn nợ cho cơ sở đang vay, đáo hạn, vay mới; giảm lãi suất cho vay đối với các doanh nghiệp, cơ sở để có nguồn vốn phục vụ tái sản xuất, duy trì sản xuất trong thời gian dịch bệnh xảy ra.
“Bên cạnh đó, các cơ quan chức năng của tỉnh cũng đã và đang tăng cường hỗ trợ nông dân bán hàng qua các kênh thương mại điện tử trong thời kỳ dịch bệnh xảy ra phức tạp. Về lâu dài, sở sẽ tiếp tục thực hiện quy hoạch ngành nông nghiệp đến năm 2030 theo hướng an toàn, đạt các tiêu chuẩn chất lượng trong nước và quốc tế, đây là điều kiện để loại đặc sản của tỉnh có thể xuất khẩu theo đường chính ngạch và mở rộng sang các thị trường mới như Nhật Bản, Hàn Quốc, Australia…
Đặc biệt, tỉnh khuyến khích bà con nông dân áp dụng khoa học công nghệ; tiêu chuẩn, quy chuẩn vào trong quá trình trồng để có nguồn nông sản chất lượng, đáp ứng yêu cầu các thị trường. Đồng thời, khuyến khích các doanh nghiệp trong và ngoài nước đầu tư các nhà sơ chế, chế biến sâu sản phẩm nông sản sau thu hoạch nhằm nâng cao chất lượng sản phẩm, sản xuất các sản phẩm có giá trị gia tăng.”, ông Trần Văn Cường nhấn mạnh.
Tin, ảnh: Hoàng Nhị (TTXVN)
Link bài viết gốc: https://baotintuc.vn/thi-truong-tai-chinh/nha-vuon-gap-kho-vi-trai-cay-vu-he-rot-gia-20210601091410985.htm
Không có nhận xét nào: