Trong tuần qua, giá lúa ở khu vực Đồng bằng sông Cửu Long nhìn chung có xu hướng ổn định, trong khi đó, mặt hàng cà phê trong nước thì quay đầu giảm giá khá mạnh do tác động từ thị trường thế giới.
Trong tuần qua, giá lúa ở khu vực Đồng bằng sông Cửu Long nhìn chung có xu hướng ổn định. Ảnh: Lê Huy Hải/TTXVN
Theo Viện Chính sách và Chiến lược phát triển nông nghiệp nông thôn, tuần qua giá lúa ở các địa phương khu vực Đồng bằng sông Cửu Long nhìn chung vẫn giữ ổn định. Cụ thể, tại Đồng Tháp, lúa tươi loại IR 50404 là 6.100 đồng/kg; tại Cần Thơ, giá lúa khô như Jasmine ở mức 7.300 đồng/kg, OM 4218 là 6.900 đồng/kg, IR 50404 là 6.700 đồng/kg…
Riêng tại Kiên Giang, các loại lúa tươi có giá tăng nhẹ 100 đồng/kg như: IR 50404 từ 6.000 - 6.200 đồng/kg, OM các loại từ 6.100 - 6.500 đồng/kg, Jasmine từ 6.300 - 6.400 đồng/kg.
Còn tại An Giang, theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn An Giang, giá một số loại lúa trên địa bàn tỉnh trong tuần qua quay duy trì ổn định. Giá lúa tươi thường tại tỉnh dao động từ 6.000 - 6.200 đồng/kg. Một số loại lúa chất lượng cao cũng duy trì ổn định như OM các loại từ 6.000 - 6.500 đồng/kg; lúa Nhật từ 7.500 - 7.600 đồng/kg…; Đài Thơm 8 từ 6.500 - 6.600 đồng/kg.
Giá một số mặt hàng gạo tại An Giang lại có xu hướng ổn định. Cụ thể, gạo Hương Lài 18.000 đồng/kg, gạo Nhật là 24.000 đồng/kg, nếp từ 13.000 - 14.000 đồng/kg, gạo Jasmine từ 14.000 - 15.000 đồng/kg. Giá gạo thường dao động ở mức từ 11.000 - 12.000 đồng/kg.
Theo các thương nhân, hiện tại lúa Đông Xuân còn ít, thương lái hỏi mua lúa khô nhiều hơn, đồng thời tiếp tục cọc lúa Hè Thu. Các địa phương phía Nam triển khai kế hoạch sản xuất lúa Hè Thu.
Như tại Hậu Giang, nông dân trong tỉnh đã xuống giống hơn 50.000ha lúa Hè Thu (kế hoạch 76.000ha); trong đó, nhiều địa phương tại vùng ảnh hưởng xâm nhập mặn của huyện Long Mỹ và thành phố Vị Thanh cũng bắt đầu gieo sạ khi xuất hiện mưa lớn trong thời gian gần đây.
Theo thống kê sơ bộ của Tổng cục Hải quan, tháng 4/2021 là tháng thứ 2 liên tiếp xuất khẩu gạo tăng trưởng cả về lượng và kim ngạch so với tháng liền kề trước đó, với mức tăng trên 45% cả về lượng và kim ngạch, đạt 782.159 tấn, tương đương 424,22 triệu USD; so với cùng tháng năm 2020 cũng tăng 53,3% về lượng, tăng 66,8% về kim ngạch.
Tính chung cả 4 tháng đầu năm 2021 xuất khẩu gạo của cả nước đạt trên 1,93 triệu tấn, thu về trên 1,07 tỷ USD, giảm 6,4% về lượng nhưng tăng 8,2% về kim ngạch so với 4 tháng năm 2020. Giá xuất khẩu trung bình tăng 15,6%, đạt 543,4 USD/tấn.
Về mặt hàng cà phê, giá cà phê ở khu vực Tây Nguyên trong tuần qua đã không còn chu kỳ tăng giá, thay vào đó là sự giảm giá khá mạnh ở các địa phương. Theo Viện Chính sách và Chiến lược phát triển nông nghiệp nông thôn, giá cà phê dao động ở mức từ 33.100 - 33.500 đồng/kg, giảm từ 800 - 1.200 đồng/kg so với tuần trước. Cụ thể, giá cà phê tại Lâm Đồng có mức giảm khá mạnh với mức 1.200 đồng/kg, còn 32.200 đồng/kg; Đắk Nông 33.500 đồng/kg; Kon Tum là 32.900 đồng/kg; Đắk Lắk là từ 33.500 - 33.700 đồng/kg
Hải quan Việt Nam cho biết xuất khẩu cà phê trong tháng 4/2021 ước tính đạt 132.111 tấn, thấp hơn 22,1% so với tháng 3/2021. Điều này cũng có nghĩa là tổng khối lượng cà phê xuất khẩu trong bốn tháng đầu năm đạt mức 584.981 tấn, thấp hơn 14,3% so với cùng kỳ năm ngoái. Mặc dù khối lượng xuất khẩu giảm so với năm ngoái, song doanh thu từ xuất khẩu cà phê trong bốn tháng đầu năm 2021 đã cao hơn 7,3% so với cùng kỳ năm ngoái, lên mức 1,1 tỷ USD.
Trong khi giá nông sản trong nước có xu hướng ổn định, thậm chí giảm thì trên thị trường thế giới, giá các mặt hàng nông sản lại giao dịch trái chiều. Chẳng hạn như ở thị trường Mỹ trong phiên cuối tuần 14/5 giá ngô giảm, còn lúa mỳ và đậu tương tăng.
Chốt phiên này, giá ngô giao tháng 7/2021 giảm 31 xu Mỹ (4,59%) xuống 6,4375 USD/bushel. Trong khi giá lúa mỳ giao cùng kỳ hạn tăng 5,75 xu Mỹ (0,82%) lên 7,0725 USD/bushel, còn giá đậu tương giao tháng 7/2021 tăng 2,25 xu Mỹ (0,14%) lên 15,8625 USD/bushel (1 bushel lúa mỳ/đậu tương = 27,2 kg; 1 bushel ngô = 25,4 kg).
Công ty nghiên cứu AgResource có trụ sở tại Chicago cho hay, không có bằng chứng nào cho thấy Trung Quốc đang đẩy mạnh việc bán nông sản cũ hoặc hủy các đơn hàng đã đặt. Thay vào đó, nước tiêu thụ nông sản hàng đầu thế giới này đang tiếp tục đặt ngô từ Mỹ, mới thêm một đơn đặt hàng 1,3 triệu tấn được ghi nhận. Bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA) đã xác nhận rằng Trung Quốc hiện đã nhập 4,3 triệu tấn ngô Mỹ của niên vụ 2021-2022 trên tổng số 6 triệu tấn đã được chốt trước đó.
Thị trường ước tính diện tích vụ ngô năm 2021 của Mỹ sẽ tăng lên 96,8 triệu mẫu, còn diện tích trồng đậu tương tăng lên 88,5 triệu mẫu (1 mẫu Mỹ = 4.046,86 m²) , tăng lần lượt là 5,7 triệu mẫu và 900.000 mẫu so với mức trước đó.
Giá ngô đang được giao dịch ở mức cao kỷ lục ở Brazil và Trung Quốc. Ảnh: TTXVN
Dự báo thời tiết cho thấy, thời tiết tại khu vực Đồng bằng Bắc Mỹ và Trung Tây Bắc Mỹ sẽ khô hạn hơn, cùng với mưa lớn tại phía Nam biên giới bang Iowa và Missouri. Vụ ngô Brazil cũng đang phải trải qua thời tiết khô/nóng kéo dài đến ngày 24/5.
Nhu cầu nhập khẩu đậu tương, ngũ cốc chăn nuôi của Trung Quốc tương đối lớn vào đầu năm 2022. Giá ngô đang được giao dịch ở mức cao kỷ lục ở Brazil và Trung Quốc.
Còn tại thị trường gạo châu Á, giá gạo nhập khẩu của Ấn Độ giảm tuần thứ bảy liên tiếp trong bối cảnh nguồn cung tăng lên do chính phủ “giải phóng” các kho dự trữ để hỗ trợ người nghèo giữa lúc số ca mắc COVID-19 tại nước này gia tăng. Giá gạo đồ 5% tấm của Ấn Độ được giao dịch ở mức từ 370 - 374 USD/tấn trong tuần này, giảm so với mức từ 371 - 376 USD/tấn trong tuần trước.
Một nhà xuất khẩu có trụ sở tại Kakinada ở bang Andhra Pradesh, miền Nam Ấn Độ cho biết, giá gạo tại thị trường nội địa đã được điều chỉnh đáng kể sau khi chính phủ bắt đầu giải phóng các kho dự trữ để giúp đỡ người nghèo. Ấn Độ đã cung cấp ngũ cốc miễn phí cho gần 800 triệu người khi làn sóng COVID-19 thứ hai tấn công nước này.
Tại Bangladesh, Bộ Nông nghiệp Bangladesh cho biết nước này dự kiến sẽ ghi nhận sản lượng gạo vụ Hè, còn được gọi là Boro, tăng lên 20,5 triệu tấn trong năm nay so với mức 19,6 triệu tấn một năm trước đó, nhờ diện tích được mở rộng thêm. Vụ Boro, thường đóng góp hơn một nửa sản lượng lúa gạo hàng năm của Bangladesh, có thể giúp nước này giảm nhập khẩu. Bangladesh đã trở thành nước nhập khẩu lớn sau khi hứng chịu lũ lụt liên tiếp trong năm 2020, mùa màng bị thiệt hại.
Trong khi đó, giá gạo 5% tấm của Thái Lan giảm xuống mức thấp của hơn 6 tháng là từ 465 - 473 USD/tấn so với mức từ 475 - 485 USD/tấn trong tuần trước đó. Các nhà giao dịch cho rằng nhu cầu nước ngoài suy yếu là nguyên nhân khiến giá gạo giảm, và không có lo ngại về vấn đề nguồn cung. Còn giá gạo 5% tấm của Việt Nam không đổi so với tuần trước đó ở mức từ 490-495 USD/tấn do nguồn cung thấp. Một thương lái có trụ sở tại Thành phố Hồ Chí Minh cho biết các nhà giao dịch đang chờ đợi sản lượng mới từ vụ thu hoạch Hè Thu sắp tới.
Về thị trường cà phê thế giới, giá mặt hàng này tiếp đà giảm; trong đó, giá cà phê Robusta giao tháng 7/2021 tại thị trường London giao dịch ở mức 1.460 USD/tấn sau khi giảm 2,34% (tương đương 35 USD) so với hôm qua. Giá cà phê Arabica giao tháng 7/2021 tại New York giao dịch ở mức 145 US xu Mỹ/pound, giảm 0,96% (tương đương 1,40 xu Mỹ).
Giá cà phê tiếp nối đà giảm do báo cáo tồn kho trên cả hai sàn cà phê kỳ hạn tiếp tục tăng thêm. Tồn kho Arabica - New York lên ở mức cao 13,5 tháng và tồn kho Robusta – London lên ở mức cao 6 tháng. Trong khi Tổ chức Cà phê Quốc tế (ICO) báo cáo xuất khẩu cà phê toàn cầu trong 6 tháng đầu của niên vụ 2020/2021 đã tăng 3,5% so với cùng kỳ niên vụ trước cũng góp phần khiến giá cà phê chững lại.
Bích Hồng - Minh Hằng (TTXVN)
Link bài viết gốc: https://baotintuc.vn/thi-truong-tai-chinh/thi-truong-nong-san-tuan-qua-gia-lua-on-dinh-ca-phe-lao-doc-20210516114953359.htm
Không có nhận xét nào: