» » Việt Nam giảm dần xuất khẩu thô, tăng xuất khẩu hồ tiêu đã qua chế biến

Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công thương) nhận định, cơ cấu chủng loại hạt tiêu xuất khẩu của Việt Nam đã thay đổi mạnh mẽ trong quý 1-2021. Doanh nghiệp giảm xuất khẩu hạt tiêu thô, thay vào đó là các chủng loại tiêu đã qua chế biến chuyên sâu. Điều này giúp nâng cao giá trị gia tăng cho hạt tiêu Việt Nam.

Theo đánh giá của Cục Xuất nhập khẩu, điều đáng chú ý trên thị trường hồ tiêu Việt Nam trong hai tháng đầu năm 2021 là xuất khẩu hạt tiêu đen và hạt tiêu trắng giảm so với cùng kỳ năm 2020, nhưng xuất khẩu hạt tiêu đen xay và hạt tiêu trắng xay tăng mạnh.

Như vậy, cơ cấu chủng loại hạt tiêu xuất khẩu đã có sự thay đổi mạnh mẽ. Doanh nghiệp giảm xuất khẩu hạt tiêu thô, thay vào đó là các chủng loại đã qua chế biến chuyên sâu hơn.

Giảm xuất khẩu thô, tăng sản phẩm chế biến sâu

Cụ thể, số liệu từ Tổng cục Hải quan cho thấy, trong hai tháng đầu năm 2021, Việt Nam xuất khẩu khoảng 21.678 tấn hạt tiêu đen với giá trung bình khoảng 2.676 đô la Mỹ/tấn, trị giá kim ngạch đạt hơn 58 triệu đô la Mỹ. So với cùng kỳ 2020, lượng hạt tiêu đen xuất khẩu đã giảm gần 31% về lượng và giảm 14,4% về trị giá.

Ở chiều ngược lại, trong hai tháng đầu năm 2021, Việt Nam xuất khẩu hơn 4.300 tấn hạt tiêu đen xay, trị giá hơn 15 triệu đô la Mỹ. Thế nhưng, so với cùng kỳ 2020, xuất khẩu hạt tiêu đen xay đã tăng 21% về lượng và tăng hơn 28,6% về trị giá.

Tương tự, đối với hạt tiêu trắng, xuất khẩu trong 2 tháng đầu năm nay chỉ đạt hơn 2.200 tấn, trị giá hơn 8,8 triệu đô la Mỹ, giảm gần 35% về lượng và 17% về trị giá so với cùng kỳ năm ngoái.

Ngược lại, lượng tiêu trắng xay xuất khẩu hai tháng đầu năm đạt hơn 1.000 tấn, trị giá hơn 4,5 triệu đô la Mỹ. So với cùng kỳ năm ngoái, tỉ lệ tăng trưởng của sản phẩm hạt tiêu trắng ở mức rất cao, tăng hơn 60% về lượng và tăng hơn 90% về trị giá.

Các doanh nghiệp đã đẩy mạnh xuất khẩu các sản phẩm tiêu chế biến sâu trong quý 1 năm 2021. Ảnh: Nguyên Vỹ.

Một điểm sáng nữa của ngành hồ tiêu trong quý 1 năm nay là lượng tiêu xuất khẩu vào thị trường Nhật Bản tăng trưởng mạnh.

Theo số liệu thống kê từ Trung tâm Thương mại Quốc tế, nhập khẩu hạt tiêu của Nhật Bản trong 2 tháng đầu năm 2021 đạt 1.470 tấn, trị giá trên 7 triệu đô la Mỹ, giảm nhẹ 1% về lượng, nhưng tăng 6,6% về trị giá so với cùng kỳ năm 2020.

Giá nhập khẩu bình quân hạt tiêu của Nhật Bản trong hai tháng đầu năm 2021 đạt 4.754 đô la Mỹ/tấn, tăng 7,7% so với cùng kỳ năm 2020. Trong đó, giá nhập khẩu bình quân hạt tiêu của Nhật Bản tăng từ hầu hết các thị trường cung cấp chính (trừ Ấn Độ).

Trong hai tháng đầu năm 2021, Nhật Bản đã tăng mạnh nhập khẩu từ một số thị trường trong đó có Việt Nam. Đây được coi là tín hiệu tốt đối với xuất khẩu hạt tiêu của Việt Nam trong bối cảnh xuất khẩu sang các thị trường châu Âu và Hoa Kỳ gặp khó khăn khi dịch bệnh vẫn diễn biến phức tạp.

Số liệu thống kê cho thấy, nhập khẩu hạt tiêu của Nhật Bản từ Việt Nam trong hai tháng đầu năm 2021 đạt 414 tấn, trị giá xấp xỉ 2 triệu đô la Mỹ, tăng 44,3% về lượng và tăng 51,2% về trị giá so với cùng kỳ năm 2020.

Thị phần hạt tiêu của Việt Nam trong tổng lượng nhập khẩu của Nhật Bản tăng mạnh từ gần 19,3% trong hai tháng đầu năm 2020, lên hơn 28% trong hai tháng đầu năm 2021.

Tăng cường chế biến sâu

Theo Hiệp hội Hồ tiêu Việt Nam (VPA), tăng cường chế biến sâu là mục tiêu hướng đến của ngành hồ tiêu Việt Nam hiện nay. Việt Nam hiện có khoảng 200 doanh nghiệp chế biến, kinh doanh hồ tiêu, trong đó có 15 doanh nghiệp hàng đầu, chiếm 70% lượng xuất khẩu cả nước.

Tuy vậy, điểm yếu của hồ tiêu Việt Nam là dù các doanh nghiệp có nhà máy chế biến công nghệ cao theo tiêu chuẩn ASTA, ESA, JSSA… tạo ra sản phẩm đa dạng nhưng về tổng thể, hồ tiêu Việt Nam chủ yếu vẫn xuất thô, giá trị thấp hơn giá bán của Ấn Độ, Malaysia.

Theo đánh giá của VPA, nếu ngành hàng hồ tiêu Việt Nam được tổ chức chế biến tốt hơn sẽ gia tăng giá trị sản phẩm xuất khẩu, giá hồ tiêu Việt Nam sẽ tương đương và có thể cao hơn giá của một số nước trên thế giới.

Vì vậy, VPA khuyến khích nâng cao chất lượng sản phẩm từ khâu trồng, các doanh nghiệp đầu tư chế biến sâu, chế biến sạch, đa dạng hóa sản phẩm, đa dạng hóa thị trường nhằm thâm nhập sâu vào chuỗi cung ứng hạt tiêu tòan cầu.

Ông Phạm Thanh Chung, Giám đốc Hợp tác xã hồ tiêu hữu cơ Lộc Quang ở huyện Lộc Ninh, tỉnh Bình Phước chia sẻ, giá hồ tiêu xuống thấp trong thời gian dài, nhiều nhà vườn không còn đủ điều kiện để theo đuổi nghề trồng tiêu.

Trong khi đó, Việt Nam có ngành hồ tiêu phát triển nhưng công nghiệp chế biến gia vị thì chưa mạnh. Để khắc phục điều này, hiện nhiều doanh nghiệp đang đầu tư đa dạng hóa sản phẩm chế biến cho nội địa lẫn xuất khẩu, trong đó hợp tác xã hồ tiêu hữu cơ Lộc Quang là một ví dụ.

Ông Phạm Thanh Chung với các sản phẩm tiêu chế biến của hợp tác xã hồ tiêu hữu cơ Lộc Quang. Ảnh: Nam Bình.

Hiện hợp tác xã Lộc Quang quy hoạch khoảng hơn 20ha hồ tiêu hữu cơ để chuẩn hóa quy trình và truy xuất nguồn gốc từ cây giống, chăm sóc tới sản phẩm cuối cùng.

Đặc biệt, hợp tác xã này đẩy mạnh chế biến các sản phẩm giá trị gia tăng từ hạt tiêu như muối tiêu hữu cơ, tiêu hữu cơ ngâm giấm, tiêu bột xay... và đặt mục tiêu nâng cao chất lượng các sản phẩm này trong thời gian tới để xuất khẩu sang thị trường Nhật Bản.

Theo đánh giá của bà Đào Thị Lanh, Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh Bình Phước, xu hướng phát triển của ngành hồ tiêu Bình Phước là đẩy mạnh canh tác theo hướng hữu cơ. Cùng với đó, việc các doanh nghiệp trên địa bàn tăng cường chế biến sâu cũng góp phần phát triển thương hiệu hồ tiêu Lộc Ninh vốn đã có tiếng từ nhiều năm nay.

Theo ước tính, kim ngạch xuất khẩu hạt tiêu của Việt Nam trong tháng 3-2021 đạt 30.000 tấn, trị giá 86 triệu đô la Mỹ, tăng 123,4% về lượng và tăng gần 121% về trị giá so với tháng 2-2021 nhưng giảm 24,8% về lượng, tăng 4,3% về trị giá so với tháng 3-2020.

Tính chung quý 1 năm 2021, xuất khẩu hạt tiêu của Việt Nam ước đạt 60.000 tấn, trị giá 174 triệu đô la Mỹ, giảm 25% về lượng và giảm 1,4% về trị giá so với cùng kỳ năm 2020.

Giá xuất khẩu bình quân hạt tiêu trong tháng 3 năm nay ước đạt 2.867 đô la Mỹ/tấn, giảm nhẹ so với tháng 2-2021, nhưng tăng mạnh 38,6% so với tháng 3-2020. Tính chung quý 1 năm 2021, giá xuất khẩu bình quân hạt tiêu đạt 2.879 đô la Mỹ/ tấn, tăng 31,5% so với cùng kỳ năm 2020.

Nam Bình (thesaigontimes)

Link bài viết gốc: https://www.thesaigontimes.vn/315371/viet-nam-giam-dan-xuat-khau-tho-tang-xuat-khau-ho-tieu-da-qua-che-bien.html

Về Tin tức nông nghiệp

Chuyên tin tức nông nghiệp, chỉ tin tức nông nghiệp. tintucnongnghiep.com là một blog chia sẻ tin tức nông nghiệp Việt Nam và thế giới theo tiêu chí kết nối, chia sẻ và phi lợi nhuận.
«
Trước
Bài đăng Mới hơn
»
Sau
Bài đăng Cũ hơn

Không có nhận xét nào:

Chia sẻ của bạn về bài viết này: