» » » Phát triển cây mía ở vùng hạn

Từng là nơi thường xuyên bị thiệt hại bởi hạn hán, đến nay, bà con tại làng K Te, xã H’Bông, huyện Chư Sê, tỉnh Gia Lai đã ổn định được sản xuất và thu nhập nhờ chuyển sang trồng mía.

Một trong những nơi khô hạn nhất tỉnh Gia Lai, nay trở thành nơi mía đạt năng suất cao nhất, chất lượng tốt nhất, giúp nông dân luôn có lãi. 

Đang là cao điểm của mùa khô, thế nhưng màu xanh bạt ngàn của mía vẫn trải rộng trên cánh đồng làng K Te, vốn là một vùng đất khô khát, nứt nẻ của vùng hạn H’ Bông, thuộc huyện Chư Sê, tỉnh Gia Lai.

Anh Rơ O Mân, người làng K Te đang cải tạo đất để trồng mía vụ mới sau khi kết thúc chu kỳ 5 năm. Rơ O Mân cho biết, gia đình anh trồng 2 ha mía từ năm 2016 và năm nào cũng thu được trên 200 tấn, và ít nhất cũng lãi được 50 triệu đồng. Như vụ mía vừa qua, giá bán cao hơn hẳn các vụ trước, gia đình thu lãi gấp đôi.

“Trước đây mình trồng ngô, trồng sắn có khi trúng có khi không. Bây giờ chuyển đổi sang trồng mía thì cây phát triển tốt, thu hoạch được nhiều tiền hơn, so với trồng các loại giống cây trồng khác thì nhàn hơn. Trừ chi phí, 1ha gia đình thu được 50 triệu đồng” - Anh Rơ O Mân nói.

Sau 5 vụ thu hoạch, nhiều hộ dân làng K Te cải tạo đất để trồng vụ mía mới.

Nhận thấy bà con trong làng trồng mía có hiệu quả, anh RMah Loe, làng K Te cũng học hỏi, trồng hơn 2,2 ha mía. Là vụ sản xuất đầu tiên, còn không ít bỡ ngỡ, nhưng mía của anh Loe vẫn phát triển xanh tốt. Anh Rmah Loe ưng ý nhất là cây mía trên đống đất của gia đình chịu hạn rất tốt.

“So với các cây trồng khác thì trồng mía tốt hơn, xã mình đặc biệt là thiếu nguồn nước tưới, nhưng cây mía lại là cây chịu hạn tốt.  Nếu vùng đất tốt thì cho thu từ bốn đến năm năm. Hiện tại mình đang làm nhà mới, và sẽ mua bò bê về nuôi sinh sản nếu trúng vụ mía” - anh RMah Loe chia sẻ.

Ông Siu Loan, trưởng thôn cho biết, K Te vốn là nơi có hoàn cảnh sống khó khăn với hơn 300 hộ gia đình là người Ja Rai.  Trong vòng 5 năm nay, nhiều hộ dân trong làng đã chuyển đổi diện tích các cây hoa màu ngắn ngày, hiệu quả kinh tế thấp sang trồng mía. Được sự hỗ trợ của chính quyền địa phương, bà con ở đây được hỗ trợ về quy trình cải tạo lại đất, mía giống, kĩ thuật và được doanh nghiệp cam kết thu mua toàn bộ.

Cây trồng kém hiệu quả tại vùng hạn H'bông nay đã được thay thế bằng cây mía, cho hiệu quả kinh tế cao.

“Trước đây bà con cũng trồng mía nhưng ít chăm sóc nên hiệu quả kinh tế không cao, sau này có những hộ mạnh dạn trồng mía, từ hộ nghèo chuyển sang có thu nhập rất là tốt. Tiếp tục mong muốn nhà nước hỗ trợ những nơi khó khăn về nguồn nước, khoan giếng để ai cũng được trồng mía. Tại thôn K Te chỉ có mía mới phát triển được” - ông Siu Loan nói.

Ông Phạm Công Viên, Chủ tịch UBND xã H’Bông cho biết, vựa mía ở làng K Te có hơn 60 hộ gia đình tham gia trồng với quy mô hơn 100 ha. Xác định mía là cây trồng chiến lược, chính quyền xã H’Bông tiếp tục vận động bà con chuyển đổi diện tích sang trồng mía, từng bước giúp bà con nâng cao thu nhập, vươn lên thoát nghèo.

“Làng K Te có ưu thế là người dân tiếp nhận khoa học kĩ thuật nhanh, làng ở gần trung tâm, người dân có diện tích canh tác và điều kiện để phát triển cây mía. Một khi chúng tôi thực hiện làng K Te thành công thì sẽ thực hiện ở các làng khác” - ông Phạm Công Viên cho biết.

Từ ngày trồng cây mía, đời sống của bà con Ja Rai ở làng K Te trở nên ấm no hơn. Vùng đất khô khát ngày nào giờ đã là những vườn mía xanh tươi, giúp nỗ lực thoát nghèo của bà con vùng hạn đạt kết quả vững bền./.

Hoàng Qui/VOV-Tây Nguyên

Link bài viết gốc: https://vov.vn/kinh-te/phat-trien-cay-mia-o-vung-han-848552.vov

Về Tin tức nông nghiệp

Chuyên tin tức nông nghiệp, chỉ tin tức nông nghiệp. tintucnongnghiep.com là một blog chia sẻ tin tức nông nghiệp Việt Nam và thế giới theo tiêu chí kết nối, chia sẻ và phi lợi nhuận.
«
Trước
Bài đăng Mới hơn
»
Sau
Bài đăng Cũ hơn

Không có nhận xét nào:

Chia sẻ của bạn về bài viết này: