'Cho lúa giống, tui có lấy ai đồng bạc nào đâu, cho mỗi người 1-2 ký à. Chơi gan không?', ông Hoa Sĩ Hiền chia sẻ.
Ông Hiền nhiệt tình chỉ sinh viên cách lai tạo lúa - Ảnh: C.Công
Một tay cầm phấn trắng, một tay lão nông tri điền Hoa Sĩ Hiền cầm bảng đen, phác thảo mô hình lai lúa giống chịu mặn "ác chiến" của mình để chỉ cho sinh viên nghiên cứu cây lúa chịu đựng được biến đổi khí hậu - vấn đề thời sự cấp bách của miền Tây.
Huỳnh Minh Nghĩa và Nguyễn Trung Thạnh, sinh viên K18, ngành khoa học cây trồng ở Trường ĐH An Giang, chăm chú lắng nghe. Ông Hoa Sĩ Hiền (52 tuổi, ở xã Tân An, huyện Tân Châu, An Giang) vẽ hai cái chậu. Một chậu có bụi lúa ma (tên khoa học Oryza rufipogon), hai là chậu nước được ông điều chỉnh nồng độ mặn 1-3‰. Sau đó, ông nói rành rọt quy trình tổ hợp lai giống lúa chịu mặn đặc biệt của mình.
Từ bà lão mót lúa đồng khô
Ông Hiền kể năm 1990 lúa giống ở miền Tây khan hiếm và đắt đỏ, nhưng lúc đó ông lại làm hơn 40 công ruộng - nguồn sinh kế duy nhất của gia đình. Do đó, muốn thoát cảnh 3 giạ lúa ăn đổi 1 giạ lúa giống, ông Hiền ước ao mình có thể tự làm ra hạt giống và giúp chòm xóm không phải chịu cảnh éo le mua giống lúa dỏm, ảnh hưởng kinh tế gia đình.
"Nói nào ngay, bận đó tui ám ảnh quá chừng cái vụ lo lúa giống. Rồi rầy nâu, đạo ôn, sâu bệnh, tui và không ít người xịt thuốc ngất xỉu ngoài đồng. Năm 2000, hên sao tui được học lớp dạy nghề kỹ thuật canh tác lúa và kỹ thuật nhân giống lúa" - ông Hiền chia sẻ.
Ít chữ nghĩa nhưng do đam mê lai giống, chẳng lâu sau ông Hiền có thể tự mình phục tráng giống lúa cũ. Tuy nhiên, sẽ khó đạt ý nguyện nếu như ông Hiền không gặp một bà lão mót lúa chết khô trắng đồng ở huyện Hòn Đất (Kiên Giang).
Năm đó, ông Hiền nhớ Hòn Đất có đợt hạn mặn gay gắt. Đồng lúa OM 2517 và IR 50404 của bà con mần đều chết sạch. Hạt ngọc của trời, người ta phải ngậm ngùi đi mót cho gà vịt ăn. Gặp bà cụ lom khom mót lúa ở đồng vắng, ông Hiền đến gần hỏi: "Sao lúa chết trắng đồng hết vậy bà?". "Có lúa có thóc gì nữa đâu mà chú hỏi cho thất công. Lúa bị mặn, bị phèn... nó chết sạch trơn rồi. Chú qua cạnh Bình Sơn còn dữ dội nữa" - bà cụ trả lời.
Nghe xong, ông Hiền phóng xe vội qua xã Bình Sơn (Hòn Đất) và thấy cảnh đồng điêu tàn. Tiện tay ông móc cục đất và nhổ bụi lúa chết mang về.
Sau dòng lúa giống TC7 là giống lúa SH50, SH51 tím than của ông Hiền ra đời
Đến giống lúa "siêu" chịu mặn ra đời
Không có dụng cụ đo độ mặn, ông Hiền về nhà với lòng trĩu nặng ưu tư, rồi thức trắng đêm để tìm cách. Làm liều, ông thử cho đất "uống" nước muối pha loãng, tạo nồng độ mặn lờ lợ, giả làm môi trường trồng lúa.
"Một lần tui mua 25 ký muối, một vụ tui mua khoảng 10 lần để làm môi trường nước mặn. Mua riết, mấy bả bảo tui mua muối chi hoài. Tui nói mua muối về bón lúa bà ơi! Mấy bả cười, mấy bả bảo tôi bị điên" - ông Hiền cười kể.
Bận đầu, ông Hiền cũng làm trầy trật. Giống lúa lai ra bao nhiêu cũng đều cháy rụi khi được cấy trong môi trường có nồng độ mặn 1-3‰. Ông Hiền lại tiếp tục lang bạt xuống tận U Minh Hạ, U Minh Thượng (Cà Mau và Kiên Giang) tìm nguồn giống lúa ma bố mẹ về lai, vì ông cho rằng lúa ma miệt này thích nghi tốt phèn, mặn.
Y như ông Hiền đoán. Tuy nhiên, giống lúa ma có sức sống "trời phú" đó đã làm ông Hiền bao phen "vò đầu bứt tóc" vì đặc tính trổ bông "cổ quái" của nó. Ra đồng, ông phải mang cơm theo ăn để đợi, nhưng chúng vẫn không nở.
"Tức mình, tui bứng chậu lúa về nhà rồi ngồi canh me. Chèn ơi! Nó trổ bông 11 giờ đêm, râu đỏ dài. Đẹp dữ lắm" - ông Hiền kể.
Biết được đặc tính đó, ông Hiền bắt tay lai tạo giống chịu mặn. Phản ứng tốt, cây lúa lớn lên và ra bông. Sau đó ông mới thuần hóa tập tính chịu mặn cho chúng bằng cách nâng cao độ mặn từ 1-3‰.
Ông Hiền khoe: "Tui lai lúa ma với nhiều loại giống lúa cao sản khác nhau và thấy kết hợp chúng với giống OM 4900 đã cho ra dòng lai F1 là giống TC7 (Tân Châu 7) có tính năng vượt trội giống bố mẹ, sống trong môi trường mặn được 5-7‰, năng suất đạt 450 - 500 ký/công".
Thành công, ông Hiền mừng rơi nước mắt. "Nói thì dễ, chứ tôi làm nó cả 3 năm ròng" - ông kể. Năm 2009 - 2010, tổ hợp lai giống lúa chịu mặn hoàn thành, ông đưa giống lúa về cho người dân ở Kiên Lương (Kiên Giang) gieo trồng.
"Một ngày, người ta gọi điện thoại cho tui 40 cuộc. Cho lúa giống, tui có lấy ai đồng bạc nào đâu. Tui cho ra Hà Nội, Bình Thuận luôn... Tui cho mỗi người 1-2 ký à. Chơi gan không? Tui cũng mong họ thay mình trồng để lo cái no cho gia đình" - ông Hiền vui vẻ nói.
Sĩ Hiền của sinh viên
Buổi chiều ở Tân Châu, ông Hiền đưa tôi, em Nghĩa và em Thạnh ra đồng thăm lúa. Mảnh ruộng rộng chừng 4 công nhưng ông phân ra hơn 20 luống và gieo trồng 20 loại giống (mỗi loại gieo sạ cách nhau 7-10 ngày để tránh thụ phấn chéo), trong đó có giống lúa TC7 và giống lúa mới SH51 và SH50 (Sĩ Hiền 50) - lúa tím than có đặc tính thảo dược tốt cho tim mạch và trẻ hóa tế bào con người mà ông muốn "truyền nghề" lại cho các bạn sinh viên.
Ông Hiền nói: "Sản xuất nông nghiệp mình ngày nay ngoài việc bón phân, chăm sóc cây trồng thì chúng ta phải gìn giữ tài nguyên đất. Nó mà chết rồi, cây trồng mình chết theo. Mình cũng chết luôn. Trước mình hãy làm thợ rồi sau hãy tính làm thầy".
Giữa "thợ" và "thầy" được ông Hiền giải thích thêm rằng Nghĩa và Thạnh đã được trang bị kiến thức chuyên ngành trên giảng đường, nhưng vấn đề cọ xát thực tế hai em ít trải nghiệm nên cần phải học làm "thợ". Tức hai em phải tự mình trả lời được câu hỏi "ai trồng cây?", "ai đi bón phân?" và "ai đi chăm sóc?".
"Tui đưa các em đi tham khảo tình hình sản xuất lúa. Xong, tui và các em kiểm tra đất - đất nào được trồng, đất nào không trồng được, rồi tui mới tiến hành chỉ các em quy trình lai lúa" - ông Hiền chia sẻ cách dạy vừa gần gũi thực tế vừa mang tính chuyên nghiệp của mình.
Bà Võ Thị Loan - trưởng Phòng Kinh tế thị xã Tân Châu, An Giang - đánh giá hiện ông Hiền không phải làm công việc của nông dân mà của nhà khoa học: ông lai tạo ra những giống lúa có ưu điểm chịu mặn tốt, chất lượng cao như TC7 và giống lúa tím than SH51, SH50... Hiện đơn vị xây dựng chuỗi liên kết sản xuất các giống lúa gạo đặc sản để xây dựng nhãn hiệu gạo Tân Châu do ông Hiền lai tạo ra.
"Cái quý của chú Hiền là sẵn sàng cho đi những giống lúa chú lai tạo ra và chỉ dạy kiến thức cho sinh viên mà chẳng đòi đồng nào. Chúng tôi mong chú duy trì việc này để có thêm thế hệ trẻ lai tạo giống lúa giúp bà con nông dân. Bà Võ Thị Loan
Ước nguyện cho đi của ông Hiền
Lai tạo được giống lúa nào, ông Hiền đều tặng không các “bí quyết” - Ảnh: C.Công
Qua 20 năm lai tạo giống, đến nay ông Hiền đã sở hữu hơn 55 giống lúa có những ưu điểm vượt trội như TC2, TC7, SH50, SH51... Bên cạnh những giấy chứng nhận, giấy tôn vinh nhà nông lai - chọn giống lúa và bảo tồn đa dạng sinh học ở vùng Đồng bằng sông Cửu Long, ông Hiền có ước nguyện sẽ hiến tặng chúng hết cho Nhà nước...
"Đời tui thì lúa giống là tài sản lớn nhứt. Đó là tâm huyết của tui. Nghiên cứu được nhiêu giống lúa tui đều gửi vào Viện lúa ở Cần Thơ lưu trữ nguồn gen. Tui tặng hết cho Nhà nước. Vậy cũng đủ vui rồi" - ông Hiền vui vẻ nói.
Chí Công (Báo Tuổi Trẻ)
Link bài viết gốc: https://tuoitre.vn/toi-mua-muoi-ve-bon-lua-nguoi-ta-bao-toi-dien-20210123102926838.htm
Không có nhận xét nào: