Nhiều chủ vườn phải trực chờ ở ruộng quất cảnh từ sáng đến tối nhưng vẫn vắng khách tới hỏi mua.
Ghi nhận tại các vùng trồng quất thuộc huyện Văn Giang, Khoái Châu (Hưng Yên). Mọi năm, đây thời điểm nhộn nhịp nhất bởi thương lái cũng như người chơi cây ở các tỉnh về xem và mua rất đông. Nhưng hiện tại, khung cảnh vắng vẻ, nét mặt lo âu vì giá quất xuống thấp đang là hình ảnh chủ đạo hiện hữa nơi đây.
Vắng khách mua, các chủ vườn phải ngồi đợi ở đầu bờ từ sáng sớm đến tối muộn chào hàng mà lượng tiêu thụ vẫn chậm. Ảnh: Trung Quân.
Chị Nguyễn Thị Thảo, thôn Đa Phúc, xã Tân Tiến, huyện Văn Giang (Hưng Yên) cho biết: Chưa năm nào vào thời điểm này quất ế ẩm, khó bán như năm nay. Số lượng các thương lái ở các tỉnh đến đặt mua không nhiều, có người đặt mua thì số lượng ít hơn so với mọi năm. Bên cạnh đó, không còn cảnh tranh nhau những vườn quất đẹp như trước mà thay vào đó là những lời than vãn, nâng lên đặt xuống, trả giá rất rẻ từ các chủ thương.
Chị Thảo chia sẻ, giá quất năm nay cũng giảm rất nhiều so với những năm trước. Cụ thể: Quất chậu loại đẹp có giá 150.000 - 160.000/chậu, loại 2 có giá 100.000/chậu (năm trước 230.000 - 250.000/chậu); quất chum loại đẹp 300.000 - 350.000/chum (năm trước 500.000/chum); quất lùm từ 200.000 - 250.000/cây, loại xấu hơn từ 130.000 - 150.000/cây (năm trước 400.000/cây); quất thế loại đẹp 400.000/cây (năm trước 1.000.000/cây); quất bát 40.000 - 50.000/bát (năm trước 70.000 - 80.000/bát)…
Lý giải về việc giá quất năm nay thấp, các thương lái vào thu mua đều chung một lý do là ảnh hưởng của dịch Covid-19 nên nhu cầu chơi quất của người dân không nhiều như các năm. Ngoài ra, tâm lý e ngại dịch bệnh có thể quay trở lại bất cứ lúc nào nên các chủ thương không ôm hàng, mà chỉ đặt cọc làm tin số tiền rất ít, để giữ mối và nghe ngóng thêm tình hình.
Thời tiết bất thuận nên nhiều cây quất bị hỏng, vàng lá, không có quả, gây thiệt hại không nhỏ cho các chủ vườn. Ảnh: Trung Quân
Chị Nguyễn Thị Hoài, thôn Dũng Tiến, xã Đông Tảo (Khoái Châu, Hưng Yên) cho hay: Năm nay nhìn chung giá các loại quất đều giảm từ 40-50% so với cùng kỳ năm trước. Lượng tiêu thụ cũng chậm hơn rất nhiều. Mọi năm thời điểm này, lượng quất trong vùng hầu như đã bán gần hết, nhưng năm nay các chủ ruộng vẫn phải ra trực ở đầu bờ từ sáng sớm đến tối muộn để chào hàng vẫn không có người mua.
Tình trạng ế ẩm làm cho người trồng quất luôn trong trạng thái thấp thỏm, lo âu. Nhiều gia đình đã dốc toàn bộ vào các vườn cây, nếu không bán được thì lỗ nặng. “Hiện tại chỉ hi vọng bán hoàn được vốn, để sang năm làm lại mà thấy khó có thể làm được” - chị Hoài buồn bã.
Không những vậy, năm nay đúng vào thời điểm quất bắt quả thì gặp phải thời tiết nắng nóng, hoa rụng nhiều nên tỉ lệ đậu không nhiều, sau đó lại gặp thời thời tiết mưa liên tiếp cây lại không thể ra hoa dẫn tới nhiều cây không đậu quả. Nhiều ruộng cây vàng lá, héo lá, không có quả, người dân phải vặt bỏ, tỉa quả, phá thế để chuyển sang chăm sóc vào năm sau.
Anh Nguyễn Anh Tuấn, người cùng thôn Dũng Tiến, có 1.800 cây than thở: Mọi năm nhộn nhịp bao nhiêu thì năm nay ảm đạm bấy nhiêu, thương lái trả giá quá rẻ không bằng tiền vốn bỏ ra. Thậm chí đặt cọc rồi nhưng vẫn gây khó khăn cho người trồng bằng giao hẹn nếu trong trường hợp dịch Covid-19 bùng phát thì các chủ vườn phải hoàn lại tiền cọc ban đầu.
Hơn nữa, thị trường tiêu thụ quất có phần bị bó hẹp do mọi năm các tỉnh miền Trung như Thanh Hóa, Nghệ An tiêu thụ rất mạnh, nhưng năm nay chỉ lác đác rất ít thương lái ra mua với số lượng chỉ bằng 1/3. Vì vậy, quất chỉ được tiêu thụ ở những tỉnh lân cận như Hà Nội, Thái Bình, Hà Nam, Hải Dương…
“Nếu giá bán duy trì như hiện tại, đa phần hộ trồng quất không có thu nhập, thậm chí bù lỗ. Với một sào quất người trồng có thể phải bù lỗ từ 15-20 triệu” - anh Tuấn bộc bạch.
Nhiều vườn quất đẹp nhưng vẫn trong tình trạng "ế ẩm" không có khách hỏi mua. Ảnh: Trung Quân
Không chỉ cây quất rơi vào tình trạng vắng khách mua, cây bưởi cảnh lượng tiêu thụ cũng chỉ đếm trên đầu ngón tay
Ông Nguyễn Văn Hoạt, người trồng bưởi cảnh có thâm niêm 20 năm chia sẻ: Cả chục năm nay chưa thấy năm nào thời điểm tết cận kề mà quất, bưởi phải đi chào hàng chật vật như vậy. Những năm trước, các cây bưởi lớn, sai quả không phải mang đi chào hàng, mà người mua vào tận vườn đưa đi. Thậm chí có thời điểm giá xuống thấp nhưng lượng tiêu thụ vẫn nhiều. Năm nay thì ngược lại, giá đã thấp mà sức mua cũng không khả quan hơn. Ông bày bán quất, bưởi cạnh đường quốc lộ hướng vào Hà Nội mà 20 ngày bày hàng mới chỉ bán được 4 cây.
Chi phí đầu tư làm bưởi cảnh rất lớn, hơn nữa kỹ thuật chăm sóc cũng phải rất công phu. Nhưng với giá bán như hiện tại nếu may mắn thì có thể hòa vốn, không thì bù lỗ rất lớn.
“Hiện, chỉ có quất chum, quất chậu là những mặt hàng mà thị trường ưa chuộng, dễ bán. Các loại quất còn lại và bưởi chậu đều tình trạng ế ẩm. Từ giờ tới tết giá các loại cây sẽ khó tăng lên, thậm chí còn giảm”- ông Hoạt nhận định.
Trung Quân (Báo Nông nghiệp Việt Nam)
Link bài viết gốc: https://nongnghiep.vn/quat-canh-buoi-canh-can-tet-van-e-chong-cho-d281959.html
Không có nhận xét nào: