Để nghề nuôi tôm hùm lồng bền vững, thị xã Sông Cầu (Phú Yên) sắp xếp lại vùng nuôi theo hướng giảm một nửa số lồng, mật độ nuôi...
Cứ mỗi mùa mưa bão, người nuôi tôm hùm lồng tại thị xã Sông Cầu, tỉnh Phú Yên lâm vào cảnh trắng tay do tôm chết hàng loạt. Không những vậy, nghề nuôi tôm còn đối mặt với nguy cơ thiệt hại nặng vì môi trường nuôi bị ô nhiễm. Vì vậy, quy hoạch vùng nuôi theo hướng giảm số lượng lồng, mật độ nuôi, sắp xếp lại các vị trí thích ứng với điều kiện tự nhiên là những giải pháp cần làm ngay.
Sau bão số 12, người nuôi tôm hùm lồng tại vịnh Xuân Đài, thị xã Sông Cầu, tỉnh Phú Yên bị thiệt hại nặng nề. Nước ngọt từ các sông đổ ra vịnh, chỉ sau một đêm, hàng trăm ngàn con tôm hùm đủ kích cỡ chết hàng loạt. Tại các xã, phường như: Xuân Phương, Xuân Thành, Xuân Yên, Xuân Thịnh có hơn 170 hộ nuôi, với hơn 150.000 con tôm hùm bị chết, ước thiệt hại lên đến gần 50 tỷ đồng.
Thị xã Sông Cầu - thủ phủ của tôm hùm vắng lặng, xác xơ. Bà Phạm Thị Ngã, thôn Dân Phú 2, xã Xuân Thịnh kể, bão qua đi, nước lũ đổ về ào ạt, triều lên nhanh nên mực nước trên vịnh dâng cao. Các chủ lồng bất lực không thể di dời hay hạ lồng xuống sâu hơn được. Nhà bà Ngã đầu tư hơn 200 triệu đồng để nuôi tôm thịt và tôm giống, chỉ sau một đêm tôm chết hết, gia đình trắng tay.
“Mức độ thiệt hại không biết bao nhiêu mà tính, nuôi từng này tôi đã thấy nhiều rồi; còn nhiều người khác nuôi hơn gấp mấy lần tôi nữa, nhiều lắm" - bà Ngã chia sẻ.
Cứ mỗi mùa mưa bão, người nuôi tôm hùm lồng tại thị xã Sông Cầu, tỉnh Phú Yên lâm vào cảnh trắng tay do tôm chết hàng loạt.
Nuôi tôm hùm lồng đã là nghề truyền thống ở thị xã Sông Cầu, tỉnh Phú Yên từ 20 năm nay. Thế nhưng đến nay, nghề nuôi vẫn giản đơn, phụ thuộc vào tự nhiên từ con giống, nguồn nước đến thức ăn. Tôm hùm nhạy cảm với nước ngọt, hễ có mưa, lũ, cách duy nhất là kéo lồng tôm ra xa bờ, đánh chìm lồng để giảm ảnh hưởng. Tuy nhiên, khi gặp gió nồm, triều cường thì nước ngọt đổ ra biển sẽ dội ngược cùng bùn đất, tôm sẽ bị chết ngạt. Mặt khác, do số lượng lồng tôm quá dày đặc nên giải pháp di chuyển lồng ra xa khó khả thi. Sau bão, người dân đưa số tôm chết vào bờ, dọn dẹp, vệ sinh lồng để chuẩn bị tiếp tục thả nuôi vụ mới.
Ông Nguyễn Văn Tuyền, xã Xuân Phương, thị xã Sông Cầu cho biết, ô nhiễm môi trường do rác thải, nguy cơ bùng phát dịch bệnh, tôm chết hàng loạt lại trở thành nỗi lo thường nhật của người nuôi tôm.
Cũng như nhiều địa phương khác tại Nam Trung bộ, việc nuôi tôm hùm lồng trên biển diễn ra tự phát nên mỗi khi thiên tai, dịch bệnh... người nuôi bị thiệt hại nặng nề. Vài năm nay, tại thị xã Sông Cầu có đến 90.000 lồng nuôi tôm hùm, gấp 3 lần so với khuyến cáo của các cơ quan chức năng. Cứ thấy vùng nước trống thì thả lồng, mua tôm về nuôi. Mạnh ai nấy làm! Đi kèm với đó, nhu cầu con giống ngày càng lớn, khiến việc quản lý chất lượng tôm hùm giống khó kiểm soát.
Để nghề nuôi tôm hùm lồng bền vững, thị xã Sông Cầu, tỉnh Phú Yên sắp xếp lại vùng nuôi theo hướng giảm một nửa số lồng, mật độ nuôi, đồng thời, thành lập 50 tổ liên kết cộng đồng để người nuôi tôm giám sát lẫn nhau.
Mật độ lồng nuôi tôm hùm quá dày.
Ông Lâm Duy Dũng, Phó Chủ tịch UBND thị xã Sông Cầu, tỉnh Phú Yên cho biết, chính quyền địa phương sẽ quản lý chặt chẽ việc mua bán con giống, định vị lồng nuôi, cảnh báo môi trường, xây dựng thương hiệu sản phẩm nhằm giảm bớt nguy cơ thiệt hại.
“Vấn đề là không phải muốn gì thì làm nấy. Tự phát như thế sẽ trả hậu quả và chúng ta đã thấy. Không phải do bão số 12, bình thường vẫn gây ô nhiễm môi trường, nó sẽ gây thiệt hại rất lớn. Có lúc chúng tôi đã cảnh báo toàn vịnh Xuân Đài rồi, thu giữ tất cả các phương tiện nhưng thứ 7, Chủ Nhật người ta lại kéo bè ra làm tiếp. Phải sắp xếp mới tiến hành xử lý ngoài vùng quy hoạch, bây giờ không có quy hoạch làm sao xử lý” - ông Dũng bày tỏ.
Các tỉnh duyên hải Nam Trung bộ có nhiều đầm, vịnh... thuận lợi cho nuôi trồng thủy sản. Đây cũng là sinh kế của hàng chục ngàn hộ dân ven biển. Đặc điểm, các con sông tại đây ngắn, độ dốc cao, mỗi lần mưa lũ, lượng nước đổ về gây ngọt hóa rất nhanh.
PGS.TS Võ Văn Nha, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Nuôi trồng thủy sản III, cho biết, tôm hùm khá nhạy cảm với nước ngọt nên người dân cần thu hoạch trước mùa mưa bão. Các địa phương cần có quy hoạch chi tiết, những nơi không phù hợp nuôi tôm hùm phải khuyến cáo người dân chọn các đối tượng nuôi khác an toàn hơn.
“Chúng ta phải dựa vào thiên nhiên để điều chỉnh lịch thời vụ cũng như cách thức nuôi trồng của mình cho phù hợp. Đúng là địa hình dốc, khi có mưa thì lũ lụt rất là nhanh. Chúng ta cũng phải biết đối tượng nuôi nào chịu được ngọt hóa, không chịu được ngọt hóa, để tránh những vùng có dòng nước chảy qua. Chúng ta cũng phải tính toán, phải thu hoạch trước mùa mưa bão", PGS.TS Võ Văn Nha nêu ý kiến./.
Thái Bình /VOV-Miền Trung
Link bài viết gốc: https://vov.vn/kinh-te/can-co-giai-phap-ben-vung-cho-nghe-nuoi-tom-hum-long-o-phu-yen-820186.vov
Không có nhận xét nào: