Ngay từ lúc xuống giống, nhiều nông dân không kiểm soát được hom sắn giống di chuyển từ vùng này sang vùng khác đã nhiễm bệnh. Đến khi bệnh xuất hiện, nhiều người bỏ bê chăm sóc, càng khiến dịch bệnh lây lan ra nhiều diện tích.
Hầu hết các nhà máy chế biến sắn đã hoạt động trở lại sau thời gian nghỉ bảo dưỡng. Trong khi nguồn sắn lát tồn kho vụ 2019-2020 của Việt Nam không còn nhiều thì năng suất sắn ở nhiều nơi dự báo tiếp tục sụt giảm do bệnh khảm lá hoành hành.
Nhiễm bệnh từ 50-100% diện tích
Niên vụ sắn 2020-2021, nông dân tỉnh Phú Yên trồng hơn 27.550ha. Đến nay, diện tích bị bệnh khảm lá gây hại tới 13.450ha; trong đó nhiễm nặng là 2.150ha. Cụ thể, tại huyện Sông Hinh, bệnh khảm lá gây hại 7.300ha; huyện Sơn Hòa là 2.830ha; huyện Đồng Xuân 3.000ha và Tây Hòa 320ha.
Ngành chức năng khuyến cáo nông dân khi trồng xong thì tiêu hủy, không nên để làm giống cho vụ sau. Ảnh: Trần Khánh
Kỹ sư Ngô Văn Truyền Lâm - Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện Cẩm Mỹ (Đồng Nai) cho biết, đến nay bệnh khảm lá chưa có thuốc đặc trị. Nếu nông dân không tuân thủ nghiêm các biện pháp phòng trừ triệt để, nguy cơ bệnh khảm lá sắn sẽ còn lây lan trên diện rộng.
Năm nay, tổng diện tích trồng sắn toàn tỉnh Quảng Trị đạt hơn 10.000ha và diện tích sắn bị nhiễm bệnh khảm lá khoảng 421ha. Bệnh hại chủ yếu trên giống sắn KM94, KM140; tập trung nhiều tại huyện Hải Lăng, một số diện tích ở thị xã Quảng Trị và huyện Vĩnh Linh.
Tại tỉnh Đồng Nai, dịch bệnh khảm lá sắn cũng khiến nông dân đứng ngồi không yên. Năm nay, diện tích trồng sắn trên địa bàn huyện Vĩnh Cửu có 167ha. Thống kê của Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện cho biết, diện tích sắn bị nhiễm khảm lá đã lên 110ha.
Dù giữa mùa mưa, cây sắn vẫn sinh trưởng và phát triển nhưng toàn bộ lá sắn bị xoăn và nhỏ. Cây sắn đang trong giai đoạn từ 2-3 tháng tuổi, với tỷ lệ nhiễm bệnh 40-90%. Đáng lo là đa phần người dân không kiểm soát được hom giống sắn có sẵn mầm bệnh được buôn bán, di chuyển từ vùng này sang vùng khác.
Niên vụ trước đó, vườn sắn của ông Nguyễn Bá Sâm tại thị trấn Vĩnh An (huyện Vĩnh Cửu) bị nhiễm bệnh khảm lá gần 100% diện tích do trồng giống HLS11. Sau khi thu hoạch, ông đã tiêu hủy cây sắn nhiễm bệnh, khử trùng đất để trồng tiếp vụ mới. Vụ năm nay, ông trồng giống KM140 vốn cho năng suất thấp hơn nhưng có tính kháng bệnh cao hơn.
Tuy nhiên, sau khi cây được 1-2 tháng tuổi, gần 29ha sắn của gia đình ông Sâm vẫn không tránh khỏi bệnh khảm lá.
Tương tự, bà Trịnh Lệ Thủy ở xã Xuân Tây (huyện Cẩm Mỹ, Đồng Nai) cũng cho biết, do thiếu giống sạch bệnh tại địa phương, bà mua một ít hom giống ở vùng khác về trồng. Được khoảng 1 tháng tuổi thì cây bắt đầu xuất hiện bệnh. Bà cũng mua thuốc về phun xịt nhưng thấy không hiệu quả đành bỏ bê.
"Bệnh chưa có thuốc đặc trị mà nhiều vườn xung cũng đã bị lây nên tôi không chăm sóc và đầu tư thêm vì sợ thua lỗ" - bà Thủy nói.
Theo thống kê, toàn huyện Cẩm Mỹ có 400ha cây sắn, trong đó có khoảng 390ha diện tích bị nhiễm bệnh tập trung tại các xã Xuân Đông, Xuân Tây... Nhiều vùng trồng đã nhiễm bệnh gần như 100% diện tích gieo trồng. Các diện tích nhiễm bệnh đều bị xoăn lá, củ ít và nhỏ, sẽ làm giảm năng suất, chất lượng sắn trước khi bước vào thu hoạch.
Tích cực phòng chống
"Bên cạnh việc thực hiện đầy đủ các giải pháp phòng chống dịch bệnh khảm lá mà Ban chỉ đạo đề ra, bà con nông dân cần luân canh chuyển đổi sang các loại cây trồng khác". Ông Nguyễn Duy Ân - Phó Giám đốc Sở NNPTNT Tây Ninh
Ban chỉ đạo phòng chống bệnh khảm lá sắn tỉnh Đồng Nai cho biết, vụ sắn hè thu năm nay, toàn tỉnh gieo trồng trên 10.000ha. Tuy nhiên có tới hơn một nửa diện tích đã bị nhiễm bệnh khảm lá (5.436ha), trong đó hơn 1.400ha bị nhiễm nặng với tỷ lệ cây bị nhiễm hơn 70%.
Theo Ban chỉ đạo phòng, chống bệnh khảm lá sắn tỉnh, nguyên nhân khiến dịch khảm lá sắn lan rộng chủ yếu do người dân lấy cây giống trên ruộng, trồng từ vụ trước để trồng lại hoặc không không kiểm soát được nguồn hom giống đã nhiễm bệnh. Khi cây sắn lớn, việc phun xịt không hiệu quả nên nhiều bà con bỏ bê, không chăm sóc. Đây cũng là nguyên nhân bệnh khảm phát triển và lây lan rộng hiện nay.
Hiện ngành chức năng đang khuyến cáo bà con khi trồng xong thì tiêu hủy, không nên để làm giống cho vụ sau. Nếu lại trồng sắn thì nên tìm diện tích chưa nhiễm, và chọn giống có tính kháng bệnh cao như KM140. Các diện tích trồng thử nghiệm cho thấy giống sắn KM140 có tỷ lệ nhiễm bệnh chỉ 10-15%, chỉ giảm 1-2 độ trữ bột so với các giống khác.
Tính giữa tháng 9, "thủ phủ" sắn Tây Ninh cũng đã có hơn 5.800ha bị bệnh khảm lá. Ông Nguyễn Duy Ân - Phó Giám đốc Sở NNPTNT tỉnh cho biết, từ cuối tháng 5 đã phát hiện nhiều vùng trồng sắn bị bệnh xoắn lá. Đến nay toàn tỉnh chỉ còn 2 huyện Bến Cầu và Trảng Bàng là chưa có dịch.
Ban chỉ đạo phòng chống dịch khảm lá sắn Tây Ninh vẫn đang thực hiện công tác xác định diện tích cần phun thuốc trừ bọ phấn và tiêu hủy cây nhiễm bệnh; phối hợp triển khai các biện pháp phòng chống với các xã biên giới giáp Campuchia. Tuy nhiên công tác phòng trừ cũng còn nhiều vướng mắc.
Lũy kế đến tháng 9, Tây Ninh đã phun được hơn 97% diện tích cây sắn bị nhiễm, nhưng tỷ lệ tiêu hủy cây sắn bị nhiễm bệnh chỉ đạt 27,7%.
Sở NNPTNT nhận định, diện tích sắn bị bệnh khảm lá có nguy cơ tiếp tục gia tăng do công tác trừ bọ phấn mang mầm bệnh trên ruộng đồng chưa hoàn thành; diện tích nhiễm bệnh trên đồng còn nhiều, chưa được tiêu hủy kịp thời và đúng quy định.
Trần Khánh (Dân Việt)
Link bài viết gốc: https://danviet.vn/bat-luc-kiem-soat-benh-kham-la-san-nhieu-vuon-nhiem-benh-nang-20201002161025862.htm.
Không có nhận xét nào: