Vừa trở về cùng đoàn điều tra hiện trạng cây cam ở Nghệ An, TS Nguyễn Thị Bích Ngọc - Viện Bảo vệ Thực vật trao đổi với NNVN những ghi nhận của đoàn.
TS Nguyễn Thị Bích Ngọc - Viện Bảo vệ Thực vật. Ảnh: Dương Đình Tường.
Chỉ thấy toàn là màu vàng
Bà có thể nói sơ bộ về chuyến đi 2 ngày của mình ở các vùng trồng cam tại Nghệ An vừa rồi thế nào không?
- Chúng tôi được Chi cục Trồng trọt và bảo vệ thực vật Nghệ An dẫn đi các vùng trồng cam thuộc huyện Nghĩa Đàn, Quỳ Hợp và Con Cuông. Đến các vườn trong giai đoạn kiến thiết cơ bản và giai đoạn kinh doanh nhưng đều chỉ thấy màu vàng, rất ít có màu xanh và khỏe mạnh.
Các vườn lâu năm già cỗi chặt bỏ, tái canh lại vẫn bị vàng. Các vườn trồng lại chu kỳ hai cũng đều xuất hiện bệnh Greening, vàng lá, khả năng chặt bỏ tương đối cao.
Kết quả điều tra khảo sát của Chi cục Trồng trọt và bảo vệ thực vật đến cuối năm 2019 toàn tỉnh này có 5.464ha cam (giảm 692ha so với năm 2018), vượt 314ha cam so với quy hoạch trong đó cam kinh doanh trên 3.230ha. Diện tích cam trồng ngoài quy hoạch trên 264ha tập trung chủ yếu tại Quỳ Hợp 158ha, Thanh Chương 107ha, Nghĩa Đàn 9ha.
Theo quan sát của đoàn công tác của chúng tôi, hiện tượng vàng lá nói trên chủ yếu là bệnh vàng lá Greening. Tuy nhiên ngoài bệnh vàng lá Greening, trên các vườn khảo sát xuất hiện nhiều dịch hại khác trên cam như bệnh chảy gôm, bệnh vàng lá thối rễ, loét, rụng quả, nhện đỏ, ruồi…
Hiện có khoảng 50% cây phát hiện được triệu chứng vàng lá, có thể dùng kit thử nhanh để thử chứ chưa nói đến những cây chưa phát hiện được triệu chứng, phải thử bằng phương pháp PCR trong phòng thí nghiệm thì dự đoán tỷ lệ mắc sẽ còn cao hơn rất nhiều.
Đó là những vườn chỉ mới 5 - 7 năm tuổi thôi, tỷ lệ bệnh Greening đã cao như thế, khả năng thu hồi vốn là rất khó khăn. Kể cả những vườn đã áp dụng các kỹ thuật để phục hồi, đã nhìn thấy màu xanh nhưng vẫn còn rất yếu ớt, chắc chỉ 1 - 2 năm nữa là phải phá hủy.
Một vườn cam bệnh. Ảnh minh họa: Dương Đình Tường.
Tái canh có vấn đề
Bên cạnh dịch bệnh, vấn đề tái canh ở đây đang gặp nhiều khó khăn. Có những vườn trồng mới xong nhưng chất lượng cây giống kém, thiết kế vườn không đúng, kỹ thuật canh tác, tỉa cành tạo tán còn hạn chế nên sinh trưởng kém. Người nông dân cũng tích cực tìm mọi biện pháp để duy trì vườn cam nhưng chưa đem lại hiệu quả cao.
Tại Nông trường 3/2 tỷ lệ vườn thời kỳ kiến thiết cơ bản mà cây xấu chiếm tới 70%, có nguy cơ phải chặt bỏ. Vườn thời kỳ kinh doanh 5 - 7 năm tuổi tỷ lệ bệnh Greening khoảng trên 50%, vàng lá thối rễ 20%, các dịch hại khác xuất hiện rải rác, dù nói là quản lý nhưng rầy chổng cánh vẫn xuất hiện nhiều.
Theo Chi cục Trồng trọt và bảo vệ thực vật Nghệ An, về giống đa phần đều do nông dân tự sản xuất hoặc mua trôi nổi, việc quản lý kinh doanh trong lĩnh vực này gặp nhiều khó khăn. Trên toàn vùng không có cây giống đầu dòng hay vườn cây mẹ. Mắt ghép nông dân sử dụng chủ yếu lựa chọn ở các vườn sản xuất phát triển tốt do đó không thể truy nguyên nguồn gốc, chất lượng giống.
Tới đây phải xiết lại công tác quản lý giống, bởi khi cây giống bị nhiễm bệnh có thể lá vẫn xanh tốt nhưng sẽ nhân nguồn trên đồng ruộng thông qua môi giới truyền bệnh, chúng ta thà đi chậm nhưng mà chắc.
Kiểm tra vườn cam bị bệnh. Ảnh: Tư liệu.
Tình cảnh của người trồng cam ở tỉnh này đang thế nào thưa bà?
- Phải khẳng định với vùng Nghệ An, cây cam là cây chủ lực, từng mang lại hiệu quả cao. Người nông dân rất chịu khó tìm mọi biện pháp để cứu vườn cũng như để tái canh hiệu quả. Nhưng đầu tư trồng cam thường phải năm thứ 6 - 7 trở đi mới có lãi và thu hồi vốn. Trong đó hiện nay đầu tư thì lớn, dịch bệnh nhiều và giá bán xuống thấp nên người nông dân đang rơi vào vòng luẩn quẩn, khó khăn chồng chất.
Theo tôi, giải pháp gần nhất trong thời gian tới đó là siết chặt công tác quản lý giống. Cần phải có khu nhà lưới cách ly lưu giữ cây đầu dòng, vườn cây đầu dòng để khai thác mắt ghép, cung cấp cho sản xuất cây giống sạch bệnh.
Cần tập huấn cho người dân nhiều hơn nữa về nhận biết sớm các đối tượng sinh vật hại trên cam và các thuốc bảo vệ thực vật, chế phẩm có hiệu quả phòng trừ cao. Riêng với bệnh vàng lá, cần xác định do vàng lá Greening hay vàng lá do các nguyên nhân khác.
Nếu vàng lá Greening cần kiên quyết chặt bỏ để tránh lây lan. Bởi người dân dù có cố gắng phục hồi thì cũng chỉ gây tốn kém, có thể vẫn cho quả nhưng sẽ rụng khi gần đến lúc thu hoạch hoặc chất lượng kém ảnh hưởng đến thương hiệu “cam Vinh”. Cần có giải pháp cụ thể để tái canh cam trong thời gian tới, nhằm khôi phục lại vùng cam đặc sản này.
Lấy mẫu cam để thử. Ảnh: Tư liệu.
Thử nhanh bằng kit
Bà có thể nói về kit thử nhanh bệnh Greening này được không?
- Chúng tôi có sản xuất kit chẩn đoán bệnh Greening. Có loại kit áp dụng cho những cây chưa có biểu hiện triệu chứng vàng lá để xác định xem có bệnh hay không, hợp với việc chẩn đoán các cây đầu dòng hoặc các cây cung cấp mắt ghép để đưa vào sản xuất giống sạch bệnh, chi phí tương đối cao, phải gửi mẫu về Viện Bảo vệ Thực vật để phân tích.
Có loại kit chẩn đoán nhanh dùng cho những cây đã có biểu hiện triệu chứng vàng lá để phân biệt bệnh Greening với vàng lá thối rễ, nếu bị Greening thì phải kiên quyết chặt bỏ luôn còn vàng lá thối rễ thì có thể chữa được.
Độ chính xác của kit này khoảng trên 80%. Nó rất hiệu quả bởi nhiều trường hợp có thể phân biệt triệu chứng bằng mắt thường nhưng nhiều trường hợp triệu chứng không rõ vì cây bị Greening thì bộ rễ vẫn có thể bị thối.
Vừa rồi chúng tôi đã thử hơn 50 mẫu ở trên những cây vàng lá mà nông dân Nghệ An đang băn khoăn không biết bị bệnh gì, kết quả là gần 50 mẫu dương tính với Greening, còn lại mấy mẫu không rõ ràng nên phải lấy mẫu đất, mẫu rễ, đem về Viện phân tích.
Kit thử bệnh Greening.
Nghe nói bà từng được chính giáo sư người Đài Loan hướng dẫn phương pháp truyền dịch cho cam cách đây 10 năm, vậy ý kiến của bà về vấn đề này thế nào?
- Đúng, bản thân tôi đã được sang Đài Loan để tìm hiểu về kỹ thuật này cũng như đã cùng họ lên Hòa Bình năm 2010 để áp dụng thử truyền các kháng sinh cho cây cam để giảm triệu chứng nhiễm bệnh của cây bị Greening.
Thế nhưng ở Đài Loan áp dụng khác ta, họ dùng để chữa cho cây bưởi bị bệnh Greening. Khi được truyền như vậy kháng sinh giúp ức chế biểu hiện bệnh, cây vẫn cho quả bình thường. Người ta khống chế bệnh ở cây có bệnh để không bị lan ra cây bên cạnh, tức là sống chung với lũ.
Xin được nói thêm là cây bưởi rất to, khỏe, người ta đã nghiên cứu liều lượng rất kỹ. Giờ ta truyền cho cam, nếu cây bị bệnh ở mức vừa phải thì có thể hồi phục được trong một vụ còn chưa phải là biện pháp bền vững thậm chí nếu truyền không đúng còn gây sốc, chết.
Kháng sinh trong trường hợp này có tác dụng ức chế sự nhân lên của vi khuẩn gây bệnh Greening, giảm triệu chứng, có thể giúp cho cây ra hoa đậu quả được nhưng nguồn bệnh trong cây vẫn còn trên đồng ruộng. Nếu không kiểm soát tốt thì rầy chổng cánh sẽ chích hút các cây này rồi truyền cho các cây bên cạnh.
Hơn thế, trong xu thế đang cấm các thuốc kháng sinh mà sử dụng như thế sẽ không an toàn vệ sinh thực phẩm. Do vậy không nên dùng, chẳng qua nông dân khi gặp bước đường cùng thì thử làm vậy thôi.
Xin cảm ơn bà!
10.000 đồng 1 kit thử nhanh Greening
Bộ kit này hiệu quả trong việc giúp bà con xác định được rõ nguyên nhân của bệnh vàng lá do Greening với các loại khác. Mỗi cái chỉ khoảng 10.000 đồng, nếu muốn mua có thể liên hệ với Viện Bảo vệ Thực vật. Kit này có thể giúp người dân loại trừ những cây bị Greening, vừa để giảm nguồn bệnh, vừa không áp dụng các biện pháp phục hồi vì gây tốn kém mà không có hiệu quả.
Dương Đình Tường (Báo Nông nghiệp Việt Nam)
Link bài viết gốc: https://nongnghiep.vn/nghe-an-thu-hon-50-mau-cam-vang-la-thi-gan-50-duong-tinh-greening-d273090.html.
Không có nhận xét nào: