Thời tiết năm nay rất thuận lợi cho người dân theo nghề muối, sản lượng muối diêm dân làm ra tăng cao. Tuy nhiên, việc tiêu thụ muối hiện đang gặp rất nhiều khó khăn.
Giá muối giảm sâu so với mọi năm, muối làm ra nhiều song không có người thu mua. Vùng muối Giao Thủy, tỉnh Nam Định đang tìm hướng đi mới để giữ nghề truyền thống cũng như nâng cao hiệu quả sản xuất.
Diêm dân xã Bạch Long thu hoạch muối.
Gắn bó với nghề làm muối đã quá nửa đời người, bà Vũ Thị Liên (64 tuổi), ở xóm 11, xã Bạch Long, huyện Giao Thủy, tỉnh Nam Định cho hay, khoảng 10 năm trở lại đây chưa năm nào thời tiết thuận lợi đối với người theo nghề muối như năm nay. Từ đầu tháng 3 Âm lịch, người dân trên cánh đồng muối Bạch Long đã bắt đầu làm muối, trời nắng to nên năng suất cũng cao hơn. Mọi năm trung bình 1 ngày, 1 người dân làm được khoảng 5 phương muối, nhưng năm nay phải làm được 8 phương muối.
Theo bà Liên, chính vì muối người dân làm ra nhiều nên bị các thương lái ép giá. Mọi năm 1 phương muối có giá dao động từ 30.000 - 40.000 đồng thì bây giờ chỉ có giá từ 24.000 - 25.000 đồng. Nếu tính theo kg thì 1 phương muối cân ngay sau khi thu hoạch tại cánh đồng trung bình nặng khoảng 25 kg, với giá như hiện tại thì mỗi kg muối chỉ khoảng 1.000 đồng.
Ông Nguyễn Văn Dũng ở xóm 9, xã Bạch Long than thở, tuy giá muối đã giảm rất sâu so với những năm trước, nhưng vẫn không có người mua. Hiện tại những lều đựng muối của diêm dân trên cánh đồng đều đầy ắp muối, trong một vài ngày tới nếu muối làm ra vẫn không có nơi tiêu thụ thì người dân cũng không biết phải để muối ở đâu.
Để làm ra được những hạt muối, ngay từ đầu vụ, diêm dân phải đầu tư khá nhiều công sức, tiền bạc. Nếu chỉ tu sửa đồng ruộng gồm sân phơi, ô chạt, cát giống… chi phí bỏ ra cũng đã khoảng 3 - 4 triệu đồng/sào (360m²); còn làm mới, người dân phải mất khoảng 10 - 12 triệu đồng, đó là chưa tính đến tiền làm nhà kho. Thế nhưng, tính ra cả ngày làm quần quật trên cánh đồng dưới cái nắng nóng khắc nghiệt của miền biển, diêm dân cũng chỉ thu được từ 120.000 - 130.000 đồng/người.
Với giá muối như hiện nay, 1 kg muối không mua nổi 1 cốc trà đá, trong khi các mặt hàng thiết yếu phục vụ cho cuộc sống đang tăng giá từng ngày nên việc người dân chán ruộng là điều tất yếu. Trên cánh đồng muối xã Bạch Long hiện nay vắng bóng lực lượng lao động chính thanh niên, chỉ còn người già, người trung tuổi không thể làm công việc khác nên vẫn cố bám trụ với nghề truyền thống kiếm thêm thu nhập để không phải phụ thuộc vào các con.
Trước đây xã Bạch Long được biết đến là vựa muối lớn nhất, nhì miền Bắc với tổng diện tích khoảng 230 ha nhưng hiện nay theo thống kê của UBND xã Bạch Long, toàn xã chỉ còn khoảng 60 ha. Nghề làm muối đã gắn bó với diêm dân từ bao đời nay, là niềm tự hào của quê hương Bạch Long, tuy nhiên với mức thu nhập như hiện nay, những năm tới số diêm dân bỏ ruộng muối sẽ ngày càng gia tăng.
Ông Phạm Văn Quang, Phó Chủ tịch UBND xã Bạch Long cho biết, do số lượng người dân bỏ ruộng muối ngày càng gia tăng nên xã đã quy hoạch lại vùng sản xuất muối, dồn diện tích cánh đồng muối số 2 và số 3 với khoảng 60 ha cho những gia đình gắn bó với nghề muối. Còn lại tất cả các cánh đồng sản xuất muối kém hiệu quả xã đã và đang tiến hành đầu tư xây dựng lại cơ sở hạ tầng, xin cơ chế chuyển đổi sang trồng hoa màu hoặc nuôi trồng thủy sản.
Để làm ra hạt muối, diêm dân xã Bạch Long phải dậy từ 5h sáng và phải làm cả ngày dưới cái nắng khắc nghiệt của miền biển.
Huyện Giao Thủy có gần 400 ha sản xuất muối tập trung ở các xã: Bạch Long, Giao Phong và Thị trấn Quất Lâm. Do giá trị ngày công lao động thấp, thời tiết diễn biến thất thường nên diêm dân không còn mặn mà với nghề muối. Hiện nay, diện tích sản xuất muối của huyện chỉ còn khoảng 160 ha. Trong những năm qua, khi giá nhiều mặt hàng tăng vọt thì giá muối lại giảm hoặc cầm chừng.
Để giúp diêm dân tiếp tục gắn bó với nghề muối, ngành nông nghiệp huyện Giao Thủy đang tiến hành quy hoạch lại toàn bộ những vùng sản xuất muối, chỉ giữ lại những nơi có điều kiện sản xuất muối tốt. Đối với những cánh đồng muối kém hiệu quả sẽ chuyển sang nuôi trồng thủy sản hoặc hoa màu khác.
Với những vùng sản xuất muối, huyện Giao Thủy đang khuyến khích diêm dân cải tiến công cụ, áp dụng các tiến bộ kỹ thuật nâng cao năng suất lao động. Cùng đó, mở rộng các mô hình ứng dụng kỹ thuật kết tinh muối trên bạt và mở rộng diện tích sản xuất muối sạch; kêu gọi các thành phần kinh tế tham gia tiêu thụ muối cho diêm dân; xây dựng các chuỗi liên kết sản xuất nghề muối khép kín từ sản xuất - thu mua - chế biến đến tiêu thụ.
Ông Nguyễn Thành Mạnh, Chủ tịch UBND huyện Giao Thủy thông tin, huyện đang quy hoạch những vùng sản xuất muối để khuyến khích người dân, các doanh nghiệp áp dụng tiến bộ của khoa học vào sản xuất; chuyển sang sản xuất, chế biến các loại muối sạch, muối chất lượng cao nhằm nâng cao giá trị sản phẩm muối. Đồng thời, tăng cường quảng bá sản phẩm muối để tăng sức cạnh tranh trên thị trường, giúp diêm dân có đầu ra ổn định, tăng thu nhập.
Tin, ảnh: Công Luật (TTXVN)
Link bài viết gốc: https://baotintuc.vn/kinh-te/huong-di-moi-cho-nghe-muoi-20200801115010101.htm.
Không có nhận xét nào: