» » Xuất khẩu giảm nhưng giá cà phê vẫn rớt

Sức ép bán hàng thực trên hai sàn cà phê phái sinh trong những ngày qua được cho là không đáng kể, nhưng giá cà phê chưa thoát được vùng thấp.

Xuất khẩu giảm

Nông dân Gia Lai thu hoạch cà phê. Nguồn: Giacaphe.com

Dù xuất khẩu cà phê toàn cầu 8 tháng đầu niên vụ 2019-2020 giảm 4,7% tính 1-10-2019 chỉ đạt 87,96 triệu bao (bao = 60 kg), riêng trong tháng 5-2020, giảm 14,6% đạt 10,49 triệu bao, Tổ chức Cà phê thế giới (ICO) nói rằng chỉ báo hỗn hợp giá cà phê gồm các loại arabica và robusta chế biến khô và ướt trong tháng 6-2020 vẫn giảm 5,2% còn chừng 2.184 đô la Mỹ/tấn. Đấy là tháng thứ ba liên tiếp mặt bằng giá cà phê giảm.

Brazil giữ vị trí quán quân trong xuất khẩu cà phê vào EU trong nửa đầu niên vụ hiện hành với 20% thị phần, tiếp theo là Việt Nam 13,8% và các nước khác như Colombia, Honduras và Uganda mỗi nước chiếm trong khoảng 3-4%. Tuy nhiên, với thị trường Mỹ, lượng xuất khẩu từ Brazil và Colombia chiếm đến 53,6% trong khi Việt Nam chỉ chia 18,5% thị phần với 1,25 triệu bao. Vào thị trường Nhật Bản, ba nước sản xuất cà phê hàng đầu chiếm hơn 71% trong đó Việt Nam đạt 904.000 bao, tăng 12,9% so với cùng kỳ.

Như vậy, trong thời gian qua, thị phần xuất khẩu cà phê bị yếu tố địa lý chi phối khá mạnh: Brazil và Colombia gần Mỹ, Việt Nam gần Nhật Bản…

Đánh giá ảnh hưởng của dịch Covid-19 lên ngành cà phê thế giới, ICO cho rằng có đến 81% nước sản xuất áp dụng giãn cách xã hội. Chính vì vậy, cà phê một số nước thu hoạch chậm hơn, công tác giao nhận đình đốn nhưng lại gặp phải nhu cầu tiêu thụ giảm. Kênh tiêu thụ cà phê trực tiếp như các chuỗi quán, nhà hàng khách sạn và du lịch giảm trong khi đó giao dịch qua mạng thương mại điện tử tăng lên.

Điều này nói lên rằng nguồn cung không thiếu như do dịch Covid-19 cản trở, tiêu thụ cà phê bị ách tắc.

ICO cũng nhận định rằng trong giai đoạn khó khăn chung của cả ngành công nghiệp cà phê thế giới, Việt Nam vẫn kiên trì thúc đẩy ứng dụng các phương pháp sản xuất và chế biến bền vững, tăng cường giao dịch qua kênh thương mại điện tử.

Dù vậy, giá cà phê nguyên liệu khắp nơi vẫn mất giá. Mới đây, Guatemala thông báo sẽ rời khỏi ICO kể từ niên vụ mới bắt đầu từ 1-10-2020 do nông dân cà phê nước này chịu không xiết với giá cà phê niêm yết trên 2 sàn cà phê phái sinh, tổ chức này chưa có biện pháp hữu hiệu để giúp nông dân bảo đảm sinh kế vì giá thị trường thấp hơn giá thành sản xuất.

Giá cà phê vẫn rớt

Theo nhận định của một số nhà phân tích kỹ thuật, thị trường cà phê trước mắt vẫn còn tiêu cực do các yếu tố bất lợi gồm Brazil được mùa (69 triệu bao) như dự báo của Bộ Nông nghiệp Mỹ, tồn kho ứ đọng không bán được, sức tiêu thụ giảm do tác động xấu từ dịch Covid-19 cộng với lượng người thất nghiệp tăng, thu nhập người tiêu thụ giảm.

Tính từ đầu năm đến nay, lợi suất đầu tư trên cả 2 sàn đều có kết quả âm, cụ thể là giá sàn phái sinh robusta London giảm 239 đô la Mỹ/tấn hay -16,64%, giá arabica còn tệ hơn vì mất đến 38,40 cts/lb hay 847 đô la/tấn tương đương với -28,28%.

Dù áp lực bán hàng thực không mạnh, xuất khẩu toàn cầu yếu, các quỹ đầu tư tài chính và giới kinh doanh trên sàn vẫn tin một khi đại dịch “có đường ra”, thì hàng hóa cà phê cũng tuôn theo. Chính vì vậy, họ liên tục bán khống trên hai sàn để chờ đợi một ngày nào đó giá rớt sâu, bấy giờ mua lại kiếm lời. Tính đến ngày 7-7-2020, lượng hợp đồng dư bán (hàng giấy) trên sàn robusta London được ghi nhận ở mức gần 450.000 tấn và sàn arabica chừng 410.000 tấn.

Theo nhận định của một số nhà phân tích kỹ thuật, thị trường cà phê trước mắt vẫn còn tiêu cực do các yếu tố bất lợi gồm Brazil được mùa (69 triệu bao) như dự báo của Bộ Nông nghiệp Mỹ, tồn kho ứ đọng không bán được, sức tiêu thụ giảm do tác động xấu từ dịch Covid-19 cộng với lượng người thất nghiệp tăng, thu nhập người tiêu thụ giảm.

“Chiếc đũa thần” giúp giá cà phê đứng dậy đang được trông mong từ lượng tiền khổng lồ do chính phủ và ngân hàng trung ương cung ứng cho các nền kinh tế nhằm ngăn chặn suy thoái. Tuy nhiên, để được như vậy, thị trường cà phê cần một “độ trễ” nhất định.

“Có lẽ báo hiệu đầu tiên cho đợt phục hồi giá cà phê sắp tới chính từ thái độ của giới đầu tư tài chính. Bao lâu họ chịu giảm lượng hợp đồng dư bán trên sàn phái sinh để chuyển sang mua bù và mua mới trong bốn hay năm tuần liền, bấy giờ mới dám chắc đấy là sự khởi đầu cho thị trường cà phê hồi sinh”, một chuyên gia nhận định.

Đóng cửa giá 2 sàn cà phê phiên 10-7-2020 cơ sở kỳ hạn tháng 9-2020, sàn robusta London chốt mức 1.197 đô la/tấn so với đỉnh/đáy 1.589/1.132 đô la/tấn tính từ 1 năm nay, trong khi đó sàn arabica New York đứng tại 97,40 cts/lb hay 2.147 đô la/tấn có đỉnh/đáy là 147,30/94,55 cts/lb. Giá cà phê robusta nguyên liệu nhiều nơi tại Tây Nguyên được chào bán quanh mức 31 triệu đồng/tấn.

Nguyễn Quang Bình (thesaigontimes)

Link bài viết gốc: https://www.thesaigontimes.vn/305830/xuat-khau-giam-nhung-gia-ca-phe-van-rot.html.

Về Tin tức nông nghiệp

Chuyên tin tức nông nghiệp, chỉ tin tức nông nghiệp. tintucnongnghiep.com là một blog chia sẻ tin tức nông nghiệp Việt Nam và thế giới theo tiêu chí kết nối, chia sẻ và phi lợi nhuận.
«
Trước
Bài đăng Mới hơn
»
Sau
Bài đăng Cũ hơn

Không có nhận xét nào:

Chia sẻ của bạn về bài viết này: