» » » Thực hư nông dân Đồng Nai điêu đứng vì giá sầu riêng giảm?

Giữa tháng 5, giá sầu riêng đột ngột giảm. Nhiều người trồng ở Đồng Nai được cho là kêu than, điêu đứng. Giám đốc hợp tác xã TMDV Nông nghiệp Xuân Định bảo: Làm gì có chuyện đó!

Đầu tháng 5, nhiều nông dân ở Đồng Nai bước vào vụ thu hoạch sầu riêng. Giá đầu vụ được thương lái thu mua tận vườn ở mức cao 55.000 - 65.000 đồng/kg.

Bà Hoàng Thị Xuân ở huyện Cẩm Mỹ cho biết, giá này đã cao hơn 10.000 đồng/kg so với đầu vụ năm ngoái. Sau khi trừ chi phí, nhiều nông dân có thể lãi hàng trăm triệu đồng/ha.

Quầy trái cây của hợp tác xã TMDV Nông nghiệp Xuân Định.

Đến giữa tháng 5, sầu riêng Ri6 và sầu riêng Thái Lan được thương lái cắt tại vườn chỉ còn 27.000 - 30.000 đồng/kg.

Anh Nguyễn Ngọc Thanh (TP.Long Khánh) cho biết, gia đình anh thống nhất sẽ không cắt và bán sớm mà để chín rụng tự nhiên. Lúc đó, sầu riêng có giá bán cao hơn, từ 40.000 - 50.000 đồng/kg.

Theo bà Đặng Thị Thúy Nga – Giám đốc hợp tác xã TMDV Nông nghiệp Xuân Định (huyện Xuân Lộc), trái cây không xuất được, hàng trong nước dội chợ nên giá giảm.

Tuy nhiên, nhiều nông dân vẫn biết cách xoay trở trong những tình huống khó khăn. Nhiều năm nay, lo ngại tình trạng ùn ứ trái cây khi bước vào thu hoạch rộ, nhiều nhà vườn đã xử lý ra hoa đậu trái sớm để bán giá cao.

Ngay chính vụ, giá giảm xuống 30.000 đồng/kg, nông dân vẫn không lỗ. Vì thực tế, giá thành sản xuất sầu riêng chỉ 27.000 - 28.000 đồng/kg. Công hái thì nhiều vườn vẫn để thương lái cắt tại vườn, không phải động chân tay.

Từ cuối tháng 5, giá sầu riêng đã tăng trở lại, lên mức 34.000 đồng/kg.

Bà Nga kể, từ nhiều năm trước, giá sầu riêng bán chỉ 25.000 đồng/kg, nông dân đã mừng. Đến năm 2018, 2019 giá biến động tăng cao lên trên mức 50.000 đồng/kg. Nhiều người so sánh ngược lại thời điểm giá cao nên hay kêu than, trong khi nhiều loại trái cây đang khó khăn hơn rất nhiều.

Bà Nga kể, từ cuối tháng 5, giá sầu riêng đã tăng trở lại, lên mức 34.000 đồng/kg. Nhiều nông dân đến gặp hợp tác xã, mặt tươi như hoa. "Nhưng cũng không ít vườn vẫn còn đỏng đảnh. Hợp tác xã đến hỏi mua thì họ không cho cắt, muốn ghim hàng đợi giá tăng thêm", bà Nga nói.

Theo ông Trần Anh Tùng (huyện Long Thành), tháng 5-6 thường là cao điểm vụ trái cây hè. Bản thân ông trồng sầu riêng theo mô hình VietGAP. Khi được hỏi về tình hình trái cây trong vườn, ông bảo: "Chuyến cuối cùng đã đi cách đây 1 tuần, làm gì còn hàng mà ế!"

Ông Trần Anh Tùng bên vườn sầu riêng VietGAP

Ông Tùng thừa nhận, đúng là năm nay dịch Covid-19 gây ảnh hưởng, thị trường bị đụng chợ, túi tiền của người tiêu dùng cũng hạn chế hơn nên bán chậm hơn. Tuy nhiên sầu riêng VietGAP vẫn bán nhanh. Ông Tùng bán sầu riêng già với giá 40.000 đồng/kg, sầu riêng chín thì 55.000 - 60.000 đồng/kg.  

Riêng chôm chôm giá vẫn đang thấp. Ông Tùng kể, năm ngoái, giá chôm chôm tầm 17.000 đồng/kg, năm nay chỉ còn 8.000 - 10.000 đồng/kg. Trong khi tiền công hái tăng cao; phụ nữ 300.000 đồng/ngày, đàn ông thì 350.000 - 400.000 đồng/ngày.

"Nông dân thì đương nhiên là muốn giá cao, bán được lãi cao chứ có ai muốn giá thấp đâu. Tôi trồng sầu riêng bao nhiêu năm, giá ngoài 30.000 đồng/kg là tốt rồi", ông Tùng nói.

Theo bà Nga, năm nay nhuận, trái cây đồng loạt chín sớm. Tới tháng 5 âm lịch, thị trường Trung Quốc hút hàng mạnh. Đây là cơ hội với những vườn còn sầu riêng chín muộn.

Nguyên Vỹ (Dân Việt)

Link bài viết gốc: https://danviet.vn/thuc-hu-nong-dan-dong-nai-dieu-dung-vi-gia-sau-rieng-giam-20200602172100823.htm.

Về Tin tức nông nghiệp

Chuyên tin tức nông nghiệp, chỉ tin tức nông nghiệp. tintucnongnghiep.com là một blog chia sẻ tin tức nông nghiệp Việt Nam và thế giới theo tiêu chí kết nối, chia sẻ và phi lợi nhuận.
«
Trước
Bài đăng Mới hơn
»
Sau
Bài đăng Cũ hơn

Không có nhận xét nào:

Chia sẻ của bạn về bài viết này: