» » » Giá sầu riêng ở Bến Tre thấp kỷ lục, có loại chỉ 3.000 - 5.000 đồng/kg

Do ảnh hưởng của hạn, mặn kéo dài khiến cho nhiều diện tích sầu riêng ở huyện Châu Thành, tỉnh Bến Tre bị thiếu nước tưới trầm trọng. Sầu riêng bị ảnh hưởng, chất lượng trái bị giảm sút kéo theo giá sầu riêng giảm sâu, có loại chỉ 3.000 - 5.000 đồng/kg.

Đây là mức giá thấp chưa từng xảy ra trước đây ở thủ phủ sầu riêng của Bến Tre.

Chất lượng trái sầu riêng cũng như giá cả xuống thấp, nên ông Nguyễn Văn Tuân, xã Tân Phú phải hái bỏ trái để cứu cây.

Ông Hà Chí Ngon, ấp Tân Bắc, xã Tân Phú có 8 công (tương đương 8.000 ) sầu riêng được 7 năm tuổi. Đây mới là năm thứ 2 ông thu hoạch từ vườn sầu riêng.

Năm ngoái vào chính vụ, giá sầu riêng có giá 48.000 - 50.000 đồng/kg. Với khoảng 8 tấn trái thu được đem lại cho gia đình ông Ngon khoảng 400 triệu đồng.

Thế nhưng, năm nay, ông Ngon lỗ nặng vì giá sầu riêng quá thấp, thương lái chốt giá vườn sầu riêng của ông chỉ 8.000 đồng/kg vì lý do các cây sầu riêng đã rụng lá, trái sẽ không đạt chất lượng. Mức giá quá thấp nên ông Ngon chưa đồng ý. Với mức giá này, ông Ngon cho biết không đủ trả tiền phân, nước và tiền công chăm sóc một năm qua.

Theo ông Ngon, vào tháng 3, sầu riêng vườn nhà vẫn phát triển bình thường, cho trái rất nhiều nên ông dưỡng cây, mua nước ngọt tưới thường xuyên. Nhưng đến tháng 4 thì cây có dấu hiệu rụng lá và rụng trái non.

Có những vườn sầu riêng bị rụng lá nên thương lái "không thèm mua" buộc chủ vườn phải tự tìm đầu ra, bán tháo bán đổ sầu riêng tại các chợ quê với giá rẻ "như cho" 15.000 đồng/kg, 5.000 đồng/kg, 3.000 đồng/kg, thậm chí 1.500 đồng/kg cũng có.

Nhà chị Trần Thị Bạch Lan, xã Quới Thành, huyện Châu Thành có 3.500  sầu riêng, từ khi hạn, mặn xảy ra đến nay, chị đã mua hết 70 triệu đồng tiền nước tưới, hơn cả số tiền thu được từ bán sầu riêng.

"Thương lái không mua, gia đình chia mỗi người một ít đi các chợ, ngã tư ngồi bán với giá được 35.000 đồng/kg trở lại. Nhưng tổng số tiền bán sầu riêng cũng chỉ được 50 triệu đồng, không đủ bù vào tiền mua nước", chị Lan cho biết.

Xã Tân Phú là địa phương có diện tích trồng sầu riêng lớn của huyện Châu Thành với khoảng 625ha. Mọi năm, thời điểm này, đi dọc các tuyến đường ở xã, các vườn sầu riêng rợp lá và cây cho trái rất nhiều.

Nhưng mùa sầu riêng năm nay, các vườn sầu riêng đa phần xơ xác, các cây trụi lá, khô cành, có cây chỉ còn trái mà không có lá, có cây đã chết,... Theo khảo sát của UBND xã Tân Phú do ảnh hưởng hạn, mặn, khoảng 60% diện tích sầu riêng bị ảnh hưởng và 20% diện tích sầu riêng bị thiệt hại hoàn toàn, không có khả năng khôi phục.

Nếu sầu riêng đang trong thời điểm thu hoạch mà cây còn lá đầy đủ thì thương lái mua 30.000 - 35.000 đồng/kg. Đối với những trái sầu riêng trên cây đã rụng hết lá thì có giá từ 7.000 - 10.000 đồng/kg, thậm chí có loại chỉ được thương lái trả giá 3.000 - 5.000 đồng/kg.

Tuy nhiên, theo ông Lê Hoàng Phục, cán bộ khuyến nông xã Tân Phú thì số lượng trái bán giá 30.000 - 35.000 đồng/kg rất ít, đạt khoảng 20% sản lượng, còn 80% sản lượng đều bán giá dưới 10.000 đồng/kg.

Theo lý giải của người trồng sầu riêng Tân Phú sở dĩ giá sầu riêng thấp là do ảnh hưởng hạn, mặn kéo dài, không đủ nguồn nước tưới cho cây để nuôi trái. Dẫn đến chất lượng sầu riêng không đạt, cơm không vàng, lạt, múi bụi cháy. Đa số thương lái mua sầu riêng về để bán cơm (chế biến các sản phẩm khác như kem, chè, trà sữa,...) chứ không phải mua về để bán cho người tiêu dùng ăn.

So với mọi năm, giá sầu riêng năm nay thấp chưa từng có. Mọi năm vào chính vụ, giá sầu riêng thấp nhất cũng 35.000 - 45.000 đồng/kg, có lúc đỉnh điểm giá cao đến 70.000 - 80.000 đồng/kg.

Với mức giá sầu riêng quá thấp khiến cho người trồng sầu riêng ở xã Tân Phú bị lỗ. Người nông dân đầu tư vốn rất nhiều cho vườn sầu riêng nhưng thu hoạch trái bán lại không có lợi nhuận.

Ông Lê Hoàng Phục nhận định, hiện nay vẫn chưa có số liệu chính xác về thiệt hại của cây sầu riêng, bởi khi mưa xuống cây sẽ có nguy cơ chết nhiều hơn. Hiện giờ nhiều vườn sầu riêng đã có nguy cơ suy kiệt, có vườn không còn khả năng hồi phục. Đối với những vườn cây còn có thể khôi phục được thì mất thời gian rất lâu. Đối với những vườn có cây chết, trồng lại cây mới thì phải mất đến 5 năm mới cho trái. Thiệt hại kinh tế rất lớn.

Tỉnh Bến Tre có diện tích sầu riêng khoảng 2.000 ha; trong đó huyện Châu Thành có diện tích trồng sầu riêng lớn nhất tỉnh với trên 1.100ha. Hiện, địa phương đang thống kê số liệu để đánh giá mức độ thiệt hại do hạn, mặn trên cây sầu riêng toàn huyện.

Tin, ảnh: Trần Thị Thu Hiền (TTXVN)

Link bài viết gốc: https://baotintuc.vn/kinh-te/gia-sau-rieng-o-ben-tre-thap-ky-luc-co-loai-chi-3000-5000-dongkg-20200515162917887.htm.

Về Tin tức nông nghiệp

Chuyên tin tức nông nghiệp, chỉ tin tức nông nghiệp. tintucnongnghiep.com là một blog chia sẻ tin tức nông nghiệp Việt Nam và thế giới theo tiêu chí kết nối, chia sẻ và phi lợi nhuận.
«
Trước
Bài đăng Mới hơn
»
Sau
Bài đăng Cũ hơn

Không có nhận xét nào:

Chia sẻ của bạn về bài viết này: