» » » Chúng ta đang đánh giá thấp vai trò của hạt gạo?

Ngày 24-3-2020, Bộ Công Thương kiến nghị Thủ tướng cho phép hoãn việc dừng xuất khẩu gạo từ 0 giờ ngày 24-3 theo thông báo của Văn phòng Chính phủ. Mặc dù trước đó, ngày 23-3, thông báo số 121/TB-VPCP nêu kết luận của Thủ tướng về việc này sau cuộc họp của Thường trực Chính phủ về đảm bảo an ninh lương thực trong bối cảnh tác động của dịch Covid-19.

Ngày 28-3, sau khi tính toán lại số liệu, Bộ Công Thương đề xuất cho phép tiếp tục xuất khẩu gạo trở lại nhưng kiểm soát chặt số lượng theo từng tháng, trước mắt cho xuất khẩu 800.000 tấn gạo trong tháng 4 và 5.


Bài viết này không bàn đến chuyện đúng sai nhưng để rộng đường dư luận, xin đưa ra một số lưu ý như sau:

Một số chuyên gia đã ủng hộ kiến nghị của Bộ Công Thương và cho rằng Việt Nam có thể đánh mất cơ hội xuất khẩu gạo, vì ở miền Nam đang được mùa và miền Bắc cũng đứng trước triển vọng được mùa (vụ thu đông của đồng bằng sông Cửu Long và vụ đông xuân của cả nước). Lúa đông xuân thường chiếm khoảng 47% sản lượng cả năm; hè thu chiếm 25,2% ; mùa 18,6% và thu đông là 9,1%.

Năm 2020, dự kiến diện tích lúa đông xuân giảm 2%. Sản lượng lúa thu hoạch quí 1 giảm 2,3%. Diện tích gieo trồng đông xuân thực tế tính đến 15-3-2020 đã giảm 3% so với cùng kỳ, khu vực miền Nam diện tích gieo trồng giảm 4%, tương đương giảm 80.300 héc ta so với cùng kỳ, riêng đồng bằng sông Cửu Long giảm 57.900 héc ta.

Khu vực đồng bằng sông Cửu Long do gieo cấy sớm hơn so với hàng năm nên đến cuối tháng 3 đã thu hoạch được khoảng 72,5% lúa đông xuân (sản lượng lúa đông xuân của đồng bằng sông Cửu Long năm 2019 chiếm 53,1% sản lượng cả nước).

Hạn mặn kéo dài ở đồng bằng sông Cửu Long có thể ảnh hưởng đến diện tích lúa đông xuân chưa thu hoạch và nếu vẫn thiếu nước, có thể ảnh hưởng tiếp đến vụ hè thu (đây là vụ khu vực đồng bằng sông Cửu Long có sản lượng chiếm đến 79,3% sản lượng cả nước - năm 2019).

Nhìn chung quá trình hình thành giá của một sản phẩm bắt đầu từ giá cơ bản, tức là giá chưa bao gồm thuế gián thu và phí lưu thông, khi sản phẩm đến người sử dụng cuối cùng (bán trong nước hoặc xuất khẩu) thì được cộng thêm thuế gián thu và phí lưu thông.

Như vậy giá của gạo bắt đầu từ lúa do người nông dân sản xuất, quá trình này được quản lý bởi Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, sau đó lúa được xay xát và đi vào khâu thương mại thành gạo để bán cho người tiêu dùng trong nước hoặc xuất khẩu, được quản lý bởi Bộ Công Thương, các doanh nghiệp được phép xuất khẩu gạo do Bộ Công Thương cấp phép.

Như vậy một hạt gạo có hai cơ quan quản lý, không kể đầu vào của lúa bao gồm giống (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), phân bón, thuốc trừ sâu (Bộ Công Thương), đất đai (Bộ Tài nguyên và Môi trường) và giá đầu vào do Bộ Tài chính quyết định thông qua chính sách thuế.

Như vậy có thể thấy hạt gạo phụ thuộc vào quyết định của khá nhiều cơ quan quản lý nhà nước, chưa kể các hiệp hội. Về thực chất, việc xuất khẩu gạo, dù giá có cao, người sản xuất chính là nông dân không được hưởng lợi bao nhiêu, nhóm được hưởng lợi cơ bản là các doanh nghiệp hoạt động thương mại.

Số liệu của Tổng cục Thống kê cho thấy trong 100 đồng xuất khẩu có 60% là giá trị (giá cơ bản) mà người nông dân làm ra và khoảng 20% là thu nhập của người nông dân. Đây phải chăng là một vấn đề với các nhà làm chính sách?

Mặt khác, câu hỏi đặt ra là số gạo dự định xuất khẩu nhưng bị ngưng sẽ được sử dụng thế nào? Chính phủ có mua số lượng này làm dự trữ quốc gia không? Nếu không thì các doanh nghiệp xuất khẩu cũng sẽ không thể tiếp tục mua gạo của người nông dân được nữa và khó khăn lại dồn vào người nông dân.

Tính toán cho thấy, xuất khẩu nông sản nói chung và gạo nói riêng có chỉ số lan tỏa đến giá trị gia tăng tốt hơn xuất khẩu các sản phẩm gia công của công nghiệp chế biến khá nhiều. Nhìn vào tổng giá trị, xuất khẩu sản phẩm nông sản thấp hơn xuất khẩu máy tính, linh kiện điện tử, điện thoại; nhưng xuất khẩu những sản phẩm này bản chất chỉ là xuất khẩu hộ nước khác, giá trị tạo ra của Việt Nam rất thấp .

Nhiều ý kiến dường như đánh giá hơi thấp vai trò của gạo. Từ thực tế một số ngày người dân đổ xô đi mua gạo, có thể thấy tâm lý của đa số người dân vẫn coi gạo là thứ rất quan trọng với họ. 

Bùi Trinh (thesaigontimes)

Link bài viết gốc: https://www.thesaigontimes.vn/301829/chung-ta-dang-danh-gia-thap-vai-tro-cua-hat-gao.html.

Về Tin tức nông nghiệp

Chuyên tin tức nông nghiệp, chỉ tin tức nông nghiệp. tintucnongnghiep.com là một blog chia sẻ tin tức nông nghiệp Việt Nam và thế giới theo tiêu chí kết nối, chia sẻ và phi lợi nhuận.
«
Trước
Bài đăng Mới hơn
»
Sau
Bài đăng Cũ hơn

Không có nhận xét nào:

Chia sẻ của bạn về bài viết này: