Khoảng 200.000 tấn gạo của doanh nghiệp phải chịu cảnh “mắc kẹt” ngoài cảng do việc tạm dừng xuất khẩu gạo. Điều này, khiến doanh nghiệp mất tiền tỉ mỗi ngày do chi phí phát sinh.
Tạm dừng xuất khẩu gạo, nhiều doanh nghiệp lo lắng vì các khoản chi phát sinh. Ảnh minh họa: Trung Chánh
Trao đổi với TBKTSG Online vào hôm nay, 1-4, ông Nguyễn Văn Thành, Giám đốc Công ty TNHH Sản xuất - Thương mại Phước Thành IV, dẫn số liệu thống kê của Hiệp hội lương thực Việt Nam (VFA) cho biết, do việc tạm dừng xuất khẩu đột ngột đã khiến khoảng 200.000 tấn gạo của doanh nghiệp bị "mắc kẹt" trên các sà lan và container ở ngoài cảng. “Đây là một gánh nặng rất lớn với doanh nghiệp”, ông nói và dẫn chứng đơn vị này cũng có hơn 1.000 tấn gạo bị mắc kẹt ở cảng.
Theo ông Thành, ngoài chuyện doanh nghiệp có thể bị phạt do không giao hàng đúng hạn cho đối tác, thì gánh nặng chi phí phải lưu hàng ngoài cảng là không hề nhỏ. “Chi phí kẹt trên cảng, thì những phần này chắc chắn doanh nghiệp phải ôm rồi”, ông nói.
Ông Thành cho biết, tùy vào thị trường xuất khẩu sẽ có những mức phí phát sinh khác nhau (đi châu Âu, Nhật Bản phải thuê container tốt hơn so với thị trường Trung Quốc, Philippines nên có giá cao hơn), nhưng trung bình một container gạo 25 tấn doanh nghiệp phải trả các khoản phí liên quan do hàng "mắc kẹt" không xuất khẩu được là khoảng 300.000 đồng/container/ngày.
Như vậy, với khoảng 200.000 tấn gạo đang “mắc kẹt”, tương đương 8.000 container 25 tấn, thì các doanh nghiệp xuất khẩu phải mất 2,4 tỉ đồng/ngày. Hiện nay, với 50 container gạo đang ở cảng, Công ty TNHH Sản xuất - Thương mại Phước Thành IV đang phải chịu một khoản phí tương đương 15 triệu đồng/ngày.
Ông Phạm Văn Quang, Tổng giám đốc Công ty cổ phần nông nghiệp công nghệ cao Trung Thạnh cho biết, cái "chết" đầu tiên doanh nghiệp phải chịu từ việc dừng xuất khẩu gạo đó là hàng hóa phải chịu tắc nghẽn, tạo thêm gánh nặng rất lớn về chi phí. “Không cho thông quan, thì tất cả hàng đã xuất, nhưng đang trên đường và đã tới cảng coi như chịu chết”, ông nói.
Việc chậm có quyết định xuất khẩu gạo trở lại, theo ông Quang, sẽ khiến doanh nghiệp gặp rất nhiều khó khăn vì vốn vay đến hạn thanh toán, thì ngân hàng vẫn phải thu hồi, trong khi hàng hóa không lưu thông được, tức không có dòng tiền để trả nợ. “Một ngày doanh nghiệp cũng phải trả lãi vay ngân hàng”, ông nói và cho rằng Chính phủ nên sớm có quyết định để hỗ trợ doanh nghiệp vượt qua khó khăn.
Ông Phạm Thái Bình, Giám đốc Công ty cổ phần nông nghiệp công nghệ cao Trung An, cho rằng những doanh nghiệp đã đóng container, đã đưa hàng hoặc đang vận chuyển lên cảng cũng như việc thực hiện các hợp đồng có khả năng khiến các doanh nghiệp bị thiệt hại hàng ngàn tỉ đồng do việc dừng xuất khẩu gạo.
Theo ông Thành, trong trường hợp hàng hóa bị “mắc kẹt” ở cảng, về lý thuyết doanh nghiệp có thể thương lượng với đối tác nhập khẩu để chia sẻ rủi ro. “Về chi phí phát sinh, thì giữa mình (doanh nghiệp xuất khẩu) với khách hàng, hai bên sẽ ngồi lại để bàn, chứ cũng chưa biết thế nào”, ông nói và cho biết nếu khách hàng không hỗ trợ, thì doanh nghiệp cũng phải chịu vì nguyên nhân do phía Việt Nam, chứ không phải do khách hàng.
Trung Chánh (thesaigontimes)
Link bài viết gốc: https://www.thesaigontimes.vn/301869/200000-tan-gao-ket-ngoai-cang-doanh-nghiep-mat-tien-ti-moi-ngay.html.
Không có nhận xét nào: