» » Thị trường gạo chờ đợi những đánh giá tổng thể và chuyên nghiệp

Bản báo cáo của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cách đây khoảng một tháng cho thấy, gạo Việt Nam xuất đi với giá được đánh giá là khá cao. Trong khi đó, theo Reuters, trong những ngày gần đây giá gạo xuất khẩu của Thái Lan tiếp tục tăng lên mức cao nhất trong vòng năm rưỡi, trong khi đó gạo Việt Nam cũng tăng lên cao nhất gần 16 tháng. Nguyên nhân do dịch Covid-19 lây lan nhanh chóng trên khắp thế giới gây lo ngại sẽ xảy ra tình trạng thiếu cung lương thực.

Nhiều ý kiến cho rằng việc tạm dừng xuất khẩu gạo cũng chỉ cần áp dụng trong một tháng (tháng 4) thay vì kéo dài hơn 2 tháng đến hết tháng 5-2020, bởi một tháng là đủ để các đơn vị thống kê lại sản lượng, thu mua tích trữ đủ số lượng cần thiết và đưa giá gạo về mức ổn định. Ảnh minh họa: TTXVN

Theo Reuters, giá gạo chuẩn 5% tấm của Thái Lan đạt 480 - 505 đô la Mỹ/tấn trong ngày 19-3 (mức cao nhất kể từ tháng 8-2013) so với 470 - 495 đô la/tấn một tuần trước đó. Đây là tuần tăng giá thứ 6 liên tiếp.

Giới kinh doanh gạo Thái Lan cho biết nguyên nhân bởi lo ngại sẽ thiếu cung lúa gạo giữa bối cảnh nước này bị hạn hán kéo dài sự báo sẽ khiến sản lượng sụt giảm.

Thị trường nội địa ngày càng lo ngại về việc thiếu thực phẩm trong trường hợp dịch Covid-19 trở nên nên tồi tệ hơn, Reuters dẫn lời một thương nhân ở Bangkok cho biết, và bổ sung rằng hiện giá cao nên hầu như không có hợp đồng giao dịch nào, và nhận định giá có thể sẽ còn tăng nữa do nguồn cung ngày càng khan hiếm. Nhu cầu của người tiêu dùng Thái đối với một số loại gạo như jasmine cũng tăng nhẹ vì lo ngại về dịch bệnh.

Trong khi đó, tại Việt Nam, giá gạo 5% tấm tăng từ 400 - 405 đô la/tấn lên 410 đô la/tấn trong cùng khoảng thoài gian đó. Đây là mức cao nhất kể từ tháng 11-2018.

Theo số liệu sơ bộ, có 195.400 tấn gạo sẽ được bốc xếp lên các tàu ở cảng TPHCM trong giai đoạn 1 - ngày 25-3-2020, chủ yếu được chở sang các thị trường Malaysia, Tây Phi và Cuba.

Theo số liệu thống kê sơ bộ của Tổng cục Hải quan, xuất khẩu gạo của Việt Nam trong hai tháng đầu năm 2020 đạt 929.000 tấn, kim ngạch đạt hơn 430 triệu đô la, tăng 30,5% về lượng và tăng 38% về giá trị so với cùng kỳ năm 2019. Trong đó, gạo xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc tăng rất mạnh, với mức tăng 595% về lượng và tăng 724% về giá trị, đạt hơn 66.000 tấn, tương đương 37 triệu đô la. Sản lượng gạo Việt Nam hàng năm duy trì ở mức khoảng 22 triệu tấn.

Tại Ấn Độ, giá gạo xuất khẩu tuần qua duy trì ở mức thấp nhất khoảng 2 tháng do đồng rupee yếu đi mặc dù nhu cầu có sự cải thiện. Đồng rupee đã giảm xuống mức thấp kỷ lục vào cuối tuần qua giúp cho các nhà xuất khẩu gạo nước này tăng lợi nhuận khi xuất khẩu gạo. Gạo đồ 5% tấm của Ấn Độ có giá vững ở 363 - 367 đô la/tấn.

Trong khi đó, tại Bangladesh, giá gạo trong nước đã tăng 5%, vì lo ngại về Covid-19 khiến người dân đổ xô đi mua gạo. Bộ trưởng lương thực Bangladesh Sadhan Chandra Majumder đã kêu gọi người dân không nên hoảng loạn vì chính phủ có đủ nguồn cung ngũ cốc lương thực.

Quay trở lại với câu chuyện ở Việt Nam, tại cuộc hội nghị với 100 điểm cầu trên cả nước, các báo cáo cho thấy sau 10 năm thực hiện, Đề án "An ninh lương thực quốc gia đến năm 2020" đã đạt được nhiều kết quả tích cực. Trong đó đáng chú ý điện tích đất lúa cả nước năm 2018 đạt trên 4,159 triệu ha (vượt mục tiêu đề ra tại Nghị quyết là 3,76 triệu ha); sản lượng lúa năm 2019 đạt 43,4 triệu tấn (vượt mục tiêu đề ra 41-43 triệu tấn); xuất khẩu gạo năm 2019 đạt 6,34 triệu tấn (vượt mục tiêu đề ra 4 triệu tấn).

Nông nghiệp có tốc độ tăng trưởng khá cao (đạt 2,61%/năm). Năng suất lúa của Việt Nam cao nhất Đông Nam Á đạt 5,6 tấn/ha, gần gấp đôi so với Thái Lan và gấp 1,5 lần so với Ấn Độ; năng suất càphê cao gấp 1,5 lần so với Brazil, gấp 3 lần so với Colombia, Indonesia; năng suất hồ tiêu gấp 3 lần so với Indonesia và 1,3 lần của Ấn Độ; năng suất cá tra bình quân đạt 209 tấn/ha, cao nhất thế giới...

Xuất khẩu hàng nông sản được tiếp tục đẩy mạnh, có 7 mặt hàng có kim ngạch xuất khẩu trên 1 tỉ đô la/năm, bình quân mỗi năm xuất khẩu khoảng 5-7 triệu tấn gạo.

Còn tại hội nghị trực tuyến Tổng kết sản xuất vụ đông xuân 2019-2020, triển khai kế hoạch sản xuất vụ hè thu và thu đông khu vực Nam bộ ngày 27-3 vừa qua, các số liệu từ Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho thấy, sau khi trừ đi lượng hàng hóa phục vụ cho tiêu dùng trong nước cũng như dự trữ, Việt Nam còn dư khoảng 13,54 triệu tấn lúa hàng hóa có thể phục vụ cho xuất khẩu, tương đương có ít nhất hơn 8 triệu tấn gạo.

Do vậy, để đi đến các quyết định về xuất khẩu gạo mà không gây ra những tác động lớn lao đến thị trường gạo trong nước, từ nông dân đến doanh nghiệp, ngành nông nghiệp Việt Nam vẫn cần có sự đánh giá tổng thể và chuyên nghiệp về thị trường trong và ngoài nước, dự trữ và lưu thông.

Lan Nhi (thesaigontimes)

Link bài viết gốc: https://www.thesaigontimes.vn/301643/thi-truong-gao-cho-doi-nhung-danh-gia-tong-the-va-chuyen-nghiep.html.

Về Tin tức nông nghiệp

Chuyên tin tức nông nghiệp, chỉ tin tức nông nghiệp. tintucnongnghiep.com là một blog chia sẻ tin tức nông nghiệp Việt Nam và thế giới theo tiêu chí kết nối, chia sẻ và phi lợi nhuận.
«
Trước
Bài đăng Mới hơn
»
Sau
Bài đăng Cũ hơn

Không có nhận xét nào:

Chia sẻ của bạn về bài viết này: