Thị trường cà phê đang biến động mạnh. Giá trên các sàn phái sinh arabica New York và robusta London - nơi các nhà kinh doanh cà phê Việt Nam thường dùng để tham chiếu - xuống mức sâu đáng ngại.
Giá cà phê sàn London giảm mạnh những ngày cuối tuần qua. Nguồn: barchart.com
Vì đâu giá cà phê xuống sâu?
Giá cà phê trên các thị trường phái sinh co giật liên hồi. Ngày 3-3 vừa qua, khi Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) đột ngột giảm lãi suất cơ bản đồng đô la Mỹ 0,5%, giới kinh doanh cà phê nhanh tay mua mạnh. Giá phái sinh sàn robusta đã chạm đỉnh cao 1.332 đô la/tấn sau chục ngày trước đó luôn đóng cửa dưới mức 1.300 đô la/tấn.
Những tưởng động tác hạ lãi suất sẽ giúp cho giá cà phê tăng thêm được đôi chút, thì lập tức mấy ngày sau đó, giá trên 2 sàn rớt xuống mức sâu khiến các nhà kinh doanh không kịp trở tay.
Tin dịch Covid-19 lan rộng tại Hàn Quốc, đặc biệt tại Ý, Đức, Pháp, Tây Ban Nha, những nước tiêu thụ cà phê lớn của thế giới trong đó có Việt Nam, khiến giá cà phê trong 3 ngày cuối tuần trước đã liên tục giảm sâu. Tính trên cơ sở giao dịch tháng 5-2020, giá London chạm 1.215 đô la/tấn, là mức thấp nhất tính từ đầu niên vụ.
Mới đây, Tổ chức Cà phê thế giới (ICO) ước tính xuất khẩu cà phê toàn cầu 4 tháng đầu niên vụ 2020-2021 đạt 39,53 triệu bao, giảm 5,8% so cùng kỳ năm ngoái. ICO cho rằng dù có dịch bệnh Covid-19, mức tiêu thụ cà phê toàn cầu vẫn tăng 0,7% lên chừng 169,34 triệu bao, so với sản lượng là 168,86 triệu bao, tức cung cao hơn cầu. Tuy nhiên thị trường có cái nhìn bi quan hơn ICO khi đưa giá cà phê giảm về mức sâu như đã nói.
Nhà vườn còn lo dài dài?
“Gia đình tôi vừa có rẫy, vừa mua thêm hàng để đầu tư, gom góp được chừng 100 tấn. Chưa kịp mừng khi giá cà phê lên lại 32,5 triệu đồng/tấn, thì nay chỉ còn 31 triệu đồng. Tôi chỉ mới bán được hai phần mười còn 80 chục tấn, hiện đang ngồi lo và chờ dịp”, anh Tuấn, một chủ vựa cà phê tại huyện Ea H’ Leo, tỉnh Đắc Lắc cho biết.
Đúng là mất một cơ hội bán đáng tiếc. “Bây giờ phải làm lại từ đầu, có nghĩa là phải ngồi đợi giá lên trong lo âu hàng ngày,” anh nói.
Dịch bệnh Covid-19 là một phần trước những thay đổi nhanh chóng trên thương trường trở tay không kịp. Anh Tuấn càng tỏ ra bồn chồn hơn khi đọc tin thấy rằng đồng nội tệ Reias Brazil (Brl) tuần qua giảm và xuống mức sâu kỷ lục từng ngày.
Trong cặp tỷ giá đô la Mỹ/Brl, giá trị đồng Brl mới giảm hôm trước 1 đô la ăn 4,6655 Brl thì đến phiên 6-3 lại xuống 4,6711, mức sâu nhất trong lịch sử. Người trồng cà phê Brazil đang dùng lợi thế đồng nội tệ mất giá để bán mạnh, thậm chí bán trước vụ mùa đang còn trên cây.
Dự kiến niên vụ 2020-2021, Brazil có thể đạt 60-67 triệu bao (60 kg/bao), theo ước đoán của từng đơn vị khảo sát vụ mùa. Thị trường cũng ước robusta Brazil năm nay được mùa. Chỉ còn chưa đầy 1 tháng nữa nông dân Brazil sẽ thu hái cà phê robusta, ước chừng 18 triệu bao trở lên, là mức cao kỷ lục của Brazil từ trước đến nay cho chủng loại cà phê này.
Trong khi đó, theo số liệu của Tổng cục Thống kê, 5 tháng đầu niên vụ 2019-2020 tính đến hết tháng 2-2-2020, Việt Nam đã xuất khẩu được chừng 570 ngàn tấn. Nếu như tính luôn cả những hợp đồng đã bán chưa giao trong tháng 3 và 4 năm nay, ước tính khối lượng đã bán chỉ nhỉnh đôi chút so với 50% sản lượng hiện hành.
Tự cứu mình
Hội đồng giám khảo cuộc thi Cà phê Đặc sản 2020. Nguồn ảnh: Hiệp hội Cà phê Buôn Ma Thuột
Trong khi giá cà phê trên sàn phái sinh dật dờ và đầy rủi ro, Hiệp hội Cà phê Buôn Ma Thuột đang tiến hành cuộc thi chọn những mẫu cà phê của các vườn từ Nam chí Bắc. Chủ tịch hiệp hội cho biết năm nay có 56 mẫu cà phê “đặc sản” tham gia cuộc thi để đánh giá độ ngon theo thang điểm quốc tế.
Cuộc thi đã mời nhiều vị giám khảo trong và ngoài nước, là những chuyên gia thử nếm có hạng đến từ nhiều quốc gia như Mexico, Nhật Bản, Hàn Quốc…
Giới chuyên môn cho rằng được gọi là cà phê ngon, đặc sản, qua thử nếm nhiều lần, một mẫu cần đạt điểm thử 80-100 điểm. Nhưng đối với robusta, khó có mẫu cà phê nào của loại này trên thế giới đạt mức 90 điểm.
Theo ông Trần Đức Minh, Chủ tịch hiệp hội, lượng mẫu tham gia năm nay cao hơn lần trước 33%. Nhưng vấn đề ở đây là đã có nhiều doanh nghiệp, nhà vườn quan tâm đến sản xuất cà phê sạch, cà phê ngon. Còn riêng với một số nhà vườn có mẫu tham dự, họ rất bằng lòng không chỉ vì vinh dự nếu như cà phê của họ được bình chọn theo thang điểm yêu cầu.
“Cái quan tâm của chúng tôi là cà phê vườn mình làm sạch, nó xứng đáng được vinh danh và nhất là có giá ổn định”, một nhà vườn tại xã Ea Tân, huyện Krông Năng, tỉnh Đắc Lắc nói.
Nhiều chủ quán tại Hà Nội và TPHCM cho hay họ sẵn sàng mua cà phê robusta sản xuất sạch, chế biến nghiêm túc, đúng yêu cầu kỹ thuật để phục vụ chuỗi quán theo phương châm “từ vườn đến ly” (from farm to cup) với mức giá cao hơn gấp 2 đến 3 lần so với giá cà phê bình thường hay còn gọi là “cà phê thương mại”.
Giá cà phê thương mại thường phải theo giá niêm yết của sàn phái sinh. Giá đóng cửa sàn cà phê robusta London ngày 6-3 chốt mức 1.245 đô la/tấn, kéo giá trong nước từ 32,5 triệu đồng/tấn còn 31 triệu đồng vào những ngày cuối tuần.
Nguyễn Quang Bình (thesaigontimes)
Link bài viết gốc: https://www.thesaigontimes.vn/300873/gia-ca-phe-co-giat-manh-nha-vuon-lo.html.
Không có nhận xét nào: