Dịch viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của virus Corona (Covid-19) bùng phát mạnh ở Trung Quốc đã khiến xuất khẩu rau quả Việt Nam sang thị trường này giảm sâu ngay tháng đầu năm nay.
Tác động của Covid-19 khiến xuất khẩu rau quả Việt Nam sang Trung Quốc giảm sâu ngay tháng đầu năm nay. Ảnh minh họa là các xe hàng xuất khẩu tại cửa khẩu ở Lạng Sơn. Nguồn: moit.gov.vn
Thống kê của Tổng cục hải quan cho thấy, trong tháng 1-2020, xuất khẩu rau quả Việt Nam sang các thị trường đạt trên 280 triệu đô la Mỹ, giảm 20,9% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong đó, riêng thị trường Trung Quốc, đạt trên 173 triệu đô la Mỹ, giảm đến 32,6% so với cùng kỳ năm ngoái.
Việc xuất khẩu sang Trung Quốc- thị trường chiếm đến 61,8% tổng kim ngạch xuất rau quả Việt Nam trong tháng đầu năm nay- giảm mạnh, cho nên, dù kim ngạch bán sang Thái Lan trong khoảng thời gian này tăng mạnh đến 162,2% so với cùng kỳ (đạt gần 15 triệu đô la Mỹ) những vẫn không bù đắp được. Điều này, khiến kim ngạch xuất khẩu rau quả trong tháng đầu năm nay giảm đến 20,9% như nêu ở trên.
Lý do chính dẫn đến kim ngạch xuất khẩu rau quả Việt Nam sang Trung Quốc giảm mạnh được xác định do tác động của Covid-19, buộc phải đóng các cửa khẩu tiếp giáp giữa hai nước như thời gian qua.
Trao đổi với TBKTSG Online, TS. Lương Ngọc Trung Lập, chuyên gia phân tích thị trường nông sản cho rằng, việc giao thương giữa Việt Nam và Trung Quốc bị đình trệ xuất phát từ hạn chế đi lại ở cửa khẩu là điều bất khả kháng. Đây cũng chính là lý do khiến xuất khẩu rau quả Việt Nam sang quốc gia này giảm mạnh.
Ông Lập phân tích, dù cửa khẩu đã mở lại, nhưng do gặp khó khăn liên quan đến nhân sự nên lượng hàng hóa thông quan vẫn còn ít. “Mặt khác, do tình hình dịch bệnh nên người dân ở Trung Quốc hạn chế ra đường cũng khiến việc mua bán bị ảnh hưởng” ông cho biết và dự báo phải mất một thời gian dài thị trường Trung Quốc mới có thể khôi phục trở lại như trước.
Đặc biệt, ông Lập cho biết, việc các lối mòn - nơi giao thương của cư dân hai nước- chưa được mở trở lại, trong khi giao dịch theo đường này cũng chiếm một tỷ lệ không nhỏ nên sẽ còn bị ảnh hưởng khá lớn.
Trong khi đó, do Trung Quốc là thị trường tiêu thụ nông sản chiếm tỷ trọng lớn của Việt Nam nên việc sản xuất để đáp ứng cho thị trường này được người dân chú trọng. Chính vì vậy, khi thị trường Trung Quốc gặp khó, thì việc xoay sang thị trường khác cũng không dễ. “Do sức hút của thị trường Trung Quốc quá lớn nên trong quá trình sản xuất, tiêu chuẩn và hình thức sản phẩm mình luôn chú trọng đáp ứng theo thị trường này”, ông Lập cho biết.
Điển hình của việc này, theo ông Lập, đối với trái thanh long, Trung Quốc yêu cầu phải vuốt “ngoe” (các tai trên trái thanh long - PV) nhằm giữ cho “ngoe” trái phải xanh, dài và trái phải lớn, trong khi những thị trường khác không yêu cầu phải vuốt “ngoe”, trái lớn vừa phải.
“Tuy nhiên, như đã nói do sức hút của thị trường Trung Quốc quá lớn nên quá trình sản xuất là phục vụ theo tiêu chuẩn của họ nên khi thị trường này gặp vấn đề, thì mình cũng khó xuất sang các thị trường khác”, ông dẫn chứng và cho biết dù thanh long Việt Nam đã xuất khẩu được sang Ấn Độ, Hàn Quốc và nhiều thị trường khó tính khác.
Chính vì vậy, ông Lập cho rằng, cần có quy hoạch theo hướng phải thống nhất ở từng vùng dưới sự liên kết với doanh nghiệp để sản xuất cho từng thị trường cụ thể. “Ví dụ, sản lượng này sản xuất cho Trung Quốc, thì làm theo kiểu có vuốt “ngoe”, còn đi thị trường khác không cần vuốt “ngoe”, thì tuân thủ, tức có điều chỉnh riêng biệt cho nhiều thị trường”, ông dẫn chứng.
Vẫn còn tồn nhiều nông sản ở cửa khẩu Lạng SơnCục Xuất nhập khẩu - Bộ Công Thương ngày 25-1 vừa qua đã có Đoàn công tác do Cục trưởng Phan Văn Chinh dẫn đầu làm việc, kiểm tra tình hình xuất nhập khẩu, thông quan hàng hóa qua các cửa khẩu biên giới của tỉnh Lạng Sơn và làm việc với Sở Công Thương của tỉnh về tình hình xuất nhập khẩu hàng hóa trong bối cảnh phòng chống dịch bệnh Covid-19.Đoàn công tác đã kiểm tra, nắm tình hình tại một số cửa khẩu như Hữu Nghị, Tân Thanh, Cốc Nam tỉnh Lạng Sơn và qua báo cáo của Sở Công Thương và các cơ quan chức năng tại các cửa khẩu cho thấy hoạt động xuất nhập khẩu, thông quan hàng hóa tại các cửa khẩu biên giới của tỉnh thời gian qua gặp nhiều khó khăn, ảnh hưởng do tình hình dịch bệnh.Theo báo cáo của Sở Công Thương Lạng Sơn, tổng giá trị xuất nhập khẩu, mua bán, trao đổi hàng hóa qua các cửa khẩu trên địa bàn tỉnh từ ngày 5-2 đến ngày 24-2 đạt 352,5 triệu đô la (5.342 xe); trong đó xuất khẩu đạt 154,2 triệu đô la (2.757 xe), nhập khẩu đạt 198,3 triệu đô la (2.585 xe).Tại cửa khẩu Tân Thanh sau khi chính thức được mở lại các hoạt động xuất nhập khẩu, vận chuyển hàng hóa từ ngày 20-2 tiến độ thông quan từ vẫn còn chậm do chưa khôi phục hình thức trao đổi cư dân biên giới và lực lượng bốc xếp bên phía Trung Quốc còn rất hạn chế, xuất 43 xe trái cây tươi ( chủ yếu là dưa hấu, thanh long, chuối, xoài); nhập 11 xe nông sản (gừng, hành, khoai tây, nấm tươi...); tồn 110 xe (chủ yếu là thanh long, dưa hấu) đang chờ làm thủ tục xuất khẩu. Tại cửa khẩu Cốc Nam không phát sinh các hoạt động, còn tồn đọng khoảng 11 xe (lạc, tạp hóa, da bò, mỹ phẩm, cá basa đông lạnh). Theo moit.gov.vn
Trung Chánh (thesaigontimes)
Link bài viết gốc: https://www.thesaigontimes.vn/300609/covid-19-‘keo’-rau-qua-viet-nam-di-trung-quoc-giam-sau.html.
Không có nhận xét nào: