» » » Cam rụng hàng loạt gây thiệt hại lớn cho người trồng

Cam sành Hà Giang, một trong những sản phẩm nông nghiệp mũi nhọn của tỉnh Hà Giang cũng đang có hiện tượng rụng hàng loạt gây thiệt hại lớn cho những người trồng.

Cam sành cuối vụ ở xã Phù Lưu, huyện Hàm Yên bị rụng đồng loạt. Ảnh: Quang Cường/TTXVN

Đến vườn cam sành của gia đình bà Nguyễn Thị Phượng tại thôn Kim Thượng, xã Tiên Kiều, huyện Bắc Quang (Hà Giang) thấy xót xa chứng kiến công sức, của cải của người nông dân trồng cam đã đến ngày hái quả lại bị vụt mất khỏi tay.

Với diện tích 8,5 ha, sản lượng đạt khoảng 200 tấn, thế nhưng từ đầu năm đến nay gia đình nhà bà Phượng mới chỉ bán được hơn 10 tấn cam sành. Mấy ngày gần đây số cam trong vườn còn lại gần 200 tấn cứ rụng bồm bộp suốt ngày đêm.

Theo bà Phượng, lượng cam rụng đã lên tới 30%, thậm chí 50%. “Giá cam trước tết quá rẻ chúng tôi không có lãi nên cũng muốn giữ lại để sau Tết được giá thì bán, ai ngờ thời tiết bất lợi khiến chúng tôi bị thiệt hại lớn như thế này. Đêm nằm nghe tiếng cam rụng bồm bộp mà không thể ngủ được, nguy cơ mất trắng là rất cao, gia đình sẽ lại phải vay mượn ngân hàng để đầu tư cho vụ mới” - bà Phượng bùi ngùi.

Tương tự, vườn cam của gia đình ông Hoàng Quyết Thắng, thôn Vĩnh Sơn, xã Vĩnh Hảo, huyện Bắc Quang (Hà Giang) có 8 ha cam; trong đó có 4 ha đang cho thu hoạch và sản lượng ước đạt 100 tấn. Từ đầu năm đến nay gia đình ông Thắng mới chỉ bán được gần 20 tấn, còn hơn 80 tấn chưa bán được thì bị hiện tượng rụng quả. “Nhà tôi cam rụng khoảng 40 - 50 tấn, ước tính thiệt hại trên 350 triệu đồng” - ông Thắng cho biết.

Cam sành cuối vụ ở xã Phù Lưu, huyện Hàm Yên bị rụng đồng loạt. Ảnh: Quang Cường/TTXVN

Tính đến ngày 17/2, lượng cam rụng tại hai huyện Bắc Quang và Quang Bình (Hà Giang) khoảng 14.715 tấn, thiệt hại gần 100 tỷ đồng, riêng huyện Bắc Quang rụng khoảng 13.415 tấn. Theo tính toán của những người trồng cam, cứ mỗi kg cam có mức đầu tư từ 4.000 - 6.000 đồng. Tình trạng cam rụng hàng loạt hiện nay khiến nhiều gia đình trồng cam ở Hà Giang có nguy cơ mất trắng.

Ông Giang Đức Hiệp, Phó Chi cục trưởng phụ trách Chi cục trồng trọt và Bảo vệ thực vật (Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Hà Giang) cho biết, hiện tượng cam sành rụng tại hai huyện Bắc Quang và Quang Bình là do suốt từ đầu năm mưa kéo dài, nền nhiệt độ thấp nên khi gặp thời tiết nắng ấm sự chênh lệnh nhiệt độ từ 5-7 độ C dẫn đến cây cam bị sốc nhiệt, sốc nước.

Thời điểm hiện tại là cuối vụ cam, trong điều kiện thời tiết ấm lên cây bắt đầu thời kỳ sinh trưởng phát triển theo chu kỳ mới, chuẩn bị phân hóa hoa để hình thành quả cho giai đoạn tiếp theo khiến cây cam tự điều chỉnh để đáp ứng nhu cầu dinh dưỡng cho chu kỳ mới, giai đoạn tự rút quả, đây là hiện tương sinh lý bình thường của cây.

“Đúng ra vào thời điểm này cuối vụ thì sản lượng thường chỉ còn duy trì khoảng 30% quả trên cây, tuy nhiên qua khảo sát chúng tôi thấy có những vườn sản lượng cam vẫn còn chưa thu hái” - ông Hiệp cho biết thêm.

Niên vụ 2019 - 2020, tỉnh Hà Giang có gần 8.000 ha cam sành; trong đó, có hơn 5.000 ha đang cho thu hoạch với tổng sản lượng ước đạt trên 65.000 tấn.

Huyện Bắc Quang, nơi có diện tích cam lớn nhất tỉnh với hơn 6.000 ha cam sành; trong đó, hơn 4.000 ha đang cho thu hoạch, sản lượng đạt khoảng 45.000 tấn. Một hai năm gần đây cam sành Hà Giang liên tục rơi vào tình trạng được mùa rớt giá, mức giá chỉ vào khoảng từ 5.000 -  8.000 đồng/kg.

Người dân thu hoạch nốt số cam còn lại để bán cho thương lái. Ảnh: Quang Cường/TTXVN

Trước tình trạng cam rụng, UBND tỉnh Hà Giang cũng đã chỉ đạo Sở Công Thương, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Sở Tài chính phối hợp với UBND huyện Bắc Quang và Quang Bình để tìm đầu ra cho cam, đồng thời xác định chính xác mức độ thiệt hại và nhu cầu hỗ trợ, trên cơ sở đó tổng hợp và báo cáo UBND tỉnh trước ngày 25/2/2020.

Theo ông Phạm Quang Lân, Chủ tịch Hiệp hội cam sành tỉnh Hà Giang, để giúp người trồng cam có thị trường ổn định cần có sự vào cuộc của các Sở, ban, ngành tỉnh Hà Giang. Hiện tại sản phẩm cam sành Hà Giang chưa xuất khẩu mà chỉ chủ yếu tiêu thụ thị trường tự do, chính vì thế tình trạng được mùa rớt giá diễn ra thường xuyên.

Thông thường thời điểm vào vụ cam là giáp Tết, nhưng thời điểm này giá cam rất thấp, người trồng cam không có lãi, cũng chính yếu tố này mà một số nhà vườn đã lùi thời điểm thu hoạch cam vào sau Tết để chờ mong giá cam được cao hơn. Nhưng vừa qua, do yếu tố bất lợi về thời tiết dẫn đến cam rụng hàng loạt gây thiệt hại lớn cho những người trồng cam.

Nguyễn Chiến (TTXVN)

Link bài viết gốc: https://baotintuc.vn/thi-truong-tai-chinh/cam-rung-hang-loat-gay-thiet-hai-lon-cho-nguoi-trong-20200218103153431.htm.

Về Tin tức nông nghiệp

Chuyên tin tức nông nghiệp, chỉ tin tức nông nghiệp. tintucnongnghiep.com là một blog chia sẻ tin tức nông nghiệp Việt Nam và thế giới theo tiêu chí kết nối, chia sẻ và phi lợi nhuận.
«
Trước
Bài đăng Mới hơn
»
Sau
Bài đăng Cũ hơn

Không có nhận xét nào:

Chia sẻ của bạn về bài viết này: