Hàn Quốc đã phân bổ cho Việt Nam hạn ngạch nhập khẩu 55.112 tấn gạo vào thị trường nước này ngay trong năm 2020. Như vậy, ngoài việc giữ được thị trường Philippines, Trung Quốc, gạo Việt Nam còn mở rộng thị trường hơn nữa.
Xuất khẩu gạo của Việt Nam phải tìm hướng đi mới, sang các thị trường như Hàn Quốc, châu Mỹ. Ảnh: Trung Chánh
Đấu thầu cạnh trạnh nửa tấn gạo vào Hàn Quốc
Cục xuất nhập khẩu (Bộ Công thương) cho biết, Hàn Quốc sẽ dành riêng cho Việt Nam hạn ngạch nhập khẩu 55.112 tấn vào quốc gia này trong năm nay theo các hợp đồng Chính phủ, bên cạnh việc phân bổ 20 ngàn tấn gạo cho tất cả các quốc gia thành viên WTO. Lượng hạn ngạch phân bổ cho Việt Nam bao gồm các loại gạo mà Việt Nam có thể trồng và xuất khẩu. Hàn Quốc đảm bảo áp dụng cơ chế phân bổ hạn ngạch phù hợp với quy định của WTO và không gây ra tác động hạn chế nhập khẩu.
Việc đấu thầu hạn ngạch theo cơ chế hạn ngạch thuế quan được tiến hành theo thông lệ quốc tế, qua Bộ Nông nghiệp- lương thực và nông thôn Hàn Quốc (MAFRA) là đầu mối tiến hành đấu thầu hàng năm theo hình thức cạnh tranh để nhập khẩu lượng hạn ngạch riêng của Việt Nam cũng như của các nước khác được phân bổ.
Để tận dụng cơ hội gia nhập thị trường Hàn Quốc, tăng kim ngạch xuất khẩu gạo. Cục xuất nhập khẩu đã có văn bản gửi Sở Công Thương các địa phương và Hiệp hội Lương thực để kịp thời thông tin cho các doanh nghiệp xuất khẩu gạo về cơ hội này. Các doanh nghiệp có thể tham khảo thêm thông tin về thị trường và cơ chế hạn nghạch, đấu thầu qua trang: của MAFRA: http://www.mafra.go.kr/english để xây dựng kế hoạch sản xuất, kinh doanh và chủ động theo dõi, tham gia các đợt đấu thầu do MAFRA tổ chức.
Năm 2019, xuất khẩu của Việt Nam tăng cao ở những thị trường có FTA với Việt Nam như ASEAN tăng (2%), Hàn Quốc tăng (8,3%), Ấn Độ tăng (2,1%).
Đồng loạt gỡ vướng ở các thị trường xuất khẩu gạo
Bộ Công Thương cho biết, năm 2019, Việt Nam xuất khẩu được 6,3 triệu tấn gạo, đạt giá trị 2,7 tỉ đô la Mỹ. Nhưng đây không phải là kết quả khả quan do khối lượng xuất khẩu tăng 4,8% nhưng giá trị thu về lại giảm 9,4% so với cùng kỳ năm trước đó. Từng có thời điểm, giá gạo Việt Nam xuất đi thấp hơn các đối thủ cạnh tranh. Lượng gạo xuất sang thị trường lớn nhất là Trung Quốc sụt giảm đến 67%.
Giá trị xuất khẩu đạt được trong bối cảnh các doanh nghiệp và cơ quan quản lý vất vả giữ thị trường xuất khẩu. Đầu năm 2019, thị trường Trung Quốc là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam đã mua giảm số lượng, mua nhỏ giọt, thay vì các hợp đồng lớn như trước. Trong khi các thị trường khác không có tín hiệu khả quan nào. Các nước nhập khẩu nhiều gạo như trước đã thực hiện thuế hóa mặt hàng gạo, thay đổi phương thức nhập bằng cách cho nhiều nguồn cung tham gia các đợt đấu thầu Chính phủ để tạo nguồn cạnh tranh và dần tự chủ.
Trước tình hình đó, Bộ Công Thương đã phải tổ chức bám sát diễn biến thị trường và ứng phó cùng doanh nghiệp xuất khẩu theo hướng linh hoạt nhất. Bộ không quản lý thị trường như trước, không quản lý đầu mối. Các doanh nghiệp có khả năng đáp ứng yêu cầu đều có thể tham gia xuất khẩu.
Hồi tháng 9/2019, gạo Việt Nam đối diện với vụ việc lớn là Bộ Nông nghiệp Philippines khởi xướng điều tra vụ việc mang tính tự vệ với lý do lượng nhập khẩu gạo gia tăng đột biến vào thị trường này, trong đó có gạo đến từ Việt Nam, gây thiệt hại nghiêm trọng cho nông dân Philippines. Ngay trong tháng 9/2019, Bộ Công Thương đã trực tiếp sang làm việc với các cơ quan có liên quan của Philippines như Bộ Nông nghiệp, Bộ Công Thương... để giải thích và nêu rõ quan điểm của Việt Nam về việc không bán phá giá, không trợ cấp... Chỉ sau đó một tháng, Bộ Nông nghiệp Philippines đã thông báo chấm dứt điều tra sơ bộ về việc áp dụng biện pháp tự vệ toàn cầu đối với sản phẩm gạo nhập khẩu vào nước này và các doanh nghiệp Việt được phép xuất khẩu bình thường.
Lan Nhi (thesaigontimes)
Link bài viết gốc: https://www.thesaigontimes.vn/299470/tu-thi-truong-han-quoc-mo-cua-den-co-hoi-cua-gao-viet-nam.html
Không có nhận xét nào: