» » » » Trồng hoa công nghệ cao trên đèo Sa Mù

Quảng Trị từng được biết đến bởi đặc trưng của nắng, gió và sự khắc nghiệt của thời tiết. Nhưng nay, mỗi độ Tết đến xuân về, Quảng Trị lại “vang danh” gần xa bởi những loại hoa cao cấp đắt tiền được trồng tại xứ sở đầy sương mang tên Sa Mù.

Trồng thành công 13.000 cây lan hồ điệp được nhập giống từ Đài Loan với 10 màu khác nhau.

Áp dụng khoa học công nghệ hiện đại, quá trình sản xuất được điều khiển hoàn toàn bằng hệ thống máy tính điện tử, mô hình trồng hoa ôn đới của Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Quảng Trị, trực tiếp do Trung tâm Ứng dụng tiến bộ Khoa học và Công nghệ thực hiện đã mở ra một hướng đi tiềm năng trong phát triển kinh tế.

Khu vực Đèo Sa Mù nằm ở độ cao trung bình từ 1.000 - 1.500m so với nước biển, có khí hậu mờ sương, nhiệt độ trung bình 20 độ C. Khu nghiên cứu thực nghiệm được đặt tại xã Hướng Phùng, huyện Hướng Hóa. Đây là địa điểm lý tưởng hội tụ mọi điều kiện thích hợp để trồng các giống hoa ôn đới có giá trị kinh tế cao.

Để phục vụ Tết Nguyên đán 2020, Trung tâm Ứng dụng tiến bộ Khoa học và Công nghệ đã tiến hành gieo trồng 16.000 củ hoa ly giống Chile và Hà Lan; 10.000 củ hoa tuylip Hà Lan 5 màu; 2.000 chậu hoa đồng tiền; 2.000 chậu hoa hồng môn; 13.000 cây lan hồ điệp được nhập giống từ Đài Loan với 10 màu khác nhau; ngoài ra còn có các loại hoa khác như hoa cát tường, hoa anh đào, dâu tây, cà chua bi quả ngọt...

Tất cả đều là những giống hoa có giá trị kinh tế cao, chỉ trồng được ở xứ lạnh. Hoa trồng trong nhà kính có diện tích 1.000 m², trang bị hệ thống máy móc hiện đại với các cảm biến nhiệt độ, độ ẩm, ánh sáng, phun sương, hơi nước, gió… được điều khiển và theo dõi hoàn toàn tự động bằng máy tính và smartphone.

Ông Đào Ngọc Hoàng - Giám đốc Trung tâm nghiên cứu Ứng dụng tiến bộ Khoa học và Công nghệ tỉnh Quảng Trị chia sẻ, đèo Sa Mù là một nơi rất tiềm năng để trồng và phát triển các loại hoa, quả có tính chất ôn đới xứ lạnh bởi nơi đây hội tụ đủ các yếu tố như nước, đất đai màu mỡ, nằm ở độ cao thích hợp, quanh năm khí hậu ôn hòa…

Lãnh đạo tỉnh Quảng Trị thăm quan Khu nghiên cứu thực nghiệm.

Qua hành khảo nghiệm, nghiên cứu, trung tâm đã trồng một số loại hoa có giá trị cao, mang lại kết quả tốt. Đặc biệt, loài hoa hồ điệp được mệnh danh nữ hoàng hoa “đỏng đảnh”, khó tính nhưng cũng đã được chinh phục và trồng thành công.

Trung tâm phải xây dựng hệ thống nhà kính chắc chắn, áp dụng công nghệ cao hiện đại, vật tư, phân bón, giống đảm bảo chất lượng… Việc trồng, chăm sóc và kiểm soát quá trình sinh trưởng của cây hoa được diễn ra dễ dàng. Ứng dụng công nghệ cao vào trồng hoa đã mang lại hiệu quả thiết thực khi tiết kiệm thời gian, nhân lực, ngày công, quy trình vận hành thuận lợi. Hiện đơn vị cũng chủ động sản xuất được một số giống hoa có giá trị thương phẩm cao thông qua phương pháp nuôi cấy mô…

Nhờ áp dụng quy trình khoa học công nghệ hiện đại và nghiêm ngặt, đến nay, các loại hoa được trồng tại Khu thực nghiệm đều sinh trưởng tốt, đã ra nụ và hoa sẵn sàng chuẩn bị nở đúng vào dịp Tết Nguyên đán 2020.

Ông Trần Ngọc Lân, Giám đốc Sở Khoa học Công nghệ tỉnh Quảng Trị cho biết, triển khai từ năm 2018 và rút kinh nghiệm của lần thực nghiệm trước đó, đơn vị đã tăng cường mua sắm, trang bị, làm chủ được công nghệ khoa học hiện đại. Hoa được điều chỉnh để nở đúng thời gian mong muốn, tăng giá trị kinh tế của các loại hoa, nhất là vào dịp Tết Nguyên đán.

Khi đơn vị chuyển giao công nghệ cho người dân và doanh nghiệp cũng giúp tăng hiệu quả kinh tế thương mại. Ngoài các loại hoa, Trung tâm đã đưa các loại dược liệu quý hiếm, một số loại dược liệu có tại bản địa được đưa vào sách đỏ để bảo tồn và phát triển.

Điển hình như hoa lan kim tuyến, thất diệp nhất chi hoa...; một số loại dược liệu khác để phục tráng, phục hồi lại và nhân rộng nguồn dược liệu phù hợp với khí hậu vùng Bắc Hướng Hóa. Thời gian tới, ngành khoa học công nghệ sẽ tiếp tục trồng thử nghiệm, chuyển giao các loại cây phù hợp ôn đới ứng dụng công nghệ cao tăng hiệu quả kinh tế cho vùng đất này.

Trồng thành công 13.000 cây lan hồ điệp được nhập giống từ Đài Loan với 10 màu khác nhau.

Bên cạnh việc sản xuất ứng dụng công nghệ hiện đại, Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Quảng Trị cũng chú trọng đẩy mạnh quảng bá, liên kết với doanh nghiệp, siêu thị, chuỗi cửa hàng bán lẻ trong và ngoài tỉnh để tìm đầu ra cho sản phẩm; tích cực truyền thông trên các phương tiện thông tin đại chúng cũng như thành lập các trang web như sanvatquangtri.com, fanpage trên mạng xã hội để quảng bá...

Chính vì vậy, hiện toàn bộ số hoa trồng tại trung tâm đã được các cơ sở kinh doanh từ Đà Nẵng, Nghệ An, Đông Hà đặt hàng. Giá bán hoa lan hồ điệp từ 95.000 - 120.000 một cây, hoa ly 190.000 đồng một chậu năm cây…

Ông Nguyễn Đức Chính - Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị nhận xét, sau hơn một năm thử nghiệm, mô hình trồng hoa, quả có giá trị kinh tế cao trên đỉnh Sa Mù đã thành công. Qua giai đoạn này, tỉnh sẽ nhân rộng và chuyển giao khoa học công nghệ cho người dân, doanh nghiệp có nhu cầu đầu tư sản xuất các loại hoa, quả tại Sa Mù với mong muốn biến nơi đây trở thành địa điểm sản xuất nông nghiệp cao cấp ứng dụng công nghệ cao phục vụ nhu cầu thị trường trong nước; xa hơn, có thể xuất khẩu sang các thị trường khó tính ở nước ngoài…

Tin, ảnh: Thanh Thủy (TTXVN)

Link bài viết gốc: https://baotintuc.vn/kinh-te/trong-hoa-cong-nghe-cao-tren-deo-sa-mu-20200104085330718.htm

Về Tin tức nông nghiệp

Chuyên tin tức nông nghiệp, chỉ tin tức nông nghiệp. tintucnongnghiep.com là một blog chia sẻ tin tức nông nghiệp Việt Nam và thế giới theo tiêu chí kết nối, chia sẻ và phi lợi nhuận.
«
Trước
Bài đăng Mới hơn
»
Sau
Bài đăng Cũ hơn

Không có nhận xét nào:

Chia sẻ của bạn về bài viết này: