Những năm trước, người dân xã Kỳ Thượng (huyện Kỳ Anh, Hà Tĩnh) bỏ túi hàng trăm triệu đồng sau mùa quýt. Năm nay, dù đã trong kỳ thu hoạch, nhưng quýt chỉ lác đác ít quả trên cây, khiến người dân thất thu.
Đã vào vụ thu hoạch nhưng đồi trồng quýt của gia đình ông Võ Văn Minh chỉ lác đác ít quả trên cây. Ảnh Phạm Đức
Dẫn chúng tôi tham quan quả đồi trồng quýt rộng 6 ha của gia đình, ông Võ Văn Minh (55 tuổi, ngụ thôn Tân Tiến, xã Kỳ Thượng) cho biết, hàng chục năm nay, nhờ trồng 2 loài quýt đặc sản là quýt sáp và quýt tắt mà người dân địa phương thoát nghèo, vươn lên làm giàu. Quả của 2 loài quýt này hình dáng cũng tương tự quýt được trồng ở các địa phương khác, chỉ khác ở chỗ là vị ngọt thanh hơn. Riêng quả quýt tắt chủ yếu được thương lái thu mua về làm dược liệu và vỏ của loài quýt này khi phơi khô cũng được bán cho các nhà hàng làm gia vị chế biến món ăn.
Gia đình ông Minh, hầu như mùa quýt nào cũng thu hoạch được hàng chục tấn quả, thu về trên dưới 500 triệu đồng. Mùa quýt năm nay, dù đã bước vào kỳ thu hoạch, nhưng 8.000 gốc quýt của gia đình ông chỉ lưa thưa quả, nhiều cây tìm đỏ mắt cũng chẳng thấy quả nào. Suốt 20 năm gắn bó với loài cây này, chưa khi nào gia đình ông mất trắng mùa quýt như năm này. “Năm ngoái quýt được mùa, cây nào cũng sai quả nên gia đình tôi thu hoạch được hơn 30 tấn quả. Thương lái đến tận vườn thu mua với giá từ 20.000 - 25.000 đồng/kg, tôi thu về gần 600 triệu đồng. Năm nay gia đình tôi coi như trắng tay vì quýt mất mùa, thu hoạch cả quả đồi này chắc chỉ được vài chục triệu đồng”, ông Minh lắc đầu ngao ngán.
Không chỉ riêng gia đình ông Minh, hầu hết người trồng quýt ở xã Kỳ Sơn đều chịu tình cảnh tương tự, dù cây quýt vẫn phát triển bình thường. “Gia đình tôi trồng 2.000 gốc quýt trên diện tích hơn 4 ha, cho quả bán từ nhiều năm nay với bình quân 200 triệu đồng/mùa. Năm nay không hiểu vì nguyên nhân gì mà quả đậu rất ít, coi như không có thu hoạch”, bà Nguyễn Thị Cương (74 tuổi, ngụ thôn Phúc Thành 2, xã Kỳ Thượng) thở dài nói.
Do nắng nóng kéo dài
Ông Vũ Trung Tiến, Chủ tịch UBND xã Kỳ Thượng, cho hay toàn xã có khoảng hơn 400 hộ dân trồng quýt trên tổng diện tích gần 70 ha. Đây là cây ăn quả đặc sản rất nổi tiếng, mang lại thu nhập đáng kể cho người dân. Từ cây quýt, nhiều hộ gia đình đã thoát được nghèo, mua được nhiều vật dụng đắt tiền, nhiều gia đình đã đầu tư, làm giàu bền vững từ cây đặc sản này. “Mùa quýt năm 2018, sản lượng thu hoạch quýt của toàn xã đạt khoảng 300 - 400 tấn quả, thu về hàng chục tỉ đồng. Còn năm nay quýt bị mất mùa nặng nên dự kiến sản lượng chỉ đạt khoảng 30 tấn. Nhiều hộ gia đình mất trắng nguồn thu nhập chính trong năm", ông Tiến nói.
Theo ông Lê Văn Trọng, Trưởng phòng NN - PTNT huyện Kỳ Anh, cây quýt được trồng ở xã Kỳ Thượng cho năng suất theo chu kỳ, nếu năm trước được mùa thì năm sau chắc chắn sẽ mất mùa. Tuy nhiên, dù có mất mùa thì sản lượng vẫn đạt 40 - 50% so với mùa quýt năm trước. Còn năm nay, quýt bị mất mùa rất nặng, sản lượng ước tính sụt giảm khoảng 80 - 90% so với năm ngoái khiến nhiều hộ trắng tay. Nguyên nhân là do thời tiết nắng nóng kéo dài ở giai đoạn giữa năm khiến quá trình sinh trưởng, phát triển của cây bị ảnh hưởng.
Phạm Đức (Báo Thanh Niên)
Link bài viết gốc: https://thanhnien.vn/tai-chinh-kinh-doanh/nong-dan-ha-tinh-mat-mua-quyt-dac-san-1169468.html
Không có nhận xét nào: