Các loại giống lúa giả, giống nhái các thương hiệu nổi tiếng không chỉ xâm phạm thành quả sáng tạo của các nhà khoa học, gây thiệt hại cho nông dân trồng lúa mà còn làm ảnh hưởng tiêu cực đến nền sản xuất lúa gạo xuất khẩu của Việt Nam.
GS VÕ TÒNG XUÂN, chuyên gia hàng đầu về nông nghiệp Việt Nam, đã khẳng định như vậy về tình trạng "loạn" giống lúa dỏm tại Đồng bằng sông Cửu Long hiện nay.
Ông Xuân nói: "Việc gạo ST25 đoạt giải gạo ngon nhất thế giới có thể được xem là cơ hội vàng cho thương hiệu gạo Việt Nam vươn ra thế giới. Tuy nhiên, cơ quan chức năng các địa phương cần mạnh tay hơn trong việc xử lý tình trạng vi phạm bản quyền các giống gạo ngon của Việt Nam".
Việc sản xuất và kinh doanh giống lúa dỏm, nhái thương hiệu các giống lúa nổi tiếng, trong đó có giống ST25, sẽ gây những hậu quả gì với ngành lúa gạo Việt Nam, thưa ông?
- Có thể nhóm tác giả Hồ Quang Cua sẽ không than phiền về chuyện không được nhận tiền bản quyền giống lúa ST25, mà điều phiền lòng nhất với nhóm tác giả là chuyện các doanh nghiệp bán lúa "dỏm" lại dán nhãn ST25.
Hậu quả là nếu những ai gieo trồng các giống lúa nhái hoặc giả ST25 này sẽ sớm nhận ra hạt gạo không ngon, không thơm như quảng cáo... nên sẽ không tin và không mua giống lúa này để gieo trồng nữa. Nếu sản phẩm gạo này được các doanh nghiệp xuất khẩu, danh tiếng giống lúa ST25 sẽ bị ảnh hưởng nghiêm trọng.
GS Võ Tòng Xuân
Sau khi gạo ST25 được chọn là gạo ngon nhất thế giới, Việt Nam cần làm gì để tận dụng cơ hội này nhằm xây dựng thương hiệu gạo cho Việt Nam?
- Để gạo ST25 ngon nhất thế giới đứng vững ở thị trường trong nước và thế giới, Bộ NN&PTNT hoặc Bộ Công thương phải vào cuộc, hành động tương tự như Bộ Thương mại Thái Lan đã thực hiện đối với gạo Jasmine Hom Mali mới mong giữ vững vị trí gạo ST25 ngon nhất trên trường quốc tế.
Theo đó, Bộ NN&PTNT cần sớm công nhận giống ST25 và cả ST24 là gạo ngon Việt Nam, nhằm có biện pháp bảo vệ danh tiếng "gạo Việt Nam" ở các giao dịch trong và ngoài nước. Ngoài ra, cần tổ chức kiểm định chất lượng giống, cấp chứng chỉ sản xuất gạo Việt Nam cho các doanh nghiệp muốn kinh doanh giống này.
Đặc biệt, cần đầu tư xây dựng ngay cơ sở nghiên cứu tại Sóc Trăng làm nhiệm vụ giữ giống của nhà lai tạo, để liên tục có giống làm ra cho các trại sản xuất giống xác nhận đặt tại các địa phương.
Phải có một trung tâm tiêu chuẩn chất lượng giống Việt Nam, do bộ quản lý cấp chứng nhận lúa ST25 và gạo ST25. Đặc tính lý, hóa, sinh của giống căn cứ trên tiêu chuẩn giống lúa Việt Nam cần được xác định rõ và phổ biến rộng rãi.
Trồng giống lúa ST tại cơ sở của kỹ sư Hồ Quang Cua ở huyện Mỹ Xuyên, Sóc Trăng...
Việt Nam cần làm gì để thoát khỏi cảnh "quốc gia bán gạo ngon giá rẻ" như lâu nay, thưa ông?
- Việt Nam cần học cách mà Thái Lan xây dựng thương hiệu gạo Jasmine. Việt Nam đã có loại gạo ST25 ngon nhất thế giới rồi, các doanh nghiệp phân phối trong nước và xuất khẩu gạo ST25 muốn sử dụng giống gạo Việt Nam này phải mua giống xác nhận từ công ty giống của địa phương, rồi đăng ký với trung tâm tiêu chuẩn giống Việt Nam trước khi giao giống cho nông dân vùng nguyên liệu của công ty sản xuất.
Sản phẩm gạo của công ty sẽ mang nhãn hiệu riêng, dưới nhãn hiệu đó có ghi giống ST25 và trên bao cũng có in nhãn xác nhận chất lượng của trung tâm tiêu chuẩn giống Việt Nam. Với sự quản lý chặt chẽ như thế, gạo Jasmine của Thái Lan luôn luôn được khách hàng tin tưởng.
Chúng ta cần chung sức chung lòng duy trì chất lượng của giống gạo ngon này, đặc biệt là giữ độ thuần giống, tác giả và các đặc tính ngon, thơm ổn định để không bị mất tiếng gạo Việt Nam.
Trên thị trường nội địa rất ít thương hiệu của doanh nghiệp Việt Nam, mà chủ yếu là gạo ngoại. Phải chăng các doanh nghiệp Việt Nam đang bỏ rơi thị trường nội địa để chạy theo xuất khẩu, thưa ông?
- Đúng là trước đây có tình trạng doanh nghiệp chạy theo chỉ tiêu quota xuất khẩu gạo, chưa quan tâm thị trường nội địa. Nhưng vài năm gần đây, tôi thấy đã có nhiều doanh nghiệp quan tâm thị trường trong nước rồi. Một số doanh nghiệp đang sản xuất gạo ngon từ lúa Việt Nam như Công ty Saigon COOP, ADC, Cỏ May, Trung An, Thành Tín...
Mỗi doanh nghiệp có thương hiệu riêng, bán gạo trong nước và xuất khẩu. Thậm chí, một số doanh nghiệp kinh doanh gạo đang sử dụng giống lúa Việt Nam như Jasmine, IR50404, OM4900... cũng như một số giống OM (Nàng Hoa 9, Đài Thơm 8...). Một số doanh nghiệp còn nhập cả lúa từ Thái Lan và Campuchia về chế biến và đóng gói Việt Nam.
...lúa từ giống ST được xay xát thành gạo bán ra thị trường - Ảnh: C.Q.
Bảo vệ và phát triển gạo ngon nhất thế giớiSáng nay (20-12), tại Trung tâm Văn hóa hội nghị tỉnh Sóc Trăng sẽ diễn ra tọa đàm "Bảo vệ và phát triển gạo ngon nhất thế giới" do báo Tuổi Trẻ phối hợp cùng UBND tỉnh Sóc Trăng tổ chức, với sự tham gia của lãnh đạo Cục Trồng trọt (Bộ NN&PTNT), Cục Quản lý thị trường (Bộ Công thương) và Trung tâm Bảo vệ thực vật phía Nam (Cục Bảo vệ thực vật); lãnh đạo địa phương các tỉnh thành Sóc Trăng, Cần Thơ, Trà Vinh, Kiên Giang, Bạc Liêu... cùng các chuyên gia hàng đầu về lĩnh vực nông nghiệp.Tại buổi tọa đàm, các chuyên gia và nhà quản lý sẽ tập trung thảo luận các giải pháp nhằm bảo vệ các giống gạo ngon, đặc biệt là gạo ST25 của kỹ sư Hồ Quang Cua (vừa đoạt giải gạo ngon nhất thế giới tại cuộc thi World's Best Rice do The Rice Trader tổ chức) cũng như quyền lợi của doanh nghiệp và nông dân.Cũng tại buổi tọa đàm, đại diện của Công ty CP Trương Việt, Công ty CP Đạm Phú Mỹ và Tập đoàn Lộc Trời sẽ chia sẻ kinh nghiệm, những thuận lợi và khó khăn trong việc hỗ trợ bà con trồng và sản xuất lúa gạo. Phạm Kim
Ông Trương Thế Quốc (tổng giám đốc Công ty cổ phần Trương Việt, TP.HCM): Liên kết để hình thành chuỗi sản xuất gạo giá trị caoViệc gạo ST25 đoạt giải gạo ngon nhất thế giới là cơ hội rất tốt cho chúng ta xây dựng hình ảnh, thương hiệu gạo của Việt Nam trên thị trường nội địa và quốc tế. Nhưng để tận dụng cơ hội này, chỉ có khâu sản xuất là chưa đủ, mà phải có sự phối hợp giữa các doanh nghiệp trong cả chuỗi lúa gạo và quản lý của Nhà nước.Thực tế ngay sau khi tin gạo ST25 đoạt giải nhất thế giới, trên thị trường đã có rất nhiều nơi bán gạo ST25 dỏm. Đây là một điều rất nguy hiểm cho giống lúa ST mà các tác giả đã tốn rất nhiều thời gian và công sức để nghiên cứu lai tạo. Rất cần sớm có những chính sách chặt chẽ hơn để bảo vệ những nhà khoa học và cơ sở nghiên cứu chọn tạo giống.Tôi hi vọng từ thành công của ST25 sẽ hình thành nên các chuỗi lúa gạo chất lượng cao có sự tham gia chặt chẽ của các nhà khoa học, nhà cung ứng vật tư nông nghiệp (phân bón, thuốc bảo vệ thực vật chất lượng), nhà xay xát và xuất khẩu để tạo ra những vùng nguyên liệu lúa ST đủ lớn, cho ra những sản phẩm gạo ST đạt chuẩn chất lượng quốc tế. Trần Mạnh
Giống lúa ST “chính hiệu” tại cơ sở của kỹ sư Hồ Quang Cua đang bị làm giả tràn lan - Ảnh: C.Quốc
Ông Phạm Minh Thiện (tổng giám đốc Công ty TNHH Cỏ May): Ưu tiên sử dụng giống xác nhậnViệc sử dụng giống xác nhận, ưu tiên gieo trồng các giống lúa chất lượng cao là hướng đi bền vững, tất yếu trong nền nông nghiệp hiện đại. Vài năm gần đây, công ty chúng tôi chỉ sử dụng các giống lúa chất lượng cao.Trong đó, các loại giống được sử dụng chủ yếu là loại lúa cho phẩm chất gạo ngon của Campuchia, Thái Lan và giống ST của kỹ sư Hồ Quang Cua. Việc sử dụng giống chất lượng cao, gắn liền với chuỗi liên kết và quy hoạch vùng trồng sẽ góp phần định hình thương hiệu gạo Việt.Ông Nguyễn Phước Thiện (phó giám đốc phụ trách Sở NN&PTNT tỉnh Đồng Tháp): Sẽ xây dựng vùng nguyên liệu theo đơn đặt hàngNông dân vẫn sử dụng các giống lúa chất lượng thấp một phần do khâu định hướng ban đầu không tốt, một phần do tư duy sản xuất truyền thống của nông dân làm sao để có thể kiếm lợi nhuận nhiều nhất.Muốn đẩy mạnh việc sử dụng những giống lúa chất lượng cao đòi hỏi phải có doanh nghiệp tiêu thụ, tính rủi ro rất cao. Trong thời gian tới, Đồng Tháp sẽ đẩy mạnh tuyên truyền, tìm kiếm các doanh nghiệp tham gia đầu tư xây dựng những vùng nguyên liệu theo đơn đặt hàng. Thành Nhơn - Bửu Đấu
Bài viết liên quan:
Hoàng Trí Dũng/ Báo Tuổi Trẻ (thực hiện)
Link bài viết gốc: https://tuoitre.vn/loan-giong-lua-dom-ky-3-phai-bao-ve-danh-tieng-gao-viet-nam-20191220081142018.htm
Không có nhận xét nào: