» » 'Gỡ rối' việc cấp mã số vùng nuôi thủy sản

Một số sản phẩm thủy sản sống như tôm sú, tôm thẻ, cá tra... hiện nay phải được cấp mã số vùng nuôi, kiểm soát một số dịch bệnh nguy hiểm mới có thể xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc. Tuy nhiên, việc triển khai công tác này còn rất nhiều khó khăn, vướng mắc.

Trao đổi với NNVN, ông Nhữ Văn Cẩn, Vụ trưởng Vụ Nuôi trồng thủy sản (Tổng cục Thủy sản) cho biết: Với quy định của Luật Thủy sản 2017, chúng ta đã có hành lang pháp lý nhằm tăng cường hơn một bước đối với điều kiện sản xuất cũng như điều kiện về an toàn thực phẩm trong hoạt động nuôi trồng, chế biến thủy sản nhằm đáp ứng nhu cầu tiêu dùng cũng như xuất khẩu.

Ông Nhữ Văn Cẩn (trái), Vụ trưởng Vụ Nuôi trồng thủy sản (Tổng cục Thủy sản)  trong buổi tọa đàm "Giải bài toán xuất khẩu thủy sản chính ngạch sang Trung Quốc" do Báo NNVN tổ chức.

Với nhóm đối tượng nuôi chủ lực như tôm sú, tôm thẻ chân trắng, cá tra, Luật Thủy sản đã có yêu cầu chủ cơ sở phải đăng ký và cấp mã số cơ sở nuôi. Đây là yêu cầu cấp thiết nhằm đáp ứng yêu cầu về quản lí nhà nước cũng như đáp ứng các yêu cầu về truy xuất nguồn gốc trong quá trình xuất khẩu, đáp ứng các yêu cầu của thị trường theo thông lệ quốc tế.

Thời gian qua, Tổng cục Thủy sản đã tổ chức rất nhiều chương trình tập huấn, phổ biến quy định này tới các địa phương và cơ sở sản xuất. Ngoài chương trình tập huấn thí điểm tại tỉnh Quảng Ninh, Tổng cục Thủy sản sẽ tiếp tục triển khai chương trình tập huấn tại các tỉnh phía Nam (tại tỉnh Bến Tre) nhằm hướng dẫn cụ thể việc cấp mã số vùng nuôi, cơ sở nuôi với số lượng rất lớn ở các tỉnh phía Nam.

Theo ông Cẩn, cấp mã số vùng nuôi là vấn đề mà cơ quan quản lí về thủy sản đã đặt ra từ lâu, và thực tế chúng ta đã làm rất tốt đối với cá tra. Đối với tôm, chúng ta có số lượng cơ sở nuôi rất lớn, trong đó có nhiều cơ sở nuôi nhỏ lẻ. Vì vậy, để triển khai quy định mới, đòi hỏi sự thay đổi về nhận thức cũng như sự vào cuộc của các địa phương.

Nhiều cơ sở nuôi thủy sản, nhất là nuôi tôm hiện còn vướng nhiều thủ tục trong đăng ký mã số vùng nuôi, mã số cơ sở nuôi, nhất là tính pháp lý về đất đai.

Khó khăn nhất khi triển khai công tác này, theo ông Cẩn, trước hết vẫn phải thay đổi được nhận thức của người dân, để họ hiểu sản xuất hàng hóa thì phải đáp ứng được các yêu cầu của thị trường. Trong đó, truy xuất nguồn gốc là một trong những yêu cầu bắt buộc, trước mắt là thị trường Trung Quốc cũng như thị trường khác như Hoa Kỳ.

Thứ nữa là cần phải có sự vào cuộc của địa phương nhằm đáp ứng được các điều kiện, thủ tục trong việc triển khai cấp mã số vùng nuôi, cơ sở nuôi như là hồ sơ, tính pháp lý về điều kiện đất, mặt nước..., đáp ứng các điều kiện về quản lí như điều kiện sản xuất, sơ chế, điều kiện vệ sinh an toàn thực phẩm.

Ông Nguyễn Văn Công, Phó giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Quảng Ninh, cho biết: Toàn tỉnh hiện nay diện tích nuôi tôm ước đạt 11.000 ha; trong đó nuôi tôm chân trắng (thâm canh, bán thâm canh đạt 4.500 ha, tổng sản lượng gần 14.000 tấn).

Riêng tại TP Móng Cái, tính đến 10/2019 có tổng diện tích nuôi trồng thủy sản khoảng 2.500 ha. Tuy nhiên vướng mắc lớn nhất về hồ sơ đăng ký mã số cơ sở vùng nuôi mà hơn 60% các hộ dân tại TP Móng Cái đang gặp phải là không có chứng nhận về quyền sử dụng đất, số còn lại thì không có hợp đồng thuê đất dài hạn...

Với những khó khăn này, hiện toàn tỉnh mới chỉ cấp được mã số cho 36 cơ sở nuôi. Thời gian tới, Quảng Ninh sẽ tiếp tục quyết liệt triển khai tập huấn, tuyên truyền để người dân và các cơ sở sản xuất nhận thức được tầm quan trọng của việc cấp mã số vùng nuôi, gắn với việc truy xuất và điều kiện an toàn thực phẩm.

Lê Bền (Báo Nông nghiệp Việt Nam)

Link bài viết gốc: https://nongnghiep.vn/go-roi-viec-cap-ma-so-vung-nuoi-thuy-san-post255254.html

Về Tin tức nông nghiệp

Chuyên tin tức nông nghiệp, chỉ tin tức nông nghiệp. tintucnongnghiep.com là một blog chia sẻ tin tức nông nghiệp Việt Nam và thế giới theo tiêu chí kết nối, chia sẻ và phi lợi nhuận.
«
Trước
Bài đăng Mới hơn
»
Sau
Bài đăng Cũ hơn

Không có nhận xét nào:

Chia sẻ của bạn về bài viết này: