Vĩnh Long là thủ phủ khoai lang lớn nhất ở ĐBSCL, diện tích dao động khoảng 13.000ha. Thời điểm này bà con trồng khoai lang vui mừng, vì củ khoai được xuất khẩu chính ngạch sang Trung Quốc.
Vùng chuyên canh khoai lang của tỉnh Vĩnh Long có diện tích dao động khoảng 13.000 ha, tập trung tại các xã Thành Đông, Thành Trung, Nguyễn Văn Thảnh trên địa bàn huyện Bình Tân cho sản lượng khoảng 300.000 tấn khoai/năm.
Khoai lang trồng 4-5 tháng cho thu hoạch. Năng suất bình quân khoảng 3-4 tấn/công. Bà con nông dân nơi đây thường sản xuất luân canh hai vụ màu, một vụ lúa.
Hiện nay, nông dân Vĩnh Long chủ yếu trồng khoai lang tím Nhật để xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc. Chỉ còn một số ít sản xuất các loại khoai lang đỏ, khoai sữa phục vụ nhu cầu trong nước.
Việc khoai lang chưa được xuất khẩu bằng đường chính ngạch làm giá khoai giảm sâu trong nhiều tháng qua, khiến sản xuất hầu như không có lãi. Hiện giá khoai lang từ 480.000 - 510.000 đồng/tạ (tạ 60kg - PV) tăng khoảng 200.000 - 220.000 đồng/kg so với cùng kỳ năm rồi.
Giá này, nếu nông dân sản xuất trên đất nhà sẽ lãi từ 5 - 7 triệu đồng/công.
Riêng khoai lang được chứng nhận VietGAP, GlobalGAP giá cao hơn, dao động từ 550.000 - 560.000 đồng/tạ. Chẳng những lãi khá hơn mà các thương lái cũng tự tìm đến tận ruộng để mua hàng.
Vì vậy, nông dân trồng khoai Bình Tân càng phấn khởi phối hợp với ngành nông nghiệp tỉnh làm VietGAP, từ đó hướng đến xuất khẩu càng thuận lợi hơn.
Theo ước tính, mỗi ngày có 100-200 tấn khoai lang được thương lái mua để xuất khẩu sang nhiều thị trường, trong đó xuất sang Trung Quốc chiếm 70-80%.
Hiện tại vùng khoai lang Bình Tân tiêu thụ mạnh nhất vẫn là khoai lang tím Nhật. Đặc biệt có một số người Trung Quốc còn đến tận ruộng khoai đặt hàng nông dân.
Nhờ áp dụng các biện pháp kỹ thuật trong khâu chọn giống, chăm sóc, phòng trừ sâu bệnh nên năng suất khoai lang Bình Tân cũng như giá bán cao hơn các năm trước.
Ông Đào Minh Trọn, ở ấp Tân Mỹ, xã Tân Thành, huyện Bình Tân (Vĩnh Long) có hơn 40 năm trồng khoai lang cho biết: gia đình vừa thu hoạch vụ khoai lang tím Nhật 1,2ha xong là có thương lái đến tận ruộng thu mua nên rất khỏe. Sau khi tính toán, trừ hết chi phí, vụ này lãi gần 100 triệu đồng.
Theo lão nông trồng khoai lang ở huyện Bình Tân cho biết, vùng đất này thuận lợi cho việc sản xuất khoai. Do giống khoai tím Nhật cho năng suất cao, phù hợp xuất khẩu nên bà con nông dân chuyển sang trồng giống khoai này, chiếm 70-80% diện tích trong huyện.
Theo ông Trọn, vụ khoai tới này ông xin đăng ký với ngành nông nghiệp địa phương trồng khoai theo hướng VietGAP và có mã số vùng trồng để đủ điều kiện xuất khẩu sang trị trường Trung Quốc, giúp gia đình tăng thêm thu nhập.
Anh Hồ Nhã Tuấn, cán bộ nông nghiệp xã Tân Thành cho biết, hiện toàn xã có 1.400ha đất sản xuất khoai lang, theo hình thức 2 vụ khoai 1 vụ lúa.
Từ khi khoai lang được chính thức xuất khẩu chính ngạch sang Trung Quốc, giá khoai lang trong nước có chiều hướng tốt hơn. Từ đó địa phương đang kết hợp với ngành nông nghiệp tỉnh đăng ký trồng thử 30ha khoai lang tím Nhật theo hướng VietGAP và đăng ký mã số vùng trồng.
Bên cạnh đó, địa phương còn hướng đến làm gia tăng giá trị củ khoai như: bột khoai, rượu khoai, khoai lang sấy khô…tất cả đều phải đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm trước khi đưa ra thị trường.
Theo anh Tuấn, hiện tại xã Tân Thành có 2 hợp tác xã khoai lang giúp thu mua và tiêu thụ hàng ngàn tấn/vụ.
Ông Ngô Văn Hải, Phó Giám đốc hợp tác xã khoai lang Bình Tân (Vĩnh Long) cho biết: hiện tại hợp tác xã có 10 xã viên trồng 60ha khoai lang theo hướng an toàn nhằm đảm bảo vùng nguyên liệu.
Ngoài ra, hợp tác xã khoai lang Bình Tân còn đứng ra bao tiêu khoai lang của bà con trong huyện để đủ sản lượng cung ứng cho thị trường trong nước cũng như xuất khẩu khoảng 7-10 ngàn tấn/vụ.
Theo ông Hải, thời gian gần đây thị trường Trung Quốc nhập hàng khoai lang của trong nước khá mạnh, giá tăng cao hơn trước. Nhưng thị trường này khắt khe hơn trước là đòi hỏi đảm bảo về mặt an toàn thực phẩm.
Từ đó, hợp tác xã cũng xây dựng vùng trồng khoai theo hướng VietGAP và có mã số vùng trồng tạo vùng nguyên liệu lớn, khi có đơn hàng là có thể xuất khẩu sang Trung Quốc kịp thời.
Ông Nguyễn Văn Liêm, Phó Giám Đốc Sở NN-PTNT Vĩnh Long cho biết: Cây khoai lang là một trong những cây trồng chủ lực của tỉnh Vĩnh Long. Để cây khoai lang phát triển bền vững, đem lại thu nhập khá cho người trồng là điều mà lãnh đạo tỉnh Vĩnh Long, cũng như ngành nông nghiệp hết sức quan tâm. Đánh giá lại nhu cầu khoai lang của Trung Quốc là điều hết sức cần thiết ngay lúc này.
Trung Quốc đã có những bước thay đổi lớn. Trong đó, xu hướng nông sản nhập khẩu vào thị trường hai bên phải đảm chất lượng và an toàn. Vừa qua hợp tác song phương giữa Bộ NN-PTNT Việt Nam và Trung Quốc đưa ra các tiêu chuẩn quốc tế, xuất khẩu chính ngạch, nông sản đảm bảo chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm, có truy xuất nguồn gốc đã mở ra cơ hội cũng như thách thức lớn.
Ngành nông nghiệp Vĩnh Long đang tập trung xây dựng vùng nguyên liệu sạch theo tiêu chuẩn VietGAP. Khâu quan trọng là hướng nông dân vào hợp tác xã để sản xuất theo cùng quy trình tạo ra sản phẩm đồng nhất. Điển hình như cánh đồng mẫu lớn khoai lang là mô hình kiểu mẫu để phục vụ nhu cầu xuất khẩu.
Nhãn hiệu tập thể “Khoai lang Bình Tân – Bình Tân Sweet Potatoes” đã được Cục sở hữu trí tuệ cấp chứng nhận. Đưa khoai lang đi chính ngạch vào Trung Quốc đang được Vĩnh Long chuẩn bị ráo riết cho sân chơi mới này.
Lê Hoàng Vũ (Báo Nông nghiệp Việt Nam)
Không có nhận xét nào: