» » » » Thái Lan nỗ lực tìm cách phát triển ngành mía đường

TSBC sẽ sử dụng các hệ thống công nghệ sinh học và sinh học phân tử nhằm giảm chu trình tạo giống mía xuống còn 6-8 năm, nhanh hơn so với thời gian hiện nay là từ 12 năm trở lên.

Bộ trưởng Công nghiệp Thái Lan Suriya Juangroongruangki. (Ảnh: The Nation)

Bộ trưởng Công nghiệp Thái Lan Suriya Juangroongruangkit đang có kế hoạch biến đổi Trung tâm Mía giống Thái Lan (TSBC) thành một trung tâm của khu vực Đông Nam Á bằng những công nghệ hiện đại và phát minh sáng tạo tầm cỡ thế giới.

Theo ông Suriya, Chính phủ Thái Lan đang rất lo ngại về sự phát triển chậm chạp của ngành mía đường, do người trồng mía không thể tiếp cận và sử dụng công nghệ hiện đại để giảm chi phí sản xuất. Trong khi đó, tình trạng thiếu giống mía thuần chủng đã tác động bất lợi đối với sản xuất, do đó càng làm giảm thu nhập của nông dân.

Truyền thông sở tại ngày 12/11 dẫn lời ông Suriya cho biết, TSBC sẽ sử dụng các hệ thống công nghệ sinh học và sinh học phân tử nhằm giảm chu trình tạo giống mía xuống còn 6-8 năm, nhanh hơn so với thời gian hiện nay là từ 12 năm trở lên. Ngoài ra, TSBC sẽ phát triển nhiều chương trình và ứng dụng giúp hỗ trợ mạng lưới gây giống, cùng với đó là một hệ thống để thu thập và lưu trữ thông tin giống mía.

Theo ông Suriya, TSBC có đủ công nghệ để phát triển các giống mới phù hợp với mỗi địa phương, điều này sẽ mang lại các sản phẩm chất lượng cao cho người trồng mía trên toàn quốc.

Bộ Công nghiệp đã chỉ định Văn phòng Ủy ban Mía Đường Thái Lan (OCSB) thúc đẩy nông nghiệp hiện đại bằng cách cung cấp tri thức và công nghệ không đắt tiền cho nông dân. Điều này sẽ giúp tăng thu nhập của nông dân cũng như khả năng của ngành mía đường để cạnh tranh ở cả các thị trường ASEAN và toàn cầu.

Thái Lan là nước sản xuất đường lớn thứ 4 thế giới và nước xuất khẩu đường lớn thứ hai toàn cầu. Quốc gia Đông Nam Á này có 57 nhà máy đường và 1,84 triệu hecta trồng mía với hơn 384.000 nông dân.

Sản lượng mía của Thái Lan trong vụ mùa tới (thường bắt đầu từ cuối tháng 11 và kết thúc vào đầu tháng 5 năm sau) được dự báo là 119 triệu tấn, giảm so với mức 131 triệu tấn mùa vụ trước.

Sản lượng mía giảm sẽ kéo theo viêc giảm lượng đường xuất khẩu vào năm 2020.

Hiện nay, OCSB đang khuyến khích nông dân trồng mía áp dụng công nghệ mới nhằm tăng sản lượng mía do Thái Lan gặp khó khăn trong việc mở rộng các khu vực trồng mía.

OCSB mong đợi sản lượng đường của Thái Lan trong năm 2019 ở mức 14,6 triệu tấn, trong đó 12 triệu tấn sẽ được xuất khẩu và 2,6 triệu tấn tiêu thụ ở trong nước./.

Ngọc Quang (TTXVN/Vietnam+)

Về Tin tức nông nghiệp

Chuyên tin tức nông nghiệp, chỉ tin tức nông nghiệp. tintucnongnghiep.com là một blog chia sẻ tin tức nông nghiệp Việt Nam và thế giới theo tiêu chí kết nối, chia sẻ và phi lợi nhuận.
«
Trước
Bài đăng Mới hơn
»
Sau
Bài đăng Cũ hơn

Không có nhận xét nào:

Chia sẻ của bạn về bài viết này: