Thời điểm này, về xã Ngọc Lũ (Bình Lục - Hà Nam), nơi được mệnh danh là thủ phủ nuôi lợn miền Bắc, sẽ thấy cảnh yên tĩnh bất thường...
Xã Ngọc Lũ (Bình Lục, Hà Nam) nổi tiếng là một trong những địa phương nuôi nhiều lợn nhất miền Bắc với hơn 45.000 con và hàng trăm trại quy mô lớn. Những ngày này, không gian im ắng, trong lành như bao làng quê khác lại đang là điều không bình thường đối với người dân nơi đây. “Trước đây, người lạ chưa cần đi tới đầu làng có thể thấy ngay điểm đặc trưng là mùi lợn, tiếng lợn kêu. Nhưng giờ thì khác rồi, lợn chết hết, chả còn bao nhiêu, nhà nào còn nhiều cũng chỉ được vài chục con”, một người cho biết.
Mất trắng vì dịch tả lợn châu Phi
Vừa tranh thủ chặt vài cành cây hồng xiêm mọc trồi ra đường đi, bà Lê Thị T. vừa tâm sự: “Giờ ở cái làng này chả ai buồn nói chuyện lợn, chán lắm chú ạ. Mất hết rồi còn đâu! Nhà tôi bị thiệt hại nặng nề, bán tống bán tháo cả chuồng với giá rẻ bởi dịch tả lợn châu Phi khiến người mua e sợ, "tẩy chay" thịt lợn. Vốn liếng bao nhiêu năm làm lụng cũng theo lợn mà bay hết cả. Từ đó đến nay chuồng trại bỏ không vì không còn tiền mà nuôi tiếp”.
Người dân Ngọc Lũ không còn mặn mà với nuôi lợn.
Dự định sắp tới của gia đình bà T. là sẽ phá chuồng để trồng cây ăn quả với hy vọng sẽ dễ sống hơn chăn nuôi. Nhưng giờ phá chuồng cũng phải mất thêm vài chục triệu đồng tiền thuê máy móc bà T. cũng chưa biết xoay sở ra sao.
Khi được PV hỏi, giá thịt lợn đang tăng cao do khan hiếm, tại sao không tranh thủ nuôi tái đàn, bà T. cho biết, giá tăng chỉ mang tính thời điểm, trong khi dịch bệnh không biết lúc nào hết. Bây giờ quay lại nuôi, lại dính dịch bệnh thì còn thiệt hại nặng hơn.
Là một trong những gia đình có tiếng nuôi lợn "mát tay" tại Ngọc Lũ, vợ chồng bà Liên hai tháng nay mỗi ngày ngoài việc đưa đón các cháu đi học thì không còn việc gì khác để làm do đàn lợn gần 1.000 con nhà bà đợt vừa rồi dính dịch tả lợn châu Phi chết sạch.
Nhiều trại nuôi ở Ngọc Lũ lao đao vì dịch tả lợn châu Phi.
“Gia đình tôi thuộc một trong những hộ đầu tiên phát dịch, đa phần lợn đều được mang ra đồng để tập trung tiêu hủy. Mất cũng nhiều, giờ có muốn tái đàn cũng chưa dám do vẫn sợ dịch. Các hộ quanh đây cũng vậy, nhiều người treo chuồng chứ chưa tái đàn. Nếu giờ vào đàn mới cũng phải bỏ ra mấy chục triệu đồng mua con giống, mà mất nhiều quá nên ai cũng sợ. Có nhà thua lỗ nhiều nên không còn đủ sức làm nữa đành đi làm công nhân kiếm tiền trả nợ, cũng có người đi xuất khẩu lao động mong đổi đời”, bà Liên tâm sự.
Bà Liên liệt kê ra một loạt danh sách các nhà cùng ngõ, nhà nào nợ ít cũng vài trăm triệu đồng, nhiều cũng lên tới cả tỷ đồng, tiền nợ chủ yếu là ngân hàng và đại lý cám.
Chuồng trại bỏ không, nhiều hộ dân vướng nợ chưa thể trả.
Giá đang tăng cao, vẫn không dám tái đàn
Thời điểm này, giá thịt lợn trên thị trường đang tăng rất cao. Nguyên nhân chính là do khan hiếm nguồn cung sau dịch tả lợn châu Phi. Cũng như người dân Ngọc Lũ, nông dân ở nhiều nơi chưa dám nuôi lại lợn thời điểm này, dù nhu cầu đang ngày càng cao, nhất là khi thời điểm Tết Nguyên đán ở trước mắt.
Trao đổi về vấn đề tái đàn, ông Nguyễn Kim Đoán - Phó Chủ tịch Hiệp hội chăn nuôi tỉnh Đồng Nai - cho biết: Muốn tái đàn được bắt buộc phải có con giống. Từ trước đến nay, người chăn nuôi thường tái đàn bằng cách tự túc con giống nhưng đợt dịch vừa qua đàn lợn nái bị tán phá chết nhiều nên hiện nay nhiều người chăn nuôi muốn tái đàn cũng không có giống.
Nguồn cung lợn giống đến từ các trang trại hiện tại cũng không còn dồi dào vì họ phải giữ lại để tự tái đàn. Chính vì vậy nguồn cung giống ngày càng khan hiếm.
Tái đàn hay không thời điểm này đang là sự băn khoăn của người chăn nuôi.
Ngoài ra, vị này cũng lo lắng nếu các hộ chăn nuôi đồng loạt tái đàn để đón "sóng" giá thịt lợn cuối năm, nếu không kiểm soát tốt sẽ có nguy cơ dịch tả lợn châu Phi quay trở lại và diễn biến phức tạp.
Bộ trưởng NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường cho biết, do dịch tả lợn châu Phi, lượng lợn tiêu hủy trên cả nước do dịch lên tới 5,6 triệu con, với trọng lượng 325 nghìn tần, chiếm 8,3% khối lượng thịt cả nước.
Theo nhận định của Bộ NN&PTNT, hiện dịch tả có dấu hiệu không còn bùng phát, nhiều tỉnh thành phố có trên 80% số xã đã qua 30 ngày không phát sinh điểm dịch. Lãnh đạo Bộ nhận định nếu không tái đàn phù hợp trong thời gian này sẽ rất khó khăn trong việc chủ động nguồn thực phẩm cuối năm.
Ngoài ra, Bộ cũng yêu cầu các địa phương cần chủ động cho người chăn nuôi tái đàn khi đảm bảo đầy đủ theo yêu cầu hướng dẫn của Bộ, không được cấm tái đàn khi các cơ sở đủ điều kiện.
Ngọc Khánh (VTC.VN)
Không có nhận xét nào: