Vào thời điểm này, nhiều vườn hồ tiêu trong giai đoạn cuối kỳ ra hoa, đậu trái. Nhưng theo ghi nhận của phóng viên TTXVN ở huyện biên giới Bù Đốp, tỉnh Bình Phước – nhiều nhà nông đang thấp thỏm lo âu do tỷ lệ ra hoa, đậu trái quá thấp. Nguyên nhân là do năm nay mùa mưa kéo dài và thời tiết thất thường khiến cây tiêu “ đỏng đảnh” không chịu cho hoa, đậu trái.
Người dân ấp Tân Hưng, xã Phước Thiện, huyện Bù Đốp, tỉnh Bình Phước lo lắng khi tiêu ra trái ít hơn rất nhiều so với vụ mùa 2018.
Hiện giá thu mua hạt tiêu vẫn giữ 41.000 đồng/kg cộng với vườn tiêu xác sơ không đậu trái khiến nhiều nông hộ ở tỉnh Bình Phước lâm vào cảnh khó khăn.
Tâm trạng chị Phan Thị Như ở thôn 2, xã Thiện Hưng không được vui như các năm trước bởi giá tiêu quá thấp ảnh hưởng đến đời sống sinh hoạt của gia đình. Chị Như cho biết niên vụ năm 2018 với 700 trụ tiêu gia đình hái được 2,7 tấn hạt. Tuy nhiên, năm nay do ảnh hưởng thời tiết mưa nắng thất thường khiến vườn tiêu ít đậu trái so với mọi năm.
Theo thực tế trái đậu trên cây, gia đình chị ước tính vụ mùa năm nay sẽ không được 1 tấn hạt. Chị Phan Thị Như buồn bã nói: “Năm nay thời tiết thất thường quá, khiến vườn tiêu ít ra hoa, có những cây ra hoa tốt thì cũng rụng trái non. Trước kia giá thu mua tiêu cao gia đình đầu tư phân bón nhiều, nhưng từ khi giá tiêu liên tục xuống thấp phải đầu tư ít đi để cân bằng chi tiêu trong gia đình.”
Gia đình ông Đặng Văn Lập, ấp Tân Hưng, xã Phước Thiện có 1.000 trụ tiêu. Vụ mùa năm 2018 gia đình ông thu được 4 tấn hạt. Đầu năm 2019, sau khi thu hoạch gia đình ông đã mạnh dạng đầu tư khoảng 50 triệu đồng mua phân bón, thuốc bảo vệ thực vật các loại. Dù hồ tiêu mất giá, nhưng đổi lại gia đình ông cũng không quá buồn vì vườn tiêu rất xanh tốt, hoa ra sum xuê, dự kiến cũng thu được số tiền kha khá để tiếp tục tái đầu tư, gắn bó với cây tiêu lâu dài.
Tuy nhiên, niềm vui chưa được bao lâu thì gia đình ông không khỏi xót xa khi chứng kiến cảnh hoa chuẩn bị thành trái thì rụng đầy gốc. Ông Lập nói: “Vườn tiêu được gia đình tôi chăm sóc rất kỹ, áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật đúng theo theo hướng dẫn của các chuyên gia nông nghiệp cũng như khuyến nông địa phương. Với kinh nghiệm nhiều năm trồng tiêu, tôi cũng không hiểu tại sao năm nay gặp hiện tượng hoa chưa kịp đậu hết trái đã rụng quá nửa”.
Theo nhiều nông dân có kinh nghiệm trồng tiêu, năm nay hiện tượng mưa đến muộn, thời tiết khô nóng, độ ẩm không khí thấp dẫn đến cây ít trái. Ông Bùi Văn Ngợi ấp Tân Hưng, xã Phước Thiện có thâm niên canh tác tiêu trên 20 năm, hiện vườn tiêu 400 trụ của gia đình cũng không thể khống chế được tình trạng rụng bông. Ông Ngợi cho biết: “Cây tiêu năm nay bị rụng hoa hàng loạt khả năng lớn nhất do biến đổi khí hậu. Những nghịch lý dị thường của thời tiết đã gây ảnh hưởng rất lớn đến cây tiêu. Nếu mất mùa gia đình tôi cũng gặp khó khăn để đầu tư thêm cho cây tiêu cũng như lo chi phí sinh hoạt gia đình."
Còn hộ gia đình ông Vũ Ngọc Thuận ở ấp 3, xã Thanh Hòa có trên 2.000 trụ tiêu cũng trong tình trạng ít trái, nhất là vườn tiêu già trên 10 năm tuổi. Được sự tư vấn cũng như làm điểm phát triển mô hình tiêu bền vững của địa phương, thế nhưng vườn tiêu gia đình ông cũng không tránh khỏi sản lượng thấp trong mùa vụ năm nay.
Ông Vũ Ngọc Thuận chia sẻ: “Với số lượng trái đang đậu trên cây như hiện nay, gia đình tôi ước tính thu về khoảng 2 tấn. Giá tiêu thấp cộng với việc ít trái không chỉ nhà tôi mà bà con ở đây cũng không tránh khỏi khó khăn về kinh tế."
Trước tình trạng nhiều vườn của các hộ dân cùng “số phận” tiêu đậu ít trái, Giám đốc Trung tâm dịch vụ nông nghiệp huyện Bù Đốp, Nguyễn Văn Bắc cho rằng, ngoài ảnh hưởng của thời tiết, những năm trước đây, bà con ồ ạt chuyển đổi cây trồng, sang trồng hồ tiêu trên đất không phù hợp nên không có năng suất và dễ bị sâu bệnh. Cùng với đó, do giá thấp trong vài năm gần đây nên các hộ dân chủ quan không chăm sóc tốt vườn dẫn đến tiêu phát triển yếu đi, năng suất thấp và khả năng chống chọi sâu bệnh, thời tiết kém. Bên cạnh đó, nhiều người trồng tiêu cũng chăm sóc chưa đúng kỹ thuật, không phù hợp với sự phát triển, sinh trưởng của cây tiêu, sử dụng một số loại phân bón và thuốc bảo vệ thực vật không phù hợp nên cũng ảnh hưởng đến ra hoa, đậu trái.
Vụ mùa thu hoạch sắp tới, không chỉ nông hộ trồng hồ tiêu ở huyện vùng biên Bù Đốp mà nhiều hộ ở địa phương lân cận của tỉnh Bình Phước đang thấp thỏm lo âu trước tình trạng ít đậu trái. Nguy cơ mất mùa, giá thấp như hiện nay ít nhiều sẽ ảnh hưởng không nhỏ đến kinh tế, đời sống sinh hoạt cũng như tái đầu tư phát triển loại cây này trong thời gian tiếp theo.
Hiện nay trên địa bàn tỉnh Bình Phước đang trồng khoảng 15.000 ha hồ tiêu. Cây tiêu cũng là cây công nghiệp chủ lực của tỉnh; trong đó nhiều huyện vùng biên như Bù Đốp, Lộc Ninh lấy thế mạnh kinh tế từ cây hồ tiêu. Các huyện đã hình thành nhiều Câu lạc bộ hồ tiêu sạch liên kết để xuất khẩu.
Tuy nhiên, theo Hiệp hội Hồ tiêu tỉnh Bình Phước đã qua 3 năm nay, giá hồ tiêu chưa phục hồi mà còn trên đà đi xuống. Thậm chí nhiều tháng nay đã chạm đáy.
Ghi nhận trong tháng 9/2019, giá hạt tiêu đen trong nước giảm từ 5,6 - 10,6%. Hiện giá hạt tiêu đen trong nước có mức thấp nhất là 38.000 đồng/kg tại tỉnh Đồng Nai, mức cao nhất là 42.500 đồng/kg tại tỉnh Bình Phước. Giá hạt tiêu trắng ở mức 66.000 đồng/kg, giảm 4,3% so với cùng kỳ năm 2018.
Theo thống kê của Tổng cục Hải quan, nửa đầu tháng 9/2019, xuất khẩu hạt tiêu đạt 6.200 tấn, trị giá 15,35 triệu USD, giảm 36,8% về lượng với cùng kỳ năm trước. Lũy kế từ đầu năm đến nửa đầu tháng 9/2019, xuất khẩu hạt tiêu đạt 224.500 tấn, trị giá 571,66 triệu USD, tăng 22% về lượng, nhưng giảm 6,1% về trị giá so với cùng kỳ năm 2018.
Theo dự báo mùa vụ mới 2019, vùng hồ tiêu Bình Phước vẫn còn nằm trong "vòng xoáy" lao đao khi giá chưa thể phục hồi; trong khi thêm một mùa vụ dự báo thất bát đang gây thêm nhiều thách thức và khó khăn cho người trồng hồ tiêu. Xu hướng chuyển đổi cây trồng, vật nuôi đang được các nhà nông đề cập. Thế nhưng vốn liếng đã đổ vào vườn hồ tiêu, vì vậy khó khăn đang chồng chất khó khăn cho nhà nông.
Tin, ảnh: K gửiH (TTXVN)
Không có nhận xét nào: