» » » Châu Phi thách thức vị trí số 1 của Hà Lan trong ngành hoa tươi

Trong khi Hà Lan vẫn là 'vua' trong ngành công nghiệp hoa tươi trị giá tỉ USD, các nước châu Phi quanh đường xích đạo đang vươn mình trở thành tên tuổi lớn.

Trang trại hoa hồng ở Kenya - Ảnh: http://kenyaflowercouncil.org

Phóng sự của Đài BBC mới đây khẳng định trung tâm đấu giá hoa Royal FloraHolland ở Aalsmeer, gần Amsterdam, vẫn đóng vai trò cực kỳ quan trọng trong việc nhập khẩu và tái xuất khẩu 40% lượng hoa tươi từ khắp thế giới.

Tuy nhiên, những "tay chơi" mới đang khiến thế giới phải chú ý đến mình và góp phần thay đổi bức tranh toàn cảnh của ngành trồng hoa.

Sự phát triển của ngành vận tải, những nước xuất khẩu hoa mới, kể cả ở vùng cận Sahara của châu Phi, đang thách thức vị trí số 1 của Hà Lan trong ngành này.

Hoa hồng giống David Austin trang trí hoa cưới - Ảnh: TambuziRoses Pinterest

Quy mô thị trường toàn cầu của hoa cắt rất lớn và đang tăng trưởng. Theo thống kê của chính phủ Anh, thị trường hoa cắt cành và chậu hoa trang trí có giá trị hơn 1,6 tỉ USD trong năm 2018 ở Anh, trong đó, 90% là hoa nhập khẩu, đa số đến từ Hà Lan.

Theo số liệu của năm 2015, ngành kinh doanh hoa trên toàn cầu trị giá khoảng 16,6 tỉ USD, hoa cắt cành được vận chuyển như con thoi giữa các lục địa.

Chuỗi cung ứng cũng phát triển để đáp ứng sự phức tạp và tinh tế ngành này đòi hỏi để đưa hoa từ lục địa này sang lục địa khác mà không bị dập nát hay héo tàn.

Chuỗi cung ứng cũng phát triển để đáp ứng sự phức tạp và tinh tế ngành này đòi hỏi để đưa hoa từ lục địa này sang lục địa khác mà không bị dập nát hay héo tàn - Ảnh: Tambuzi Instagram

Hoa cắt cành phải được giữ lạnh ở trạng thái "ngủ" liên tục từ kho lạnh ở trang trại, xe tải, máy bay, tàu thuyền để chúng luôn tươi.

Bà Sylvie Mamias, tổng thư ký của Union Fleurs - hiệp hội kinh doanh hoa quốc tế, cho biết: công tác hậu cần chuyên nghiệp cho phép chuyển hoa từ trang trại đến cửa hàng trong vòng 24-48 giờ qua đường hàng không.

Thời gian trong nghề vận chuyển hoa là bạc, vàng hoặc thậm chí là kim cương. Mất thêm một ngày, hoa sẽ mất 15% giá trị.

EU và Mỹ là hai thị trường mua nhiều hoa nhất. Những nước trồng và xuất khẩu hoa lớn nhất hiện nay là Hà Lan, Ecuador, Colombia, Kenya và Ethiopia, phổ biến nhất là hoa hồng, cẩm chướng và cúc.

Các nước châu Phi lớn mạnh dần với nghề trồng hoa từ những năm 1970, sau khi một cuộc khủng hoảng dầu mỏ làm tăng chi phí sưởi ấm nhà kính ở các nước phía bắc (EU, Mỹ).

Do đó, nghề trồng hoa di chuyển về phía nam, nơi hoa có thể trồng quanh năm và ít tốn năng lượng sưởi ấm hơn. Ở châu Âu, nghề trồng hoa chuyển về Israel và Morocco và sau đó là đông Phi. Đối với Mỹ, nghề trồng hoa dời xuống nam Mỹ.

Châu Phi tay chơi mới trong ngày công nghiệp cung ứng hoa - Ảnh: Tambuzi Instagram

Những vùng trồng hoa mới có ba điểm chung: nằm ở những nơi núi non có độ cao lớn, khí hậu mát mẻ, gần xích đạo nên được mặt trời chiếu sáng nhiều giờ trong năm và có lực lượng lao động giá rẻ.

Từ đây, sự thay đổi này chấm dứt thời kì trồng hoa theo mùa và mở ra cuộc cạnh tranh quốc tế 365 ngày/năm.

Theo Union Fleurs, Kenya là nước chuyên sản xuất hoa hồng - cung cấp 1/3 số hoa hồng bán ở EU.

Hoa cắt cành hiện là mặt hàng xuất khẩu lớn thứ hai sau trà ở Kenya, đóng góp khoảng 1% GDP đất nước, thu hút hơn 100.000 lao động làm việc trực tiếp và khoảng hai triệu người gián tiếp trong ngành hoa.

Châu Phi tay chơi mới trong ngày công nghiệp cung ứng hoa - Ảnh: Tambuzi Instagram

Phóng viên BBC đến tham quan trực tiếp tại trang trại hoa Tambuzi ở Kenya, nơi trồng gần 8 triệu cành hoa mỗi năm ở ba vùng sản xuất trên tổng diện tích 22ha.

Tọa lạc ở chân đồi, nơi có nhiều mưa ở độ cao 1.800m so với mực nước biển, hoa từ trang trại Tambuzi xuất khẩu sang 60 quốc gia trên toàn thế giới, trong đó có Anh, Hà Lan, Nga, Úc, Mỹ, Trung Quốc…

Bà Maggie Hobbs, chủ trang trại Tambuzi, bắt đầu trồng hoa ở Kenya cách đây 20 năm cho biết: Khi nhu cầu về hoa tăng, trang trại cũng mở rộng quy mô, từ 20 vườn hoa ngoài trời lên hơn 500 trang trại trong nhà kính ở ba vùng sản xuất.

Chị Maggie Hobbs và con gái Edith ở trang trại Tambuzi, Kenya - Ảnh: Microsoft.com

Từ tuần thứ 8, công nhân phải vặt bớt những nhánh hoa mới nhú, chỉ để lại mầm khỏe nhất. Hoa được cắt hoa bằng tay theo đúng kỹ thuật.

Sau khi cắt, người ta nhúng hoa vào dung dịch dinh dưỡng có tác dụng "đánh lừa", làm cành hoa tưởng mình vẫn đang ở trên cành và tiếp tục sinh trưởng.

Hoa hồng ở trang trại Tambuzi, Kenya - Ảnh: TambuziRoses Pinterest

Sau đó, hoa được vận chuyển nhanh chóng đến phòng lạnh bảo quản ở nhiệt độ 4 độ C trước khi được đưa đi phân loại, bó, đóng gói và đưa lại kho lạnh trước khi được chở bằng xe tải lạnh đến sân bay Nairobi.

Theo tổ chức Fairtrade, bốn nước Kenya, Ethiopia, Ecuador và Tanzania chiếm tới 98% sản lượng hoa được của chứng nhận Fairtrade toàn cầu. Có chứng nhận này, hoa sẽ được bán với giá tốt hơn, đời sống người lao động được cải thiện, họ có tiền đầu tư vào giáo dục và hệ thống chăm sóc sức khỏe.

Hồng Vân (Báo Tuổi Trẻ)

Về Tin tức nông nghiệp

Chuyên tin tức nông nghiệp, chỉ tin tức nông nghiệp. tintucnongnghiep.com là một blog chia sẻ tin tức nông nghiệp Việt Nam và thế giới theo tiêu chí kết nối, chia sẻ và phi lợi nhuận.
«
Trước
Bài đăng Mới hơn
»
Sau
Bài đăng Cũ hơn

Không có nhận xét nào:

Chia sẻ của bạn về bài viết này: