Đến bây giờ, niềm kỳ vọng đối với cây chanh leo đang tắt ngấm dần, sản phẩm làm ra khó bán nhất là khi Trung Quốc siết chặt tiểu ngạch, muốn thông thương phải bằng con đường chính ngạch.
Chanh leo từng được kỳ vọng cây xóa đói giảm nghèo ở xã Tri Lễ, huyện miền núi Quế Phong, Nghệ An. Ảnh: Võ Dũng.
Trước đó, chanh leo là một trong những cây trồng với kỳ vọng sẽ đem lại sự đổi đời cho người dân vùng cao ở Nghệ An. Bởi một vài năm đầu khi cây chanh leo cho thu hoạch, người dân ở vùng núi cao Tri Lễ, huyện Quế Phong đã có thu nhập khá. Từ đó, bà con nông dân ở các huyện Tương Dương, Kỳ Sơn học tập, làm theo để đưa cây canh leo về với quê hương mình.
Diện tích ngày càng giảm
Để cây chanh phát triển trên vùng cao, nhằm giúp đồng bào các dân tộc ở đây xóa đói, giảm nghèo, có cuộc sống ổn định và ngày càng sung túc hơn, HĐND tỉnh Nghệ An đã có Nghị quyết số 14/2017 về một số chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất nông nghiệp, nông thôn. Từ chính sách này, bà con nông dân ở vùng trồng cây chanh leo được hỗ trợ cây giống, phân bón, nước tưới, thép làm dàn cho chanh leo… Về phía doanh nghiệp là Công ty CP Nafoods được hỗ trợ một số cơ chế chính sách riêng.
Với cơ chế chính sách thoáng như thế, năm 2017, từ vùng trọng điểm trồng cây chanh leo là xã Tri Lễ, huyện Quế Phong phát động tất cả các bản, làng trồng được 212 ha.
Ở xã Tri Lễ người đầu tiên trồng chanh leo là ông Lô Văn Thắng, từ năm 2013 ông đã trồng chanh leo, vườn chanh nhà ông có tới 400 gốc. Sau 7 năm gắn bó, bây giờ vườn chanh này đã biến thành bãi chăn thả trâu bò và hôm nay ông Thắng quyết định cải tạo lại vườn để chuyển sang trồng sắn cao sản và các cây rau màu khác để có thu nhập cao hơn.
Tại xã Tri Lễ không riêng gì ông Lô Văn thắng mà là một thực trạng chung của bà con ở bản Yên Sơn. Toàn bản trước đây có gần 70 hộ dân trồng chanh leo, nay chỉ còn lại khoảng 15 hộ và diện tích chanh leo của 15 hộ dân này giảm xuống còn 1/2.
Các bản làng khác của xã Tri Lễ như bản Na Niếng, bản Xan, bản Bò giờ đây không còn trồng chanh leo nữa. Toàn xã Tri Lễ, "thủ phủ" của cây chanh leo của cả tỉnh từ 212 ha năm 2017, xuống còn 253 ha năm 2018 và đến hôm nay chỉ còn lại 109 ha.
Lý giải tại sao bà con sớm từ bỏ cây chanh leo đến thế, ông Lữ Văn Cường - Phó Chủ tịch UBND xã cho biết, có 2 nguyên nhân cơ bản, đó là: Giá chanh từ chỗ Công ty Nafoods trước đây mua ổn định 10.000 - 12.000 đồng/kg, 2 năm nay giá mua giảm xuống 8.000 đồng, rồi xuống 6.000 đồng/kg, nên bà còn dân bản không bằng lòng, mất tin.
Mặt khác, vài năm qua nhất là năm nay trên cây chanh leo xuất hiện sâu bệnh nhiều, được cán bộ kỹ thuật hướng dẫn chỉ đạo mua thuốc về phun phòng trừ nhưng xem ra khó tiêu diệt được. Không riêng gì ở huyện Quế Phong, tại huyện Tương Dương sau 3 năm UBND huyện phát động và khuyến khích đến nay đã trồng được 181,30 ha với 185 hộ tham gia.
Tổng sản lượng chanh thu hoạch trong năm 2018 là 2.800 tấn, doanh thu trên 32 triệu đồng/ha, tạo việc làm cho hơn 500 lao động tại các xã Nhôn Mai, Hữu Khuông có thu nhập bình quân từ 200 - 250 ngàn đồng/người/ngày. Điều đáng buồn là toàn bộ diện tích chanh leo được trồng năm 2017 đã bị nhiễm bệnh và có hiện tượng thoái hóa, cằn cỗi, chết lụi dần.
Riêng tại xã Nhôn Mai có 110 ha chanh leo được trồng từ năm 2017 đang vừa bị bệnh nặng, vừa thoái hóa, cằn cỗi, nhiều bà con dân bản đã tự chủ động chặt phá để chuyển sang trồng sắn, trồng rừng thay thế.
Tắt ngấm kỳ vọng cây xóa đói giảm nghèo
Chanh leo được tuyên truyền, quản bá là cây trồng có thể nhanh chóng giúp bà con nông dân ở một số xã vùng cao thuộc các huyện Quế Phong, Tương Dương xóa đói giảm nghèo.
Theo kế hoạch vùng nguyên liệu chanh leo tại huyện Quế Phong là 1.500 ha, huyện Tương Dương là 300 ha.
Để giúp bà con nông dân ở vùng trồng chanh leo nguyên liệu tại các huyện nói trên, HĐND tỉnh Nghệ An đã ban hành Nghị quyết số 14/2017 về việc hỗ trợ phát triển nông nghiệp, nông thôn để giúp bà con cây giống, phân bón, nước tưới…
Riêng Ban Thường vụ Huyện ủy Quế Phong đã ra Nghị quyết số 08-NQ/HU về phát triển cây chanh leo giai đoạn 2013 - 2020 và UBND huyện Quế Phong đã tổ chức lồng ghép các chương trình, dự án khác để hỗ trợ các hộ dân có trồng cây chanh leo trên địa bàn của huyện. Tổng nguồn vốn đã đầu tư cho chương trình phát triển cây chanh leo để thực hiện theo Nghị quyết của Thường vụ Huyện ủy Quế Phong cho đến nay là 48 tỉ đồng.
Với sự cố gắng cả trong tổ chức chỉ đạo thực hiện và trong việc đề ra các cơ chế chính sách hỗ trợ bà con dân bản trồng cây chanh leo, nhưng kết quả đến bây giờ toàn huyện Quế Phong chỉ có 177,8/400 ha, đạt 44,45% chỉ tiêu kế hoạch đề ra. Riêng Công ty CP Nafoods chỉ trồng được 20 ha/500 ha, đạt 4% kế hoạch do Nghị quyết của Huyện ủy đề ra.
Như vậy diện tích chanh leo trên địa bàn huyện Quế Phong năm 2019 giảm 23,4 ha so với năm 2018 và 105 ha so với năm 2017.
Theo ông Bùi Văn Hiền, Phó Chủ tịch UBND huyện Quế Phong, chanh leo là cây cho thu nhập cao, nhưng phải được đầu tư thâm canh và chăm sóc tốt, nhất là việc phòng trừ sâu bệnh, trong khi đó, bà con nông dân các dân tộc ở đây còn có nhiều hạn chế, chưa làm tốt yêu cầu trồng, chăm sóc và đầu tư cho cây chanh, nên hiệu quả giảm dần. Mặt khác giá cả thu mua của Công ty CP Nafoods quá thấp (loại 1 giá 9.000 đồng/kg, loại 2 là 6.000 đồng/kg, mà khi phân loại chủ yếu là loại 2). Ngay Công ty CP Nafoods vừa qua hô hào nhưng thực tế chanh leo họ trồng không được bao nhiêu so chỉ tiêu kế hoạch đề ra, không thu hút được người dân hưởng ứng.
Chanh leo tại Sơn La vẫn được thu mua 17.000 - 19.000 đồng/kgTrao đổi với NNVN, ông Nguyễn Văn Anh, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Nafoods Tây Bắc (Sơn La) cho biết: Thời gian qua, công ty vẫn đang thu mua chanh leo ổn định cho nông dân, các hợp tác xã liên kết với công ty tại địa bàn tỉnh Sơn La với giá từ 17.000 – 19.000 đồng/kg đối với chanh leo loại một và loại hai.Từ tháng 6/2019, với việc nhà máy chế biến chanh leo công suất thiết kế 120 tấn quả/ngày chính thức đi vào vận hành, đã tạo điều kiện cho công ty thu mua chanh leo nguyên liệu phục vụ chế biến với giá khá cao và ổn định.Theo đó đối với loại chanh leo xấu nhất, không đạt tiêu chuẩn tiêu thụ theo hình thức quả tươi, chỉ phục vụ cho chế biến dịch quả mới có giá 6.000 – 7.000 đồng/kg.Cũng theo ông Văn Anh, từ đầu năm đến nay, bên cạnh chanh leo chế biến, công ty vẫn tiếp tục đẩy mạnh xuất khẩu chanh leo quả tươi sang các thị trường, trong đó riêng thị trường Trung Quốc vẫn duy trì được xuất khẩu tiểu ngạch khoảng 2.000 tấn quả tươi, tương đương so với năm 2018. Đối với chanh leo chế biến dịch cô đặc, từ đầu năm 2019 đến nay công ty đã xuất khẩu sang nhiều thị trường như Trung Quốc, Úc, Newzeland, các nước EU..."Hiện tại, chanh leo là một trong số 7 loại quả đang được Bộ NN-PTNT đàm phán để xuất khẩu chính ngạch sang thị trường Trung Quốc. Chúng tôi đang chờ Bộ sớm tháo gỡ thủ tục để xuất khẩu chanh leo quả tươi chính ngạch sang thị trường Trung Quốc trong thời gian tới. Điều này sẽ giúp chanh leo quả tươi giá trị cao được xuất khẩu với số lượng lớn hơn nhiều so với hiện tại" - ông Văn Anh nói.Về thông tin giá chanh leo tại Nghệ An quá rẻ, chỉ khoảng 5.000 – 6.000 đồng/kg, ông Văn Anh cho biết ông không nắm kỹ thông tin cụ thể về tình hình sản xuất cũng như giá cả thu mua tại đây, do địa bàn này không thuộc quản lí của Nafoods Tây Bắc. Hiện tại, chanh leo tại Sơn La đang bắt đầu vào vụ thu hoạch. Lê Bền - Trần Hồ
Doãn Trí Tuệ - Phạm Việt (Báo Nông nghiệp Việt Nam)
Không có nhận xét nào: