Năm 2018 sản lượng nhãn của tỉnh Hưng Yên đạt trên 42.000 tấn, cao nhất từ trước đến nay và được coi là năm được mùa nhãn lịch sử. Nhưng năm nay sản lượng nhãn sụt giảm nghiêm trọng...
Nhiều vườn nhãn không có quả.
Năm ngoái, nhãn không chỉ sai quả trên diện tích thâm canh, mà còn ra quả đồng loạt trên các cây cùng loại, kể cả cây nhãn đã già cỗi, mới trồng, giống mới ra ngôi trong vườn giâm. Có thể nói mùa nhãn ở Hưng Yên năm ngoái cứ có cây là có quả.
Năm nay thì ngược lại, gần như toàn bộ diện tích nhãn tự nhiên (ven đường, bờ ao, công sở, vườn hoang) đều không quả, nhiều vườn nhãn trồng thâm canh cũng bị mất trắng. Các hộ chuyên nhãn thâm canh có chung đánh giá, sản lượng quả năm nay chỉ bằng 30% năm trước, có thể coi là năm mất mùa.
Nguyên nhân chủ yếu do thời tiết không thuận lợi và năm trước các nhà vườn đều đã cho thu hoạch sản lượng quả trên cây quá cao. Ngoài ra, còn do năm trước giá nhãn quá rẻ, năm nay nhiều nhà vườn không còn “mặn mà” với thâm canh nhãn, dẫn đến cây không quả hoặc rất ít quả.
Khảo sát thực tế tại một số địa phương trong tỉnh chúng tôi thấy: Vùng trồng nhãn trọng điểm thành phố Hưng Yên và phụ cận, tỷ lệ cây cho quả chỉ đạt 30 - 40%, lượng quả đậu trên cây cũng rất thưa.
Ông Nguyễn Xuân Cảnh ở phường Lam Sơn được mệnh danh là “phù thủy” nhãn Hưng Yên cho hay, sản lượng nhãn năm nay chỉ bằng 30% cùng kỳ năm trước. Một chủ vườn (xin giấu tên) ở thôn Nễ Châu, xã Hồng Nam khẳng định, sản lượng nhãn Hồng Nam năm nay không đạt được 40% so với sản lượng nhãn năm trước. Và chỉ có thôn Nễ Châu năng suất nhãn còn tạm được, các thôn khác cơ bản là rất kém.
Huyện Khoái Châu đã rất khiêm tốn khi dự báo sản lượng vẫn có thể đạt 8.000 tấn quả/1.670ha nhãn toàn huyện. Nhưng ông Nguyễn Văn Thế, Giám đốc hợp tác xã Nhãn Miền Thiết nói thẳng: Sản lượng nhãn của hợp tác xã chỉ bằng 10-20% cùng kỳ năm trước. Hợp tác xã đang có 300ha nhãn muộn sắp cho thu hoạch, lượng quả ước đạt 1.000 tấn.
Anh Lê Văn Bình ở xã Ông Đình (Khoái Châu) cho biết: "Xã Ông Đình 10 nhà trồng nhãn thì 8 nhà mất mùa. 5 sào nhãn của em phải khoanh vỏ 2 lần mới được 1,5 tấn quả, bằng 30% lượng nhãn năm 2018".
Tại khu vực phía nam huyện Ân Thi: Nhãn ở xã Đa Lộc được coi là khả dĩ nhất. Lượng quả trong các nhà vườn tương đối đều. Vì đa số là nhãn tơ (cây trẻ khỏe), trồng trên diện tích mới chuyển đổi. Nhưng sản lượng nhãn ở đây cũng chỉ bằng 60% sản lượng nhãn năm trước.
Anh Trần Văn Hương (xã Đa Lộc) phấn khích khoe với chúng tôi: Năng suất nhãn của địa phương cao nhất tỉnh. Nhà em trồng 3 mẫu chắc chắn thu được 16 tấn quả, bằng 60% lượng quả năm trước, nhưng bán được giá cao gấp 3.
Kề bên là xã Tiền Phong, lượng nhãn lại chỉ bằng 15% sản lượng năm 2018, nhiều vườn nhãn ở đây đã bị “trắng bảng” – không quả. Cũng không thể phủ nhận, tại một số mô hình VietGAP trên cây nhãn đã cho năng suất khá (trên dưới 10 tấn/ha), nhưng diện tích không nhiều (dưới 500ha).
Chính thức sản lượng nhãn đạt bao nhiêu phải chờ kết quả từ cơ quan thống kê Nhà nước (vào cuối vụ). Nhưng từ những phản ánh nêu trên cho thấy chắc chắn nhãn mất mùa.
Vườn nhãn ít quả của anh Nguyễn Văn Cảnh (TP Hưng Yên).
Thật ra, để dự báo sản lượng nhãn sát thực hơn, đối với ngành chuyên môn là không khó. Bởi địa phương có cả một hệ thống quản lý ngành dọc từ tỉnh xuống huyện, xã và thôn, thậm chí là một số nhà vườn có diện tích nhãn chuyên canh lớn. Chỉ khép một vòng qua các khu vực trồng nhãn tập trung và thâm canh cao của tỉnh, hỏi thăm vài ba nông hộ, điều tra giá nhãn trên thị trường, kết hợp với vài thao tác nghiệp vụ khác, là có thể nắm bắt được sản lượng nhãn của tỉnh đạt được chừng nào.
Cao Huy (Báo Nông nghiệp Việt Nam)
Không có nhận xét nào: