Sáu tháng đầu năm nay, xuất khẩu cá tra sang thị trường Trung Đông đạt 70,8 triệu đô la, giảm 8,6% so với cùng kỳ năm trước. Việc đóng cửa thị trường Ảrập Xêút trong thời gian qua là một trong những nguyên nhân khiến giá trị xuất khẩu cá tra sang khối thị trường này giảm sút.
Đồ thị: VASEP
Theo Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP), xuất khẩu cá tra Việt Nam sang hai thị trường lớn là Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất (UAE) và Ai Cập trong nửa đầu năm nay có dấu hiệu giảm và chững lại.
Ngày 30-1, Cơ quan quản lý thực phẩm và dược phẩm Ả Rập Saudi (SFDA) đã có thông báo số G/SPS/N/SAU/336 ngày 30-1-2018 về việc ban hành lệnh tạm dừng nhập khẩu đối với mặt hàng thủy sản, động vật giáp xác và các sản phẩm từ thủy sản xuất khẩu của Việt Nam, có hiệu lực từ ngày 23-1-2018.
Trong đó, giá trị xuất khẩu sang thị trường UAE lại giảm 27,9% so với cùng kỳ năm trước. Thị trường Ai Cập vẫn là thị trường lớn thứ 2 nhưng giá trị xuất khẩu chỉ đạt 18 triệu đô la trong 6 tháng đầu năm nay, tăng nhẹ 4,63% so với cùng kỳ năm trước.
Giá trị xuất khẩu sang một số thị trường khác như: Iran giảm 57,7%; Israel giảm 10,5%; Jordan giảm 10% và Liban cũng giảm 10,9% so với 6 tháng đầu năm 2018.
Cũng theo VASEP, thị trường Ảrập Xêút vẫn chưa được mở cửa trở lại, là một thiệt thòi lớn cho các doanh nghiệp xuất khẩu cá tra Việt Nam trong thời gian qua.
Thị trường này cũng dựng rào cản thương mại đối với cá tra Việt Nam khi gia tăng tiêu chuẩn về “Chương trình chăn nuôi Halal” áp dụng với cả các sản phẩm thức ăn chăn nuôi và cơ sở sản xuất giống, chứ không riêng gì đối với sản phẩm nhập khẩu. Hiện nay, các doanh nghiệp vẫn đang trông chờ vào các động thái tích cực từ phía Ảrập Xêút để hoạt động xuất khẩu được bình thường trở lại.
Hiện nay, UAE đang là “điểm ngắm” của một số nguồn cung cá tra Đông Nam Á, trong đó có Indonesia. Theo VASEP, Indonesia đang có ý định cạnh tranh với cá tra Việt Nam khi ra mắt thương hiệu cá tra Indonesia tại UAE - thị trường cửa ngõ khu vực Trung Đông.
T.H (thesaigontimes)
Không có nhận xét nào: