» » Không quá lo lắng về giá mít

Giá mít Thái ở ĐBSCL đang ở mức 18.000 đồng/kg loại 1; 10.000 đồng/kg loại 2 và mít loại 3 chỉ còn 5.000 đồng/kg. Khoảng 90% sản lượng được tiêu thụ tại thị trường Trung Quốc.

Trồng mít Thái ở ĐBSCL.

ĐBSCL hiện có diện tích mít Thái khoảng 10.000ha. “Đang mùa thuận của tất cả trái cây trong đó có mít Thái, việc giá giảm là chuyện bình thường”, một thương lái lý giải.

Mít Thái là một loại cây trồng mau cho thu hoạch nếu người trồng có kỹ thuật tay nghề khá. Mít trồng sau 20 - 24 tháng có thể cho thu hoạch vụ đầu tiên. Người dân ĐBSCL đang có xu hướng mở rộng diện tích mít Thái. Tuy nhiên dân chỉ chuyển đổi từ cây trồng kém hiệu quả và cải tạo vườn tạp sang trồng mít. Theo khảo sát của Cục Trồng Trọt, Bộ NN-PTNT, thì diện tích cây trồng này vẫn đang trong tầm kiểm soát và có thể cho thu nhập tốt trong vòng vài năm nữa.

“Toàn tỉnh Vĩnh Long có khoảng 830ha mít Thái siêu sớm. Nếu trường hợp mít ổn định giá 10.000 đồng/kg thì người trồng có lãi. Theo tôi nông dân không nên dồn lực trồng hết cây mít. Bà con chỉ nên trồng xen, cải tạo vườn tạp kém hiệu quả. Tỉnh cũng đã có văn bản yêu cầu các địa phương quản lý sản xuất theo quy hoạch”, ông Nguyễn Văn Liêm - PGĐ Sở NN-PTNT Vĩnh Long.

Còn ông Lê Thanh Tùng, Phó Cục trưởng Cục Trồng Trọt, cảnh báo: “Hiện Trung Quốc đã có khoảng 180.000ha mít, trong khi cả nước ta có khoảng 30.000ha. Cây mít sinh trưởng và phát triển tốt ở độ cao 400 - 1.200m. Riêng với mít Thái, các nhà khoa học chưa nghiên cứu tổng quát về dịch bệnh”.

Cũng theo ông Tùng: Theo thông lệ, quy định quốc tế hàng hóa xuất khẩu phải có chứng nhận xuất xứ nguồn gốc, an toàn thực phẩm, nhãn mác, bao bì... Bất cứ thị trường quốc tế nào cũng vậy, kể cả hàng hóa nhập khẩu vào Việt Nam đều phải có truy xuất nguồn.

Thời gian gần đây, việc trao đổi song phương giữa hai bộ Nông nghiệp Việt Nam và Trung Quốc được báo chí thông tin liên tục, cả hai quốc gia đều nhất trí đưa vấn đề truy xuất nguồn gốc và xuất nhập khẩu chính ngạch để bảo bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng. Nếu trước đây một số loại nông sản xuất khẩu sang Trung Quốc đi bằng đường tiểu ngạch, đối tác không yêu cầu khắt khe thì nay việc cam kết hợp tác giữa hai bên sẽ yêu cầu người sản xuất cần thay đổi.

Khoai lang là một trong những sản phẩm được ưu tiên để xuất xuất khẩu chính ngạch sang thị trường Trung Quốc thời gian tới.

Theo Cục Trồng trọt, 9 loại trái cây được đi chính ngạch sang Trung Quốc: chôm chôm, nhãn, vải, xoài, dứa, chuối, thanh long, dưa hấu và măng cụt. Hiện đang đề xuất thêm: sầu riêng, mít, dừa, khoai lang, bưởi, chanh leo. Ưu tiên khoai lang và sầu riêng.

Tại tỉnh Vĩnh Long, địa phương có trên 42.000ha cây ăn trái đứng thứ nhì ở ĐBSCL, ông Nguyễn Văn Liêm, PGĐ Sở NN-PTNT, thông tin: “Vĩnh Long đã sẵn sàng cho sân chơi này. Tỉnh đã hình thành một số dự án, đề án như đề án tái cơ cấu 6 cây chủ lực, yêu cầu thực hiện theo chuỗi ngành hàng có truy xuất nguồn gốc, sản phẩm đảm bảo an toàn. Hiện tỉnh tập trung thực hiện đánh dấu vùng trồng, truy xuất nguồn gốc, thực hiện chứng nhận sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP trên các sản phẩm như bưởi, xoài, khoai lang, chôm chôm, nhãn, cam… ”.

Cũng theo ông Liêm, tỉnh Vĩnh Long hàng năm thực hiện tuyên truyền tập huấn sản xuất an toàn đến với nông dân. Đối với sản phẩm khoai lang, giao doanh nghiệp chuẩn bị bao bì, nhãn hiệu… Ngành Nông nghiệp tập huấn cho nông dân ghi chép nhật ký sản xuất; hỗ trợ doanh nghiệp đăng ký mã số vùng trồng, kiểm soát chất lượng sản phẩm.

Ông Liêm khuyến cáo nông dân không nên quá lo lắng về các tiêu chuẩn hàng hóa xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc. Những tiêu chuẩn mà họ yêu cầu là những tiêu chuẩn theo quy định quốc tế bình thường. Tương tự như những tiêu chuẩn sản xuất an toàn VietGAP tại Việt Nam. Thậm chí, kể cả thị trường Hoa Kỳ có những sản phẩm cũng không yêu cầu sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP, chỉ cần đảm bảo các tiêu chí sau khi chiếu xạ, có mã số vùng trồng, ghi chép sổ tay, sản xuất đúng quy trình…

Yêu cầu thanh long đẹp


Theo anh Nguyễn Trung Quý - Chủ cơ sở thu mua thanh long Hưng Thịnh Phát (huyện Chợ Gạo, Tiền Giang): “Những ngày qua giá thanh long giảm là do mặt hàng này đang vô vụ thuận, sản lượng cung dồi dào nên giá giảm. Còn việc bán hàng qua Trung Quốc thì cơ sở vẫn giao dịch bình thường với các đối tác bên đó. Có điều, thị trường yêu cầu hàng đẹp nên cơ sở đang gặp khó vì thanh long ngoài dân hiện tại hàng đẹp theo tiêu chuẩn yêu cầu của đối tác rất ít, mặc dù nguồn cung thì nhiều”.

Hiện tại giá thanh long được các cơ sở thu mua tại ĐBSCL đang có xu hướng giảm. Cách đây một tuần, ông Nguyễn Văn Nở (Mang Thít, Vĩnh Long) đã xuất bán được giá 25.000 đồng/kg thanh long loại 1, còn loại 2 thì có giá 15.000 đồng/kg, loại 3 giá 9.000 đồng/kg. Hiện tại giá giá mặt hàng này có xu hướng giảm.

Tại Tiền Giang, thanh long đẹp được thu mua giá từ 15.000 - 18.000 đồng/kg, tùy vị trí thu mua.

Minh Đảm (Báo Nông nghiệp Việt Nam)

Về Tin tức nông nghiệp

Chuyên tin tức nông nghiệp, chỉ tin tức nông nghiệp. tintucnongnghiep.com là một blog chia sẻ tin tức nông nghiệp Việt Nam và thế giới theo tiêu chí kết nối, chia sẻ và phi lợi nhuận.
«
Trước
Bài đăng Mới hơn
»
Sau
Bài đăng Cũ hơn

Không có nhận xét nào:

Chia sẻ của bạn về bài viết này: