Đó là nhận định của Bộ Công thương tại Hội nghị sơ kết xuất khẩu gạo 6 tháng đầu năm 2019 tổ chức ngày 24-6 tại TP.HCM.
Xuất khẩu gạo giảm mạnh những tháng đầu năm tạo áp lực cho tiêu thụ lúa vụ hè thu ở ĐBSCL - Ảnh: Trần Mạnh
Xuất khẩu gạo của Việt Nam những tháng đầu năm 2019 gặp nhiều bất lợi về thị trường.
Ngoại trừ Philippines, các thị trường truyền thống nhập khẩu gạo lớn của Việt Nam như Trung Quốc, Indonesia và Bangladesh đều đồng loạt giảm nhập khẩu trong nửa đầu năm và dự báo cả năm 2019 với những lý do khác nhau như tồn kho vụ cũ ở mức cao tại Trung Quốc, năm bầu cử ở Indonesia hay khôi phục sản xuất sau lũ lụt ở Bangladesh.
Nếu như 5 tháng đầu năm 2018, xuất khẩu gạo của Việt Nam sang 3 thị trường nói trên đạt 1,44 triệu tấn thì 5 tháng đầu năm 2019 giảm chỉ còn 239.000 tấn (giảm trên 6 lần).
Tính chung 5 tháng đầu năm, xuất khẩu của Việt Nam đạt 2,76 triệu tấn với giá trị 1,18 tỉ USD, giảm lần lượt 6,3% về khối lượng và 20,4% về giá trị so với cùng kỳ năm ngoái.
Giá xuất khẩu gạo cũng giảm rất mạnh trong đầu năm 2019 khi trung bình chỉ còn 427,5 USD/tấn, tức giảm tới gần 77 USD/tấn so với cùng kỳ.
Philippines trở thành thị trường xuất khẩu chính với 38,6% tổng lượng gạo xuất khẩu của Việt Nam, đạt 1,06 triệu tấn với giá trị 423,3 triệu USD.
Xuất khẩu gạo sang Philippines đã tăng gần 3 lần về lượng và 2,4 lần về giá trị so với cùng kỳ năm ngoái.
Tàu chở gạo vào kho các công ty ở Cần Thơ - Ảnh: Trần Mạnh
Theo Bộ Công thương, dù đã có những nỗ lực trong thu mua và giữ giá lúa gạo đầu năm cho người trồng lúa, nhưng do chưa có những hợp đồng tập trung khối lượng lớn để dẫn dắt thị trường nên xuất khẩu gạo còn gặp nhiều khó khăn.
Đây vẫn tiếp tục là nguyên nhân tạo ra áp lực tiêu thụ lúa hè thu trong thời gian tới.
Trần Mạnh (Báo Tuổi Trẻ)
Không có nhận xét nào: