Từ đầu tháng 5 đến nay, thị trường cà phê trên sàn kỳ hạn London - nơi các nhà kinh doanh cà phê Việt Nam thường sử dụng để tham chiếu - đã "nhún nhảy" mạnh bạo. Dù đang ở trong vùng thấp nhưng nhiều ngày thị trường phải chứng kiến giá dao động giữa đỉnh và đáy lên đến từ 50-70 đô la Mỹ mỗi tấn.
Diễn biến giá kỳ hạn robusta London. Nguồn: barchart.com - tác giả diễn giải.
Từ mức đáy của sàn kỳ hạn London 1.284 đô la/tấn lập ngày 8-5, ít ra đã có gần chục phiên giao dịch giá tăng/giảm từ 40-70 đô la để đạt đỉnh 1.511 đô la/tấn vào ngày 3-6.
Cũng từ đó, giá kỳ hạn chạy nhanh xuống dưới 1.400 để đóng cửa ngày giao dịch cuối tuần ở mức 1.392 đô la/tấn (xem minh họa).
Theo điệu nhạc "kích động" trên sàn kỳ hạn, giá cà phê nội địa có khi tăng từ nửa đến một triệu đồng mỗi tấn trong một ngày. Dựa trên các mốc thời gian theo diễn biến của sàn như đã trình bày, thị trường cà phê nội địa tại các vùng trọng điểm sản xuất ở Tây Nguyên đi từ dưới 31 triệu lên đến trên 34 triệu đồng và đến nay (16-6) quay về chung quanh 32 triệu đồng/tấn.
Như vậy, so với thời điểm đầu niên vụ 2018-2019 (bắt đầu từ tháng 10), giá cà phê trong nước hiện nay giảm 5 triệu đồng/tấn.
Giá xuống thấp đã "cải thiện" được giá cà phê xuất khẩu cơ sở loại 2 tối đa 5% đen bể. Nếu như những ngày bắt đầu mùa kinh doanh vào đầu quí 4 năm 2018, người mua có thể đặt hàng với mức trừ 80-100 đô la/tấn thì nay người bán có thể ký hợp đồng xuất khẩu ở mức cộng từ 80-100 đô la/mỗi tấn FOB (giao hàng qua lan can tàu).
Tính ra, nếu lấy giá đóng cửa sàn kỳ hạn mới nhất ở 1.392 thì giá cà phê xuất khẩu loại chất lượng bình thường như đã nói có mức 1.470-1.480 đô la/tấn.
Giá cà phê xuất khẩu tính trên mức chênh lệch giữa mức giao ở cảng lên hàng với giá niêm yết trên sàn kỳ hạn London đã đi từ ‘’trừ lùi’’ đến ‘’cộng tới’’. Điều này có thể khẳng định nhu cầu mua hàng thực để sử dụng của các hãng rang xay là có cơ sở.
Vì nếu như đưa hàng lên sàn kỳ hạn robusta London (ICE EU) để đấu giá, giới đầu cơ và người kinh doanh trung gian phải mua từ mức trừ 100-120 đô la/tấn mới đủ "sở hụi’’ do giá robusta loại 2 của sàn ở mức trừ 30 đô la mỗi tấn chưa bao gồm chi phí gồm vận tải, bảo hiểm, lưu kho, tài chính và các phí làm hàng khác theo qui định của sàn.
Trước hết phải nói rằng tình trạng bấp bênh trên thị trường tài chính thế giới đã tạo nên các đợt sóng thất thường về giá, không chỉ trên sàn phái sinh cà phê mà còn nhiều sàn giao dịch tài chính khác nữa.
Đối với sàn các sàn cà phê trong đó có robusta London, do được giao dịch bằng đồng đô la Mỹ, nên bị phụ thuộc rất nhiều vào giá giao dịch hàng ngày của đồng tiền này. Nếu như chỉ các đây chừng hơn một tuần, chỉ số đồng đô la Mỹ (DXY) ở quanh mức 96,50 thì riêng ngày 16-6 đã tăng mạnh từ khoảng 97 lên 97,58 điểm.
Yếu tố này đã làm cho giá kỳ hạn robusta xuống mạnh, mất 20 đô la khi đóng cửa. Vì một khi giá trị đồng đô la tăng, chi phí tài chính tăng, nhiều nhà đầu tư phải bán bớt tồn kho để cân bằng vị thế giữa tiền và hàng của họ.
Mặt khác, đồng Reais Brazil (Brl) đã tăng từ 4 Brl ăn 1 đô la lên 3,85 Brl. Nhưng tuần trước, khi nghe tin chính phủ mới của Brazil, nước xuất khẩu cà phê số 1 thế giới, chưa đạt được sự đồng thuận với quốc hội về chương trình tiết giảm quỹ hưu trí, tâm lý thị trường lo ngại giá trị đồng nội tệ nước này có khả năng quay xuống dưới 4 Brl trong thời gian tới.
Nếu như đồng Brl quay về mức thấp, thị trường sẽ đón những đợt bán mạnh từ Brazil do các nhà kinh doanh cà phê Brazil sẽ xuất khẩu mạnh nhờ thu nhập tăng vì đồng nội tệ mất giá.
Vả lại, tồn kho cà phê tính đến cuối tháng 3 tại các cơ sở tư nhân ở Brazil đang ở mức 12,8 triệu bao (60kg/bao), chỉ thấp so với năm kỷ lục 2015 là 14,16 triệu bao, Bộ Nông nghiệp nước này cho biết. Cứ tưởng tượng nếu như đồng Brl mất giá thêm, lượng xuất khẩu cà phê từ Brazil sẽ mạnh như thế nào, và liệu có gì bất ngờ khi giá cà phê arabica New York vài tuần trước đây đã rớt thậm tệ xuống mức thấp nhất tính từ 14 năm nay, có lúc chỉ còn 86-90 cts/lb hay chừng 1.895-1.985 đô la/tấn?
Thị trường tài chính thế giới vừa qua rung lắc nhiều, giá cả nhiều sàn chứng khoán phái sinh lên xuống mạnh một cách bất ngờ khó kiểm soát còn do tin đồn Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) có thể giảm lãi suất cơ bản đồng đô la Mỹ sau hai ngày họp quyết định vào 19 và 20-6, tức trong tuần tới đây.
Số phận giá cà phê đang treo chênh vênh theo quyết định của Fed. Giả sử Fed quyết định giảm lãi suất, giá cà phê có cơ hội ổn định và tăng dần trong giai đoạn trung hạn; ngược lại nếu Fed giữ nguyên hay tăng lãi suất đồng đô la, đó là điều tiêu cực nhất cho giai đoạn trước mắt mà người kinh doanh cà phê không muốn nghe.
Nguyễn Quang Bình (thesaigontimes)
Không có nhận xét nào: