Các kho lạnh tại các cảng chính ở Trung Quốc đang được vận hành gần hết công suất khi nước này ồ ạt nhập khẩu thịt để bù đắp cho nguồn cung thịt heo thiếu hụt trầm trọng do các tác động của dịch tả heo châu Phi.
Do lượng thịt nhập khẩu tăng đột biến, các kho lạnh ở các cảng chính của Trung Quốc như Thiên Tân, Thượng Hải, Đại Liên đã vận hàng gần hết công suất. Ảnh: Bloomberg
Bà Wang Zhen, một quan chức ở Tiểu ban logistics chuỗi cung ứng lạnh của Trung Quốc, cho biết các nhà nhập khẩu đã nhập khẩu và tích trữ một lượng thịt khổng lồ, phần lớn là thịt heo và thịt bò, khiến các kho lạnh tại các cảng ở các thành phố Thiên Tân, Thượng Hải và Đại Liên giờ đây gần đầy công suất.
Theo bà Wang, số thịt nhập khẩu này có thể lưu trữ ở các cảng cho đến cuối năm để phục vụ mùa tiêu thụ thịt cao điểm của Trung Quốc và các lô hàng thịt nhập khẩu mới sẽ phải chờ cho đến khi người mua tìm được nơi lưu trữ.
Bà nói: “Các nhà nhập khẩu đang cố gắng chuyển thịt vào trong các khu vực nội địa để lưu trữ nhưng điều này sẽ khiến chi phí tăng lên vì họ có kế hoạch trữ lạnh thịt trong nhiều tháng trời cho đến giữa mua thu hoặc mùa xuân”.
Các kho lạnh ở sâu trong nội địa thường chỉ được sử dụng tạm thời và chi phí cao hơn so với các kho lạnh ở các cảng.
Trong tháng 4-2019, Trung Quốc nhập khẩu lượng thịt kỷ lục khi dịch tả heo châu Phi khiến hàng triệu con heo bị chết hoặc tiêu hủy ở thị trường thịt heo lớn nhất thế giới.
Thiếu thốn công suất kho lạnh ở Trung Quốc có thể hạn chế cơ hội của các nhà sản xuất thịt trên toàn cầu đang đàm phán để ký kết các thỏa thuận xuất khẩu sang Trung Quốc. Anh, Đức, Nga và Ấn Độ là một trong những nước đang tìm cách bán thịt nhiều hơn sang Trung Quốc, trong khi đó, lượng thịt mà Trung Quốc nhập khẩu từ Brazil cũng tăng vọt trong năm này.
Xuất khẩu thịt heo và thịt gà của Brazil sang Trung Quốc lần lượt tăng 51% và 49% trong tháng 5-2019 so với cùng kỳ năm ngoái. Trong tháng 3, Canada đã tăng xuất khẩu thịt heo sang nước này với khối lượng cao hơn 80% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong khi đó, Argentinia thông báo hồi tháng 4 rằng 25 cơ sở chế biến thịt heo của nước này đã nhận được giấy phép xuất khẩu từ chính phủ Trung Quốc.
Bộ Nông nghiệp Mỹ dự báo sản lượng thịt heo của Trung Quốc trong năm nay sẽ giảm 20% so với năm ngoái, xuống mức thấp nhất trong 17 năm và lượng thịt heo mà Trung Quốc nhập khẩu trong năm nay sẽ tăng 40% so với cùng kỳ năm ngoái.
Công ty Tianjin Zhongyu Real Estate, nhà vận hành kho lạnh lớn nhất ở cảng Thiên Tân, ghi nhận không gian trữ lạnh ở một số cảng lớn đã được lấp gần đầy. Chỉ riêng tại cảng Thiên Tân, có khoảng 500.000 tấn thịt đang nằm trong các kho lạnh.
Cao Guoliang, quản lý vận hành ở công ty Tianjin Zhongyu Real Estate, cho biết các lô hàng xuất khẩu thịt sang Trung Quốc với số lượng lớn sẽ phải chờ cho đến khi các kho lạnh ở các cảng giải phóng hàng vào tháng 9 hoặc tháng 10 khi một số thịt trữ lạnh có thể được bán ra.
“Hầu hết các nhà nhập khẩu mua thịt từ tháng 3, tháng 4 và họ chỉ giải phóng nguồn thịt tích trữ khi thấy mức lợi nhuận đạt khoảng 3-5%”, Cao Guoliang nói và cho biết nếu bán ra ở giá hiện tại, họ sẽ không có lợi nhuận.
Giá thịt heo ở vùng Thành Đô đang giao dịch ở mức 16,3 nhân dân tệ/kg vào hôm 18-6, giảm so với mức giá 21,2 nhân dân tệ hồi tháng 12 năm ngoái. Song Bộ Nông nghiệp và các vấn đề nông thôn Trung Quốc dự báo giá thịt heo có khả năng tăng 70% lên mức kỷ lục vào nửa cuối năm nay khi nguồn cung thiếu hụt trầm trọng hơn do các nông dân trì hoãn thả nuôi đàn heo mới vì lo sợ thua lỗ nếu đàn heo nhiễm dịch tả heo châu Phi.
Zhang Jian, một nông dân nuôi heo ở thành phố Đại Liên, đã phải tiêu hủy đàn heo 1.700 con vào tháng 12 năm ngoái do dịch tả heo châu Phi lan vào trang trại của ông. Đối mặt với khoản lỗ 800.000 nhân dân tệ (115.600 đô la Mỹ), Zhang cho biết ông không chắc chắn có tiếp tục nuôi heo nữa không.
Chính phủ Trung Quốc đang kêu gọi các nông dân nuôi heo áp dụng các biện pháp phòng chống tả heo châu Phi bao gồm xây hàng rào để ngăn cách những con heo bị nhiễm bệnh và sử dụng các thiết bị khử trùng mới nhất.
Song với 60% nông dân nuôi heo ở Trung Quốc chỉ hoạt động ở quy mô nhỏ, nhiều người trong số họ không thể trả nổi chi phí để thực hiện các biện pháp ngăn ngừa tả heo châu Phi và họ sẽ từ bỏ chăn nuôi heo, Giáo sư Yang Hanchun ở Đại học Nông nghiệp Trung Quốc, Bắc Kinh, nhận định.
Theo dữ liệu của Bộ Nông nghiệp và các vấn đề nông thôn Trung Quốc, trong tháng 4-2019 đàn heo của Trung Quốc đã giảm 21% so với cùng kỳ năm ngoái, xuống mức thấp chưa từng thấy kể từ đầu thập niên 1990. Ngân hàng Rabobank (Hà Lan) dự báo trong năm 2019, đàn heo của Trung Quốc sẽ suy giảm 20-30% so với năm trước.
Chiến tranh thương mại càng khiến tình hình nghiêm trọng hơn. Tháng 7 năm ngoái, Trung Quốc đã áp thuế trả đũa lên mức 62% nhằm vào các sản phẩm thịt heo của Mỹ. Dù giá thịt heo Mỹ đang đắt hơn nhưng Trung Quốc có thể phải duy trì nhập thịt heo từ nước này vì các nguồn cung thay thế từ những nơi khác không ổn định.
Trong các đợt bùng phát dịch tả heo châu Phi trước đây ở các nước khác, phải mất ít nhất 5 năm để khống chế hoàn toàn dịch bệnh này. Eman Cui, nhà phân tích ở công ty nghiên cứu Gavekal Dragonomics (Hồng Kông) nhận định, Trung Quốc cần phải mất ít nhất 10 năm để dập tắt hoàn toàn tả heo châu Phi vì quy mô đàn heo của nước này lớn và các tiêu chuẩn vệ sinh chuồng trại ở Trung Quốc thấp hơn so với các nước phương Tây.
Chánh Tài (Bloomberg, Nikkei Asian Review, thesaigontimes)
Không có nhận xét nào: