Với nhiều chính sách hỗ trợ bà con diêm dân, chính quyền xã Hộ Độ, huyện Lộc Hà (Hà Tĩnh) đặt mục tiêu sản xuất 900 tấn muối, khôi phục lại thủ phủ nghề muối của tỉnh. Thế nhưng, nỗ lực vực dậy vựa muối lớn nhất tỉnh thất bại thảm hại khi toàn xã chỉ sản xuất được…40 tấn.
Xã Hộ Độ có hơn 1.900 hộ với khoảng 8.000 dân. Trước đây toàn xã có đến hơn 70% hộ dân làm nghề muối, với diện tích lên đến hơn 40ha, nhưng những năm gần đây, tỷ lệ này giảm dần. Người dân bỏ làm muối để đi theo nghề phụ như: Phụ hồ, làm thuê, mua bán đồng nát... Năm 2018, toàn xã chỉ còn 48 hộ bám trụ với nghề muối, chỉ chưa đầy 3ha.
Giá cả thấp, khó bán, diêm dân Hộ Độ bỏ hoang phần lớn diện tích sản xuát muối.
Nguyên nhân chính là muối rớt giá thê thảm, thiếu đầu mối bao tiêu. Nhiều diêm dân ở thủ phủ muối lớn nhất tỉnh khóc ròng, nói rằng trừ chi phí, cả vụ muối không đủ lo sách vở cho con tới trường.
"Từ nhiều năm nay, gia đình tôi làm 3 sào muối, mỗi ngày được hơn 1,5 tạ. Giá muối xuống quá thấp, 110 ngàn đồng/tạ nên thu nhập chẳng đáng là bao. Chúng tôi đang tính nghỉ hẳn, chuyển sang trồng rau"- ông Lê Sơn, SN 1958, một diêm dân ở xóm Yên Thọ buồn bã nói.
Trước thực tế đó, UBND tỉnh Hà Tĩnh đã chỉ đạo các sở ngành, huyện Lộc Hà hỗ trợ tối đa diêm dân xã Hộ Độ để vực dậy vựa muối lớn nhất tỉnh này. Tháng 1/2018, HĐND xã Hộ Độ cũng đã ra Nghị quyết số 24/2018/NQ-HĐND về việc ban hành một số chính sách khuyến khích phát triển nông nghiệp, nông thôn xã Hộ Độ giai đoạn 2018 - 2020.
Theo đó, đối với cải tạo, khai hoang, phục hóa nại muối bỏ hoang từ 2 năm về trước đưa vào sản xuất có sản phẩm sẽ được hỗ trợ 2 triệu đồng/sào (không quá 10 triệu đồng/hộ); hỗ trợ 50.000 đồng/ô đen làm mới.
Theo kế hoạch năm 2019 này, toàn xã sẽ tập trung sản xuất muối đạt diện tích là 15 ha, tổng sản lượng đạt 900 tấn.
Thế nhưng thời điểm này, khi muối đang bước vào chính vụ thì tổng diện tích được người dân đưa vào sản xuất đạt 5,5 ha, chỉ bằng 37% kế hoạch. Sản lượng muối cũng chỉ đạt khoảng 40 tấn, đạt 5% kế hoạch.
Theo kế hoạch năm 2019 này, toàn xã Hộ Độ sẽ tập trung sản xuất muối đạt diện tích là 15 ha, tổng sản lượng đạt 900 tấn. Nhưng thực tế, mọi số liệu đặt ra đều không đạt kết quả.
Nỗ lực phục hoá diện tích bỏ hoang nhiều năm trước cũng thất bại nặng nề. Sau khi ban hành nghị quyết, đến nay toàn xã chỉ phục hoá được 1,5 sào với số tiền hỗ trợ 3 triệu đồng; 304 ô đen, hỗ trợ 15,2 triệu đồng. Nhiều người không còn mặn mà với nghề muối, nên ngoảnh mặt với nỗ lực khôi phục nghề muối của chính quyền.
Bắt gặp trên cánh đồng muối Hộ Độ giữa cái nắng đổ lửa là hình ảnh những người già đang chống lưng với trời để đổi lấy hạt muối. Nhiều người trong số diêm dân ít ỏi bám nghề này vì không có đất trồng trọt, phần vì luyến lưu với nghề truyền thống địa phương nên họ vẫn phải cố theo.
Bà Lê Thị Kỳ (thôn Yên Thọ, xã Hộ Độ) bộc bạch: "Muối rẻ, không ai mua, có lúc chúng tôi phải đẩy xe đi bán dạo. Bây giờ bọn trẻ thoát ly đi làm ăn, chúng tôi già cả, không có nghề phụ nên vẫn bám trụ với nghề muối. Thôi thì được đồng nào hay đồng đó!”.
“Chúng tôi chỉ mong sao, nhà nước có chính sách quan tâm hỗ trợ diêm dân hơn nữa, đảm bảo bao tiêu sản phẩm hoặc có các dịch vụ thu mua để người dân yên tâm sản xuất” - bà Kỳ trải lòng.
Ông Hoàng Hải Đường - Phó Chủ tịch UBND xã Hộ Độ cho biết: “Dù nhà nước đã ban hành nhiều chính sách hỗ trợ, khuyến khích, động viên bà con, tuy nhiên, thu nhập từ nghề muối quá thấp, công việc lại vất vả nên bà con đã không còn mặn mà nữa”.
Không chỉ thế, theo ông Đường, những năm gần đây, diêm dân Hộ Độ gặp rất nhiều khó khăn trong sản xuất. Những thay đổi bất thường của thời tiết cùng với đó là hiện tượng ngọt hóa sông Nghèn cũng khiến việc sản xuất không thuận lợi.
Thực trạng nêu trên khiến mọi nỗ lực kêu gọi bà con diêm dân ở thủ phủ sản xuất muối Hộ Độ quay lại với cái nghề truyền thống theo họ hàng trăm năm nay rất khó để thành công. Hướng đi nào để làng nghề này trở lại thời hoàng kim, phát triển bền vững là một câu hỏi chưa dễ trả lời.
Hà Phương (Dân Trí)
Không có nhận xét nào: