UBND tỉnh Quảng Nam đang triển khai chương trình “Mỗi xã một sản phẩm” và tổ chức thẩm định, kiểm tra, gắn sao cho từng sản phẩm, thương hiệu chất lượng.

Đóng gói sản phẩm Gạo Phong Thử. T.Đ.T

Nông sản hữu cơ “lên đời”

Bãi biền ven sông Thu Bồn thuộc các xã Điện Quang, Điện Trung, Điện Phong (TX.Điện Bàn, Quảng Nam) được ví như vùng đất “vàng” cho cây trồng ngắn ngày, trong đó có đậu phụng (cây lạc). Trước đây, người dân chủ yếu trồng lạc ép lấy dầu sử dụng trong gia đình, dư dả thì làm quà.

"Mục đích cuối cùng nhằm nâng cao hơn nữa chất lượng sản phẩm OCOP, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho việc tiêu thụ sản phẩm, tăng thu nhập cho nông dân. Sản phẩm càng nhiều sao, chất lượng càng đảm bảo. Căn cứ vào các sao gắn trên sản phẩm nông nghiệp, người tiêu dùng yên tâm hơn khi mua hàng" Ông Lê Trí Thanh, Phó chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam

Nắm bắt nhu cầu của thị trường, đặc biệt việc sử dụng sản phẩm nông nghiệp hữu cơ tăng cao, hợp tác xã ông nghiệp Điện Quang đã ký hợp đồng trồng và thu mua đậu phụng với nông dân. Đến mùa thu hoạch, nông dân phơi khô, đóng bao mang đậu đến bán cho hợp tác xã làm nguyên liệu ép dầu. “Khi ký kết với người nông dân, chúng tôi đưa ra những cam kết cụ thể nhằm đảm bảo giống cây trồng, thời điểm bón phân hữu cơ, phun thuốc, thu hoạch… để dầu phụng đạt chất lượng cao nhất”, ông Nguyễn Đức Thành, Giám đốc hợp tác xã nông nghiệp Điện Quang, nói về quy trình sản xuất dầu phụng mang thương hiệu Đất Quảng.

Cũng theo ông Nguyễn Đức Thành, hiện sản phẩm của hợp tác xã đã được bày bán tại Q.Tân Bình (TP.HCM), Đà Nẵng, TP.Tam Kỳ (Quảng Nam); mỗi tháng lượng dầu bán ra trên 500 lít. “Chúng tôi quy định, các đại lý chỉ bán giá dưới 150.000 đồng/lít để tăng sản lượng tiêu thụ. Từ đó, bà con mình có thêm thu nhập, tập trung tăng diện tích trồng đậu phụng”, ông Thành nói thêm và cho hay UBND tỉnh Quảng Nam đã công nhận, gắn 3 sao cho sản phẩm Dầu phụng Đất Quảng; diện tích trồng đậu phụng ban đầu 3 - 4 ha cũng được tăng lên 15 ha mỗi mùa.

Trong khi đó, hợp tác xã nông nghiệp Ái Nghĩa (H.Đại Lộc) chuyên sản xuất bánh tráng mang thương hiệu “Bánh tráng Đại Lộc” cũng được gắn 4 sao. Sản phẩm của hợp tác xã được người dân miền Trung ưa chuộng, bày bán trong các siêu thị, cửa hàng tạp hóa; tiêu thụ nhiều nhất là bánh tráng xấp dùng để cuốn rau sống thịt heo. Hay như sản phẩm gạo sạch mang thương hiệu “Gạo Phong Thử” sản xuất trên cánh đồng xã Điện Thọ (TX.Điện Bàn) theo mô hình sản xuất lúa gạo hữu cơ được công nhận và gắn 3 sao…

Khẳng định chất lượng

Ông Nguyễn Đức Thành giới thiệu Dầu phụng Đất Quảng, sản phẩm được gắn 3 sao. Ảnh: Hữu Trà

Theo ông Nguyễn Đức Thành, từ khi được gắn sao bảo chứng sản phẩm nông sản của tỉnh, sản phẩm hợp tác xã nông nghiệp Điện Quang tiêu thụ mạnh hơn. Nông dân vì thế cũng phấn khởi, không còn lo chuyện được mùa mất giá.

Trao đổi với PV Thanh Niên, ông Lê Trí Thanh, Phó chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam, cho biết “Mỗi xã một sản phẩm (OCOP)” là chương trình phát triển kinh tế nông thôn lớn của quốc gia và Quảng Nam là một trong 10 địa phương được ưu tiên triển khai sớm. “Việc bình chọn và xếp hạng, gắn sao như thế này có ý nghĩa quan trọng, qua đó đánh giá được giá trị của sản phẩm cả về nội dung và hình thức. Khi đã được xếp hạng, gắn sao thì các sản phẩm được in lên bao bì logo công nhận sản phẩm OCOP. Đây là cách để người tiêu dùng nhận diện thương hiệu, sản phẩm nông nghiệp đạt chuẩn chất lượng”, ông Thanh nói.

Phó chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam cho biết thêm, sau khi đã được gắn sao, các sản phẩm sẽ được hỗ trợ kinh phí từ UBND tỉnh Quảng Nam, từ nguồn vốn ngân sách T.Ư để hoàn thiện sản phẩm như: nguyên liệu đầu vào, bao bì, mẫu mã, quảng bá, mở rộng thị trường tiêu thụ, dán tem truy xuất nguồn gốc… “Mục đích cuối cùng nhằm nâng cao hơn nữa chất lượng sản phẩm OCOP, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho việc tiêu thụ sản phẩm, tăng thu nhập cho nông dân. Sản phẩm càng nhiều sao, chất lượng càng đảm bảo. Căn cứ vào các sao gắn trên sản phẩm nông nghiệp, người tiêu dùng yên tâm hơn khi mua hàng”, ông Thanh đánh giá và nói thêm: “Quảng Nam cũng đang tính đến chuyện công nhận sản phẩm OCOP trên chuẩn 5 sao, khi sản phẩm đạt tầm quốc tế có thể tham dự các hội chợ OCOP thường niên”.

Cần có bộ tiêu chí cấp quốc gia

Năm 2020, chương trình OCOP tại Quảng Nam đặt mục tiêu hoàn thiện, nâng cấp 130 sản phẩm thế mạnh, phát triển 100 sản phẩm mới, 3 - 4 làng du lịch dịch vụ, 3 sản phẩm đạt chuẩn 5 sao cấp tỉnh và 1 sản phẩm đạt chuẩn 5 sao cấp quốc gia. Theo ông Lê Trí Thanh, hiện Chính phủ chưa ban hành Bộ tiêu chuẩn xét chọn sản phẩm OCOP. Tuy nhiên, xuất phát từ tình hình thực tế, Quảng Nam đã ban hành quy định tạm thời về tiêu chuẩn xét chọn, bình chọn sản phẩm OCOP cấp tỉnh, một phần do nhiều địa phương trong tỉnh còn chưa tích cực quan tâm đến chương trình. “Nếu có bộ tiêu chí chung, tỉnh Quảng Nam sẽ căn cứ để điều chỉnh cho phù hợp”, ông Thanh nói.

Hữu Trà (Báo Thanh Niên)

Về Tin tức nông nghiệp

Chuyên tin tức nông nghiệp, chỉ tin tức nông nghiệp. tintucnongnghiep.com là một blog chia sẻ tin tức nông nghiệp Việt Nam và thế giới theo tiêu chí kết nối, chia sẻ và phi lợi nhuận.
«
Trước
Bài đăng Mới hơn
»
Sau
Bài đăng Cũ hơn

Không có nhận xét nào:

Chia sẻ của bạn về bài viết này: