Trước thực tế mất mùa vải năm nay thì một vườn vải thiều có một không hai ở thôn Chão Cũ (xã Giáp Sơn, huyện Lục Ngạn tỉnh Bắc Giang) vẫn cho năng suất khá cao khi chủ vườn là một người dân tộc Sán Dìu đã có bí quyết bắt cây vải thiều ra hoa, đậu quả ngay trên thân cây.
Ông Trần Văn Hành là người dân tộc Sán Dìu ở thôn Chão, xã Giáp Sơn. Gia đình ông Hành có hơn 2 ha trồng vải thiều. Hàng năm, gia đình ông thu hoạch từ cây ăn quả khoảng trên dưới 1 tỷ đồng, trong đó từ vải thiều là chủ yếu.
Người dân nơi đây vẫn quen gọi ông là "phù thủy" của quả vải, bởi sản lượng, mẫu mã của loại vải thiều này được đánh giá cao hơn so với các quả vải thiều truyền thống. Ở thời điểm này, vải trong vườn nhà ông Hành đang được bán với giá trên 50.000 đồng/kg, cao hơn nhiều so với vải thiều thông thường.
Vụ vải năm nay, trong khi nhiều vườn vải Bắc Giang rơi vào cảnh mất mùa thì vườn vải của “phù thủy” Hành vẫn lúc lỉu quả ở ngay cả thân cây vải.
Ý tưởng ép vải ra quả từ thân được bắt đầu vào năm 2012 trong một lần tình cờ thấy cây vải giao tán vào nhau tạo nhiều khoảng râm, anh đã bấm bớt cành nhỏ đầu tán để vườn có nhiều ánh sáng. Không ngờ sau đó, rất nhiều nhánh lộc mọc ra từ thân cây, hoa chi chít. Năm đầu tiên anh quan sát và đã thấy quả ra từ thân chất lượng ngon hơn, hình thức đẹp hơn quả ở cành. Càng về sau thì chất lượng cũng như sản lượng của cây vải càng cao.
Lộc ra từ thân ngay sau vụ thu hoạch được cắt bỏ, đợi lộc ra đợt kế tiếp cách đó chừng hai tháng thì ông để lại cho ra hoa. Do cắt tỉa cành, hạn chế tán cây phát triển giúp ánh sáng tỏa xuống thân, rồi đồng loạt bón thúc nên chất dinh dưỡng dồn tụ lại, làm bật mầm thân cây. Có những chùm nặng hai đến vài kg rất bắt mắt.
Theo ông Hành, quả từ những lộc thân cây thường to mọng, mã quả đỏ và sáng bắt mắt, năm nào gia đình cũng được khách hàng đổ xô đến mua và chủ yếu vải được xuất khẩu sang Trung Quốc.
Việc cho vải ra quả từ thân đã đã mang lại những hiệu quả về kinh tế, thu hái nhanh, bớt đi một nửa nhân công trong những ngày cao điểm, giá cao và ổn định. Với giải pháp này, năm nào vườn vải nhà ông Hành cũng được mùa với sản lượng đạt cao, thu về khoảng gần 1 tỷ đồng/năm.
Ông Hành vui vẻ tâm sự: “Đến nay là vụ vải thứ 7 gia đình tôi thực hiện thành công kỹ thuật cho quả vải thiều ra quả trên thân cây. Với kỹ thuật này, năm nào vườn vải nhà tôi cũng được mùa. Với vụ vải 2019 vải thiều không được mùa thì tôi cũng thu được khoảng 15 tấn vải, so với nhiều gia đình thì nhà tôi vẫn gọi là được mùa”.
Được biết, gia đình ông Trần Văn Hành cũng là một trong những hộ đầu tiên tiên phong sản xuất quả vải an toàn theo tiêu chuẩn nông sản sạch VietGAP, Global GAP. Điều này không những đảm bảo chất lượng cho vải thiều mà còn ổn định về giá và đầu ra tiêu thụ.
Khi sản xuất vải theo tiêu chuẩn GlobalGAP, đòi hỏi người dân phải tuân thủ những quy định khắt khe về bón phân, sử dụng thuốc BVTV đúng danh mục, nồng độ, liều lượng theo hướng ưu tiên các loại thuốc thảo dược. Đặc biệt, sản xuất theo Global GAP, người trồng vải phải quan tâm đến công tác vệ sinh vườn vải, rắc vôi bột tránh phát sinh sâu bệnh, quan tâm đến việc tỉa cành tạo tán. Quy trình sản xuất này sẽ giúp người dân thay đổi nhận thức canh tác truyền thống, mạnh dạn áp dụng quy trình sản xuất mới, giúp bà con sản xuất ra sản phẩm sạch, đáp ứng được nhu cầu của thị trường.
Hiện nay, toàn tỉnh Bắc Giang có tổng diện tích vải thiều 28.352 ha, ước tính sản lượng đạt khoảng 150 nghìn tấn. Đáng ghi nhận là diện tích vải trồng theo tiêu chuẩn VietGAP là 13.855 ha, sản lượng ước đạt tới 75 nghìn tấn, diện tích trồng theo tiêu chuẩn GlobalGAP là 218 ha, sản lượng ước đạt 1,1 nghìn tấn. Năm nay quả vài được đánh giá là đều và đẹp hơn.
Nguyễn Chương (Dân Việt)
Không có nhận xét nào: