Giống lúa Một bụi đỏ được cấp chỉ dẫn địa lý “Hồng Dân”, thích hợp ở vùng tôm - lúa của Bạc Liêu và ĐBSCL, bị đề nghị ngưng thực hiện đề tài cải thiện chất lượng vì… có đề tài khác giống và chủ nhiệm đề tài chuyển nơi công tác.
Lúa Một bụi đỏ được trồng nhiều ở vùng đất nhiễm mặn ở Bạc Liêu và ĐBSCL - Ảnh: Ngọc Hân
Đề tài "Cải thiện chất lượng giống lúa Một bụi đỏ Hồng Dân" của ông Võ Đăng Ký được hội đồng tư vấn xét duyệt đề cương tỉnh Bạc Liêu duyệt và cho triển khai thực hiện từ tháng 9-2018. Thời điểm này, ông Ký là cán bộ thuộc Phòng NN&PTNT huyện Hồng Dân.
Mọi công tác phục vụ cho việc nghiên cứu cải thiện giống lúa này đã được tiến hành "trơn tru" thì đến ngày 26-4-2019, Sở Giáo dục, khoa học và công nghệ Bạc Liêu có văn bản đề nghị UBND tỉnh xem xét loại bỏ đề tài.
Lý do là ông người chủ nhiệm đề tài là ông Ký chuyển công tác. Thêm nữa, đề tài này có dấu hiệu trùng lắp với một số đề tài khác, vì thế các cơ quan chức năng cho rằng nếu thực hiện sẽ "không hiệu quả, gây lãng phí cho ngân sách tỉnh".
Trong khi đó, ông Ký tiếp tục kiến nghị không nên hủy bỏ đề tài này, và so với các đề tài về giống lúa này, nghiên cứu của ông khác từ quan điểm, mục tiêu đến nội dung và phương pháp.
"Nếu được triển khai đúng tiến độ thì đã được 2 mùa và mùa tới đã có sản phẩm rồi", ông Ký bức xúc.
Thu hoạch tôm trên vùng đất trồng lúa Một bụi đỏ ở Hồng Dân - Ảnh: Ngọc Hân
Theo ông Ký, trước đây toàn huyện có hơn 15.000ha sản xuất lúa Một bụi đỏ nhưng do giống bị thoái hóa nên cứng cơm, hạt to và không thơm, bị thương lái chê nên nông dân ít trồng, hiện tại chỉ còn khoảng 6.000ha.
Ông Huỳnh Hùng Dũng - phó giám đốc Sở Giáo dục, khoa học và công nghệ Bạc Liêu - cho biết quan điểm của ông là "đúng sẽ cho làm" và sắp tới sẽ làm việc với các bên liên quan.
Doanh nghiệp ký mua 3.000 tấn, nhưng gạo phải ngonChiều 30-5, ông Nguyễn Văn Thới, phó chủ tịch UBND huyện Hồng Dân, cho biết giống lúa "Một bụi đỏ" có xuất xứ từ huyện Hồng Dân và được trồng khoảng 20 năm nay (hiện được trồng trên vùng lúa - tôm), đã được Cục Sở hữu trí tuệ công nhận chỉ dẫn địa lý vào năm 2008.Ông Thới cũng nhận định đây là giống lúa "có tiếng vang xa" và địa phương đang tiếp cận doanh nghiệp để từng bước cải tạo, nâng cấp, làm thương hiệu.Theo tờ trình xin thực hiện đề tài "phục tráng giống lúa Một bụi đỏ Hồng Dân" của UBND huyện Hồng Dân, đầu năm 2016 huyện đã ký hợp đồng với 2 doanh nghiệp ở TP.HCM với số lượng trên 3.000 tấn.Tuy nhiên, các doanh nghiệp này yêu cầu sản phẩm gạo Một bụi đỏ phải được cải tiến lại theo các tiêu chuẩn gạo thơm hơn (protein lớn hơn 8,4%), hạt gạo mềm cơm, hàm lượng amylose thấp hơn 17% và hạt gạo dài hơn 7mm cũng như đảm bảo các tiêu chuẩn còn lại theo quyết định công nhận chỉ dẫn địa lý của Cục Sở hữu trí tuệ.
Chí Quốc (Báo Tuổi Trẻ)
Không có nhận xét nào: