» » » Sâu keo mùa thu 'tấn công' ngô ở Lào Cai

Từ đầu tháng 4 tới nay, Chi cục Trồng trọt & Bảo vệ thực vật tỉnh Lào Cai phát hiện nhiều diện tích ngô tại các huyện nhiễm sâu keo mùa thu. Đơn vị đã ngay lập tức lên phác đồ "điều trị" loài sâu cứng đầu này.

Sâu keo mùa thu hại ngô phát hiện tại Lào Cai

Trao đổi với Báo NNVN, ông Phạm Quốc Cường, Phó Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt & Bảo vệ thực vật Lào Cai cho biết, có khoảng 130/21.000 ha ngô của địa phương ghi nhận có sâu keo mùa thu tấn công. Diện tích bị sâu gây hại tập trung ở 4 huyện là Văn Bàn (75 ha), Bát Xát (22,5 ha), Bảo Thắng (23 ha) và huyện Bảo Yên (10 ha).

Địa phương phát hiện sớm nhất là xã Gia Phú của huyện Bảo Thắng với 50/80 ha ngô, chiếm 60% diện tích. Mật độ sâu phổ biến 1 – 2 con/cây. Cục bộ có những cây xuất hiện 5 – 7 con. Theo ông Cường, đặc điểm hình thái và đặc tính gây hại của sâu keo mùa thu là có đầu hình chữ Y ngược. Trên lưng sâu, đốt áp sát đuôi có 4 chấm đen cân đối. Mỗi đốt thân có 4 chấm xếp hàng thành hình thang, lưng có 3 sọc màu sáng chạy song song.

Đặc điểm hình thái của ngài (bướm đêm) và sâu keo mùa thu

Sâu gây hại từ trong ra ngoài với sức ăn rất khoẻ tại phần ngọn non của cây ngô. Thời điểm gây hại khi cây ngô đạt từ 3 – 9 lá, thậm chí đã xoáy nõn. Với những diện tích ngô đã hạn chế sâu bệnh, phần nõn tiếp tục chồi thành lá, tuy nhiên sẽ ảnh hưởng tới năng suất.

Ngay sau khi phát hiện, ngành nông nghiệp tỉnh Lào Cai đã gửi mẫu về Hà Nội để xác định đúng loài gây bệnh để tiến hành các biện pháp phòng trừ. Tuy nhiên, đây là loài sâu “cứng đầu”, kháng thuốc Bảo vệ thực vật nên phòng trừ vô cùng khó khăn. Cơ quan chức năng đã hướng dẫn người dân áp dụng đồng thời các biện pháp tức thời để diệt loài sâu này.

Một là dùng các loại thuốc bột rắc thẳng vào nõn ngô. Đối vối thuốc là dung dịch, khi phun phải hướng đầu vòi chĩa thẳng vào nõn của cây ngô, tránh thuốc trôi theo lá xuống đấy. Phương pháp nữa là, người dân có thể dùng tay vạch nõn ngô để bắt từng con. “Chúng tôi đánh giá, nếu người dân áp dụng theo đúng những cách trên có thể khống chế rất nhanh sâu bệnh. Riêng phương pháp bắt bằng tay, tuy hơi mất công nhưng cũng nhanh, không gây độc hại môi trường”, ông Cường cho biết.

Kể cả khi hết sâu bệnh, cây ngô vẫn sẽ bị ảnh hưởng năng suất

Kiểm tra thực tế cho thấy, diện tích ngô bị sâu gây hại tại điểm đầu tiên phát hiện – xã Gia Phú đã phát triển xanh tốt trở lại. Mật độ cũng như tốc độ lây lan của sâu cũng đã giảm xuống rất nhiều. Theo ông Cường, nếu như chính quyền chung tay cùng người dân, cơ quan chức năng vào cuộc thì loài sâu bệnh này không đáng lo.

Cũng theo vị này, những năm trước, tại Lào Cai có thể đã xuất hiện sâu keo mùa thu. Tuy nhiên do mật độ ít, diện tích lây lan ít nên chỉ coi đó là một loại sâu đục thân thông thường. Ông Cường cho biết, diện tích năm nay lớn hơn, nhưng tỉnh đã có biện pháp phòng trừ, vẫn trong tầm kiểm soát nên chưa công bố dịch bệnh. Người dân cũng mới được hỗ trợ về mặt kỹ thuật phòng trừ bệnh.

“Chúng tôi đang tiếp tục theo dõi trong 2 – 3 tháng tới để xem loại sâu này có đặc tính phá hoại bắp hay không. Chúng tôi cũng chưa nắm được vòng đời chính xác của loại sâu, cũng như ngài để đưa ra biện pháp phòng và diệt tối ưu nhất”, ông Cường chia sẻ.

Chi cục Trồng trọt & Bảo vệ thực vật tỉnh Lào Cai ngay lập tức lên phác đồ "điều trị" sâu keo mùa thu

Ông Hà Văn Quang, Trưởng phòng NN-PTNT huyện Bảo Yên cho biết, hiện có 2 xã xuất hiện sâu keo mùa thu hại ngô tại Kim Sơn và Cam Cọn. Do nắm bắt tình hình, triển khai từ sớm nên dịch bệnh đã được khống chế.

Trong khi đó, ông Nguyễn Văn Hùng, Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt & Bảo vệ thực vật Lào Cai cho biết, đã nắm được và đang cho triển khai nội dung công văn khẩn của Bộ trưởng NN-PTNT hôm 24/4. Lào Cai đang cử 2 cán bộ kỹ thuật xuống Hà Nội tham gia lớp tập huấn kiến thức về sâu keo mùa thu do Cục Bảo vệ thực vật tổ chức. “Sau khi 2 cán bộ này trở về, chúng tôi sẽ trao đổi, sau đó sẽ mời các huyện lên để hướng dẫn, phổ biến lại kiến thức”, ông Hùng cho hay.

Để đối phó với sâu keo mùa thu, ngành chức năng tỉnh Lào Cai đã hướng dẫn dùng loại thuốc đặc trị chứa các hoạt chất như Indoxacarb, Chlorantraniliprole, Flubendiamide. Cụ thể: thuốc Captain 350SC; Opulent 150SC; Virtako 40WG; Takumi 20WG; Dupont Prevathon 5SC; Clever 150SC, 300WG…

Kế Toại (Báo Nông nghiệp Việt Nam)

Về Tin tức nông nghiệp

Chuyên tin tức nông nghiệp, chỉ tin tức nông nghiệp. tintucnongnghiep.com là một blog chia sẻ tin tức nông nghiệp Việt Nam và thế giới theo tiêu chí kết nối, chia sẻ và phi lợi nhuận.
«
Trước
Bài đăng Mới hơn
»
Sau
Bài đăng Cũ hơn

Không có nhận xét nào:

Chia sẻ của bạn về bài viết này: