» » Nông dân và doanh nghiệp mất lòng tin, cánh đồng lớn hết 'nóng'

Sau gần 10 năm triển khai mô hình cánh đồng mẫu lớn (hiện nay gọi là mô hình cánh đồng lớn), tổng diện tích tổ chức theo phương thức liên kết sản xuất này chỉ chiếm hơn 10% diện tích sản xuất lúa của vùng Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL).

Sau gần 10 năm triển khai, mô hình cánh đồng lớn chỉ chiếm hơn 10% diện tích sản xuất. Trong ảnh là nông dân thu hoạch lúa trong mô hình cánh đồng lớn ở ĐBSCL. Ảnh: Trung Chánh

Mô hình cánh đồng lớn được biết đến với tiền thân là mô hình cánh đồng mẫu lớn- một hình thức liên kết sản xuất, bao tiêu lúa gạo giữa doanh nghiệp và nông dân- được thí điểm lần đầu tiên trong vụ hè thu năm 2011 tại 12 tỉnh vùng ĐBSCL và Tây Ninh với diện tích liên kết lúc bấy giờ đạt trên 7.800 héc ta với 6.400 hộ nông dân tham gia.

Số liệu của Cục kinh tế hợp tác và Phát triển nông thôn công bố cho thấy, sau lần đầu tiên thí điểm mô hình cánh đồng lớn, diện tích sản xuất áp dụng mô hình này đã có bước tăng nhảy vọt.

Cụ thể, đến năm 2014, tổng diện tích sản xuất của mô hình cánh đồng lớn ở ĐBSCL đạt 146.000 héc ta, đến năm 2015 đạt khoảng 196.000 héc ta. Trong đó, một số địa phương có diện tích sản xuất lớn như: Cần Thơ (39.000 héc ta), Bạc Liêu (17.000 héc ta)…

Thế nhưng, sau giai đoạn tăng trưởng vượt bậc như nêu trên, trong những năm gần đây, mô hình cánh đồng lớn đã không còn “nóng” như những năm đầu thí điểm, mà cụ thể, sau gần 10 năm triển khai, diện tích sản xuất áp dụng mô hình này ở ĐBSCL cũng chỉ chiếm khoảng 10% diện tích sản xuất trong một vụ.

Cụ thể, số liệu báo cáo mới nhất của Cục trồng trọt thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho thấy, vụ đông xuân 2017-2018, tổng diện tích lúa sản xuất theo mô hình cánh đồng lớn đạt 170.000 héc ta, chiếm chỉ hơn 10% tổng diện tích sản xuất lúa trong vụ đông xuân 2017-2018 của ĐBSCL (1,68 triệu héc ta).

Sau gần 10 năm triển khai, nhưng diện tích sản xuất theo mô hình liên kết tiêu thụ sản phẩm chỉ chiếm hơn 10% tổng diện tích sản xuất rõ ràng là còn rất khiêm tốn.

Lý giải vấn đề này, ông Nguyễn Thanh Phong, Giám đốc Công ty Vạn Lợi- một đơn vị chuyên kinh doanh lúa gạo cho rằng, giữa doanh nghiệp và người nông dân vẫn "chưa có tiếng nói chung", tức khi giá lúa xuống thấp, thì doanh nghiệp vẩn còn cố tình kéo dài thời gian thu mua để ép giá nông dân, trong khi lúc giá lúa tăng cao, thì nông dân lại “bẻ kèo” bán bên ngoài. “Vì vậy, doanh nghiệp và nông dân mất lòng tin lẫn nhau, cho nên, mô hình này cũng không phát triển mạnh được”, ông cho biết.

Trong khi đó, một vị lãnh đạo ở ĐBSCL cho rằng, chính tư duy “thương vụ và mùa vụ” của những người trong cuộc đã khiến mối liên kết này không bền vững, dẫn đến khả năng phát huy mô hình cánh đồng lớn kém. “Thực tế, khi vào vụ đông xuân, là vụ lúa có chất lượng gạo tốt nhất trong năm, thì doanh nghiệp tranh thủ ký hợp đồng liên kết với nông dân. Nhưng, khi bước sang vụ hè thu, có chất lượng gạo xấu, thì doanh nghiệp “trốn”, như vậy, thì làm sao bền vững”, vị này nêu vấn đề.

Trung Chánh (thesaigontimes)

Về Tin tức nông nghiệp

Chuyên tin tức nông nghiệp, chỉ tin tức nông nghiệp. tintucnongnghiep.com là một blog chia sẻ tin tức nông nghiệp Việt Nam và thế giới theo tiêu chí kết nối, chia sẻ và phi lợi nhuận.
«
Trước
Bài đăng Mới hơn
»
Sau
Bài đăng Cũ hơn

Không có nhận xét nào:

Chia sẻ của bạn về bài viết này: