Trái với những kỳ vọng ban đầu, mô hình cánh đồng lớn ở đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) đang dần teo tóp khi doanh nghiệp vẫn phải loay hoay tìm đầu ra vì cơ quan quản lý chỉ hô hào phát động mà không có kế hoạch triển khai cụ thể.
Mô hình cánh đồng lớn thất bại do thiếu đầu ra. Ảnh: Trung Chánh
Nguồn gốc và kỳ vọng
Ông Dương Văn Chín, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu nông nghiệp Định Thành, thuộc tập đoàn Lộc Trời, cho biết vào năm 1988 Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết 10 về đổi mới quản lý kinh tế nông nghiệp, cho người nông dân được toàn quyền quyết định cây trồng trên thửa ruộng của họ, sản phẩm làm ra là của chính họ thay vì của hợp tác xã như trước đây.
Đây là cột mốc quan trọng để nền nông nghiệp Việt Nam phát triển, tuy nhiên, mô hình này sau đó bộc lộ nhiều nhược điểm khi mỗi nông dân trồng một giống cây với quy trình riêng, sản phẩm làm ra không đồng đều, chất lượng kém, thậm chí bị nhiễm bẩn, tồn dư hóa chất, thuốc bảo vệ thực vật.
“Đó là lý do xuất hiện các mô hình tự phát tương tự cánh đồng lớn, được gọi dưới nhiều cái tên như cánh đồng liên kết, cánh đồng một giống, cánh đồng 3 giảm 3 tăng, cánh đồng lý tưởng...”, ông Chín nói.
Dĩ nhiên, mô hình tự phát chưa thực sự hoàn hảo nên vào thời điểm 2010-2011, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã bàn cách tập hợp nhiều cánh đồng diện tích nhỏ liền kề nhau, gom lại thành cánh đồng lớn.
“Ruộng của những người nông dân tham gia liên kết phải có bờ dính liền nhau, liên kết lại làm bờ lớn hơn, đưa cơ giới hóa vào, áp dụng 1-2 giống trên một cánh đồng, quy trình kỹ thuật phải đồng nhất...”, ông nói rằng quan điểm của cánh đồng lớn lúc đó rất tốt, “mô hình này được kỳ vọng sẽ tạo ra khối lượng hàng hóa lớn, có chất lượng để thắng lợi trên thị trường trong nước và xuất khẩu”.
Ông Lê Văn Bảnh, nguyên Viện trưởng Viện lúa Đồng bằng sông Cửu Long, cho biết trước đây tổ chức sản xuất lúa gạo kém hiệu quả, đa phần là nông hộ nhỏ, sản xuất manh mún. Trong khi đó, nhu cầu đòi hỏi khối lượng lớn, đồng đều về sản phẩm, có thể truy xuất nguồn gốc và quản lý lượng thuốc bảo vệ thực vật để tạo thương hiệu. “Thực hiện việc này mà dùng nông hộ sản xuất nhỏ là thua”, ông giải thích cánh đồng lớn ra đời từ ý tưởng đó.
Theo ông Bảnh, những mục tiêu trên là xu hướng tất yếu, đáp ứng được đòi hỏi của thị trường nên đã thu hút nhiều doanh nghiệp tham gia vào mô hình này. Trong đó, điển hình là tập đoàn Lộc Trời, tiền thân là Công ty cổ phần Bảo vệ thực vật An Giang. “Mỗi doanh nghiệp sẽ có hình thức liên kết với nông dân khác nhau, nhưng bắt buộc phải bao tiêu sản phẩm cho nông dân”, ông nói.
Năm 2011, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã cho thí điểm mô hình cánh đồng lớn đầu tiên ở vụ hè thu 2011 với diện tích khoảng 8.000 héc ta. Sau đó, mô hình liên tục được mở rộng diện tích và đạt đến gần 200.000 héc ta trong năm 2015.
“Teo” dần vì thiếu đầu ra
Mô hình cánh đồng lớn muốn thành công phải xuất phát từ thị trường, nghĩa là doanh nghiệp phải biết khách hàng cần loại gạo gì, tiêu chuẩn ra sao... Khi có đầu ra rồi, họ mới quay sang hợp đồng sản xuất cùng nông dân với diện tích và tiêu chuẩn phù hợp.
Sau một thời gian duy trì, mô hình cánh đồng lớn không những không đạt mục tiêu như kỳ vọng mà còn đang teo tóp dần. “Mô hình coi như đã thất bại hoàn toàn”, ông Chín của Trung tâm Nghiên cứu nông nghiệp Định Thành thẳng thắn thừa nhận.
Ngay cả với tập đoàn Lộc Trời - đơn vị đi đầu và thành công nhất trong thực hiện cánh đồng lớn - theo nhận định của ông Chín, hiện chỉ còn thực hiện khoảng 30.000 héc ta trên mô hình này, giảm mạnh so với con số 90.000 héc ta của năm 2015.
Đánh giá chung về sự thất bại của mô hình này ở ĐBSCL, ông Chín cho rằng “nói suông” nhiều quá, khi phát động thì hô hào rất to nhưng lại không có kế hoạch rõ ràng. “Nội dung thực hiện là gì? Ai làm? Tiền ở đâu và làm trong mấy năm?... đều không được quy định cụ thể. Mình chỉ nói ào ào rồi không có tiền, không có ai lãnh đạo, mạnh ai nấy làm nên thất bại là đương nhiên”, ông Chín nhận định.
Trong khi đó, ông Bảnh giải thích rằng doanh nghiệp phải chịu áp lực lớn trong thu mua lúa của nông dân khi vào vụ thu hoạch nhưng lại thiếu vốn để đầu tư hạ tầng về kho hàng, phương tiện vận chuyển, nhà máy sấy..., nên “quản lý không nổi, khiến mô hình teo tóp dần”.
“Ngay cả ông Thòn (ông Huỳnh Văn Thòn, Chủ tịch Hội đồng quản trị tập đoàn Lộc Trời) cũng than với tôi là đuối quá!”, ông Bảnh nói thêm.
GS.TS. Võ Tòng Xuân, Hiệu trưởng trường Đại học Nam Cần Thơ, một chuyên gia trong ngành nông nghiệp, cho biết lý do quan trọng nhất dẫn đến sự thất bại của mô hình cánh đồng lớn là những người tổ chức (doanh nghiệp) không có đầu ra. “Lúa gạo sản xuất ra không ai mua đành phải trở lại bán cho thương lái như cũ”, ông nói.
Liên quan đến ý kiến cho rằng nguyên nhân thất bại là do doanh nghiệp không tiếp cận được vốn, ông Xuân nhận định dù có vốn nhưng không tìm được đầu ra thì cuối cùng doanh nghiệp cũng thất bại. “Anh phải bán được thì ngân hàng mới cho anh vay tiếp. Còn nếu anh không bán được, ngân hàng đưa đồng nào hết đồng ấy thì ai dám cho vay nữa?”, ông nêu vấn đề.
Theo ông Xuân, mô hình cánh đồng lớn muốn thành công phải xuất phát từ thị trường, nghĩa là doanh nghiệp phải biết khách hàng cần loại gạo gì, tiêu chuẩn ra sao... Khi có đầu ra rồi, họ mới quay sang hợp đồng sản xuất cùng nông dân với diện tích và tiêu chuẩn phù hợp.
“Chẳng hạn, một công ty lương thực ở Trung Quốc mỗi năm có nhu cầu nhập 100.000 tấn gạo Japonica và đặt hàng với doanh nghiệp A trong nước, thì doanh nghiệp này sẽ liên kết với nông dân hình thành cánh đồng lớn quy mô 100.000 tấn gạo theo tiêu chuẩn chất lượng của khách hàng. Khi doanh nghiệp liên kết sản xuất với nông dân mà biết rõ sản phẩm được tiêu thụ ở đâu thì làm sao thất bại được”, ông nhấn mạnh.
Trung Chánh (thesaigontimes)
Không có nhận xét nào: