Không ít sản phẩm rau quả của Việt Nam khi sang thị trường Trung Quốc đã chọn đi theo đường tiểu ngạch, bởi coi đây là thị trường dễ tính. Khi Trung Quốc “siết” đường tiểu ngạch, thì các mặt hàng này của Việt Nam gặp ngay khó khăn vì chưa đáp ứng được yêu cầu của thị trường.
Công nhân đóng gói xoài xuất khẩu tại một doanh nghiệp. Ảnh: Trung Chánh
Bài học từ Malaysia
Tại cuộc tọa đàm được tổ chức mới đây ở An Giang, bà Nguyễn Thị Kim Thanh, chuyên gia tư vấn về tiêu chuẩn chất lượng sản phẩm, đã dẫn câu chuyện về cách thức tiếp cận của Malaysia trong việc xuất khẩu trái cây sang Trung Quốc - thị trường nhập khẩu trái cây chủ lực của Việt Nam.
Theo bà Thanh, dù Trung Quốc không chủ động đưa ra yêu cầu về tiêu chuẩn chất lượng, nhưng Malaysia bắt đầu bằng việc ký một thỏa thuận thương mại song phương nhằm đưa ra danh mục quản lý sâu bệnh với các loại trái cây, các biện pháp cần phải xử lý sau khi thu hoạch... để đảm bảo chất lượng cho sản phẩm.
Ví dụ, với trái đu đủ, phía Trung Quốc quy định sản phẩm sau khi thu hoạch phải được xử lý bằng hơi nước nóng 46 độ C trong 10 phút. “Tổng cục Kiểm dịch, kiểm tra và giám sát chất lượng Trung Quốc sẽ làm việc với cơ quan chịu trách nhiệm về nông nghiệp của Malaysia để hai bên ký thống nhất với nhau về các quy định liên quan”, bà Thanh nói.
Dựa trên thỏa thuận ký kết, Trung Quốc sẽ đưa ra các quy trình kiểm dịch thực vật đối với trái cây của Malaysia xuất khẩu vào nước này. Ngoài ra, các chương trình quản lý dịch bệnh hay chứng nhận chất lượng sản phẩm, chứng nhận vùng trồng, cơ sở chế biến, đóng gói... đều được thể hiện rất rõ ràng.
Về phía cơ quan phụ trách nông nghiệp của Malaysia, theo bà Thanh, họ sẽ hỗ trợ cho nông dân, nhà đóng gói thực hiện các chương trình liên quan để đáp ứng yêu cầu của thị trường Trung Quốc như thỏa thuận hai bên đã ký kết. “Malaysia không nhìn Trung Quốc như một khách hàng dễ tính, tức ngay từ đầu họ đã xác định phải làm bài bản, đáp ứng yêu cầu của thị trường này”, bà cho biết tất cả các hoạt động này của Malaysia đều hoàn toàn tự nguyện.
“Ngay từ đầu Malaysia đã thống nhất với cơ quan quản lý của Trung Quốc về cách thức xuất khẩu hàng hóa vào quốc gia này dù họ không yêu cầu. Đây cũng là một cách bảo đảm rằng hàng hóa của Malaysia vào Trung Quốc đều an toàn”, bà Thanh nhấn mạnh.
Chủ động đàm phán mở cửa thị trường
“Ngay từ đầu Malaysia đã thống nhất với cơ quan quản lý của Trung Quốc về cách thức xuất khẩu hàng hóa vào quốc gia này dù họ không yêu cầu. Đây cũng là một cách bảo đảm rằng hàng hóa của Malaysia vào Trung Quốc đều an toàn”.
Báo cáo của Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho thấy năm 2018 kim ngạch xuất khẩu rau quả Việt Nam đạt 3,81 tỉ đô la Mỹ, trong đó, đến 81% xuất khẩu vào thị trường Trung Quốc.
Trung Quốc hiện là thị trường quan trọng, tuy nhiên đến nay chỉ có tám loại quả tươi của Việt Nam được xuất khẩu chính ngạch vào thị trường này gồm thanh long, chuối, chôm chôm, nhãn, vải, xoài, dưa hấu và mít.
Nhiều loại trái cây khác, nhất là sầu riêng và bưởi, có tiềm năng xuất khẩu lớn vào Trung Quốc nhưng vẫn chưa được phép xuất khẩu chính ngạch. Lý do Việt Nam chưa đàm phán mở cửa thị trường xuất khẩu chính ngạch thêm cho các loại trái cây khác, theo một vị lãnh đạo ngành nông nghiệp ở đồng bằng sông Cửu Long, là vì trong một thời gian dài, Việt Nam xem Trung Quốc là thị trường dễ tính, không đòi hỏi cao về tiêu chuẩn chất lượng, vẫn chấp nhận hình thức nhập khẩu tiểu ngạch. Thậm chí, một số loại trái cây của Việt Nam như sầu riêng có thể “mượn danh” sầu riêng Thái xuất vào Trung Quốc cũng tạo tâm lý ỷ lại.
Thế nhưng, gần đây, khi Trung Quốc “siết” nhập khẩu tiểu ngạch, chuyển sang chính ngạch, thì ngành trái cây Việt Nam mới vỡ lẽ chưa đáp ứng được yêu cầu của thị trường từng được xem là dễ tính này. Đây cũng là lý do khiến Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản đặt mục tiêu kim ngạch xuất khẩu rau quả năm 2019 đạt 3,83 tỉ đô la Mỹ, chỉ tăng 0,8% so với năm ngoái, dù kết quả năm 2018 tăng đến hơn 47% so với 2017.
Ông Nguyễn Lâm Viên, Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Tổng giám đốc Công ty Vinamit, nói rằng Trung Quốc là thị trường lớn, họ tiêu thụ sản phẩm rất bền bỉ và lâu dài. “Nhưng, chính cái bền bỉ, lâu dài và hấp dẫn đó nó cũng tạo ra rất nhiều rủi ro”, ông nhấn mạnh và cho rằng khi Trung Quốc chuyển sang nhập khẩu chính ngạch thì họ đòi hỏi phải chuẩn hóa về chất lượng sản phẩm, về quy trình sản xuất...
Từ sự thay đổi chính sách nhập khẩu của Trung Quốc, ông Lê Văn Thiệt, Phó cục trưởng Cục Bảo vệ thực vật, cho rằng việc cần làm hiện nay là chủ động đàm phán mở cửa thị trường. Bởi xuất khẩu theo hình thức biên mậu vào Trung Quốc đã bị hạn chế dần, trong khi quốc gia này đang ngày càng nâng cao hàng rào kỹ thuật về kiểm dịch thực vật.
Đồng quan điểm này, ông Võ Quan Huy, Giám đốc Công ty Huy Long An, cho rằng Việt Nam phải nghĩ đến vấn đề đáp ứng hàng rào kỹ thuật cũng như khả năng tiêu thụ của thị trường để có sự điều chỉnh từ trong nước cho phù hợp. Ngoài ra, Trung Quốc còn yêu cầu sản phẩm nhập khẩu phải có chứng nhận vùng trồng, truy xuất nguồn gốc, thậm chí tới đây sẽ là chứng nhận về nhà chế biến, đóng gói, nên Cục Bảo vệ thực vật phải hỗ trợ để doanh nghiệp làm thủ tục này được nhanh gọn.
“Hiện nay, chuối của công ty tôi xuất sang thị trường Trung Quốc tốt là nhờ có đánh giá nhà máy đóng gói, vùng trồng để đáp ứng cho thị trường Nhật và Hàn Quốc. Trong khi đó, một số đơn vị khác chưa có chứng nhận nên bị “siết” là lập tức khó khăn”, ông Huy nói.
Trung Chánh (thesaigontimes)
Không có nhận xét nào: